Doanh nghiệp hiến kế gì để chuyển đổi số?
Nếu Việt Nam không đột phá bằng chuyển đổi số được thì ngược lại sẽ tạo ra sức ép rất lớn, vì rất có thể các quốc ra khác sẽ đột phá thành công, và khoảng cách giữa ta với họ sẽ càng rộng hơn.
- 10-08-2019Lưu ý của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng và lời đáp từ cộng đồng doanh nghiệp
- 10-08-2019Sumitomo Electric Hardmetal Corp mở văn phòng kinh doanh ở Việt Nam
- 09-08-2019"Việt Nam có hùng cường được hay không?" và đây là câu trả lời của các bộ ngành
- 08-08-2019GS. Hồ Tú Bảo: Cha ông cầm AK, con cháu phải cầm AI thì quốc gia mới có thể hùng cường!
Tại diễn đàn Vietnam ICT Summit 2019, hiến kế chuyển đổi số vì một "Việt Nam hùng cường", ông Nguyễn Quang Vinh - Giám đốc Trung tâm Công nghệ lõi, Tập đoàn Viettel chia sẻ: "Chúng ta đều biết, AI phủ sóng tất cả các lĩnh vực trong đời sống xã hội, từ y tế đến giáo dục, nông nghiệp, giao thông,... Trong một nghiên cứu mới nhất, các doanh nghiệp chuyển đổi số xác định AI chiếm tới 39% quá trình.
Bản chất, chuyển đổi số mang lại nguồn lực cho doanh nghiệp, cũng giúp cho chính phủ và nhà đầu tư vận hành một cách hiệu quả hơn. Rõ ràng, AI đóng vai trò quan trọng trong việc đi lên trở thành đất nước hùng cường".
Việt Nam hiện đang ở đâu? Ông Vinh cho rằng, nguồn nhân lực AI là một nhu cầu cho phát triển, tuy nhiên theo thống kê trên thế giới chỉ có 22.000 kỹ sư AI và 5.000 kỹ sư AI chất lượng cao. Việt Nam có dân số trẻ và năng lực Toán - Tin tốt, đó là tiềm năng lớn để phát triển AI và đất nước hùng cường.
Ông Vinh cũng nghiên cứu một số quốc gia đi đầu về AI trên thế giới. Châu Mỹ có Mỹ, Canada, châu Âu có Anh, Pháp, Đức, Ý, Đan Mạch, Phần Lan, châu Á có Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Ấn Độ. Có một vài điểm chung cơ bản giữa tất cả các quốc gia này, thứ nhất là phát triển dự án đầu tư mạnh cho AI. Thứ hai là hoàn thiện thể chế, chính sách đảm bảo dữ liệu. Thứ ba là cơ chế lương, thưởng, chế độ riêng cho nhân lực AI. Đồng thời khuyến khích doanh nghiệp vừa và nhỏ vì họ là đối tượng thích ứng nhanh với chuyển đổi số.
"Doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ là nguồn lực chính của quá trình chuyển đổi số và đóng góp cho đất nước" - ông Vinh khẳng định.
Chủ tịch HĐQT ĐH FPT - ông Lê Trường Tùng phát biểu: "Trong bối cảnh toàn cầu hóa, hùng cường hay không hùng cường còn phải so sánh tương đối với các quốc gia khác, không phải chỉ có mình mình chuyển đổi số, mà nhiều nước cũng nhìn nhận được điều đó".
Ông Tùng nói: "Chúng ta nói đến cách mạng công nghiệp 4.0, nói đến IoT, nói đến AI và hy vọng tạo ra sự phát triển đột phá của từng ngành, của đất nước. Nhưng thực ra nếu chúng ta không đột phá được thì ngược lại sẽ tạo ra sức ép rất lớn, vì rất có thể các quốc ra khác sẽ đột phá thành công, và khoảng cách giữa ta với họ sẽ càng rộng hơn. Đây đúng là cơ hội, nhưng tôi còn lo nhiều hơn". Ông Tùng rằng vấn đề là thời gian, 5 đến 10 năm nữa nếu chúng ta thành công thì đất nước sẽ hùng cường, nếu không thành công thì chúng ta sẽ tụt hậu còn xa hơn nữa.
Vua Quang Trung có câu: "Dựng nước lấy việc học làm đầu". Trong chuyển đổi số cũng vậy, chúng ta muốn phát triển trí tuệ nhân tạo thì phải phát triển trí tuệ tự nhiên trước. Đối với các lĩnh vực như ngân hàng, các doanh nghiệp, chính phủ chỉ có một câu chuyện chuyển đổi số ra sao, thì giáo dục phải đáp ứng được cả việc chuyển đổi số bản thân, vừa phải tạo ra nguồn nhân lực có tố chất chuyển đổi số để sau này tham gia chuyển đổi số cho các ngành khác.
Nếu giáo dục không chuyển đổi số chính bản thân mình thì cũng khó có thể hỗ trợ ngành khác. Giáo dục truyền thống đã bị tụt hậu so với công nghệ vì nhiều lý do chủ quan và khách quan. Chúng ta đã thấy rất nhiều tấm gương các tập đoàn lớn tuyển dụng không cần bằng cấp. Giáo dục cần giành lại vị thế là tạo nguồn nhân lực dẫn dắt phát triển.
Ông Tùng cho biết, chuyển đổi số giáo dục có hai bài toán. Bài toán đầu tiên mà nhiều nước đang đau đầu chính là hạ tầng nhân lực, vì toàn bộ nền giáo dục hiện này đào tạo theo "lô", theo lớp. Làm thế nào phải đưa được AI vào trường lớp để cá thể hóa giáo dục vì mỗi học sinh có năng lực khác nhau. Nếu nước nào làm được điều đó sẽ tạo ra ưu thế cạnh tranh lớn trong thời gian rất ngắn. Thứ hai là AI Việt Nam vẫn đang phát triển khá tốt nhưng chưa thay thế được giáo dục truyền thống vì AI chưa giải quyết được yếu tố sư phạm vào trong giáo dục.
Đại diện Microsoft Việt Nam, ông Phạm Thế Trường chia sẻ, đầu tư của Microsoft sẽ đầu tư cho chính phủ, giúp xây dựng hành lang pháp lý, kết nối với các nước phát triển để chia sẻ kinh nghiệm. Thứ hai là xây dựng hệ thống phòng thủ và trao hệ thống đó cho Việt Nam để Việt Nam biết mình đang bị tấn công công nghệ như thế nào. Cuối cùng, ông Trường mong muốn học sinh Việt Nam được tiếp cận với máy tính sớm, tiếp cận với những công nghệ mới nhất dễ dàng và miễn phí, tiếp cận đến những nội dung cao cấp hơn trong thời gian ngắn nhất.