Doanh nghiệp Mỹ "chạy đôn chạy đáo" vì mức thuế nhập khẩu 25%
"Những ngày 80% thời gian và gần như 100% năng lượng của tôi được dùng để đối phó với thuế quan", chủ 1 doanh nghiệp chuyên nhập khẩu ván sàn từ Trung Quốc nói.
Khi Mỹ tăng thuế đánh vào hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc hồi tháng 5, Harlan Stone, chủ của 1 công ty nhập khẩu sàn vinyl ở Mỹ biết rằng mình phải hành động thật nhanh chóng. Ông ngay lập tức bốc máy gọi điện cho khách hàng chính của mình, Home Depot, để cập nhật thông tin. Sau đó ông bay tới Trung Quốc, chuẩn bị sẵn sàng cho những cuộc thảo luận khó khăn với các nhà cung ứng.
Stone thuyết phục những nhà cung ứng Trung Quốc không để cho mức thuế 25% làm ảnh hưởng hoạt động của họ ở thị trường Mỹ. Ông cũng đã phải làm việc không ngừng nghỉ để xem xét liệu Home Depot có thể chịu được mức chi phí gia tăng hay không, đồng thời cố gắng canh giờ nhanh chóng vận chuyển hàng bằng đường biển để có thể tránh được thuế quan. Đội của ông cũng phải tìm cách giảm thiểu tối đa chi phí vận chuyển và đóng gói.
"Chúng tôi cần phải chú ý đến những chi tiết nhỏ nhặt nhất, cố gắng tích tiểu thành đại", Stone – người đi giày sneaker và đội chiếc mũ lưỡi trai Yankees khi chạy đôn chạy đáo giữa các cuộc họp ở Trương Gia Cảng, thành phố cảng nằm bên bờ sông Dương Tử - nói.
Khi chính quyền Trump áp thuế nhập khẩu 10% khoảng 1 năm trước, các nhà cung ứng, nhà nhập khẩu, nhà phân phối và nhà bán lẻ đã cùng nhau ngồi lại để cắt giảm chi phí và cố gắng tránh việc bắt người tiêu dùng phải chịu phí vì lo sợ làm như vậy doanh thu sẽ sụt giảm. Stone và các đối tác Trung Quốc chịu phần lớn chi phí thuế quan.
Tuy nhiên, mức thuế 25% lại là câu chuyện hoàn toàn khác. Con số này làm đảo lộn các dự toán chi phí và cả các mô hình kinh doanh, đe dọa những mối quan hệ hợp tác đã được tích lũy suốt mấy chục năm nay. Đối với những công ty như của Stone, đây là 1 bài toán đau đớn. Họ phải cố gắng tìm ra cách hợp lý nhất để phân bổ chi phí phát sinh vào khắp chuỗi cung ứng, tính toán khách hàng sẽ phải chịu bao nhiêu, doanh thu có thể sụt giảm bao nhiêu và bản thân công ty sẽ thiệt hại bao nhiêu.
Cuộc chiến thương mại ngày càng leo thang với những màn trả đũa gay cấn đang buộc các doanh nghiệp phải tính toán lại rất nhiều. Nền kinh tế Mỹ và Trung Quốc sẽ sớm cảm nhận những hệ quả.
Năm nay 61 tuổi, Stone đã mua hàng hóa từ châu Á từ những năm 1970, đầu tiên là từ Đài Loan và sau đó là từ đại lục. Ông thừa kế công ty kinh doanh sàn vinyl từ người cha của mình. Trong danh sách đánh thuế của ông Trump, sàn vinyl là một trong những hạng mục lớn nhất. Năm ngoái thị trường sàn vinyl của Mỹ trị giá khoảng 3 tỷ USD, và hầu hết là nhập từ Trung Quốc. Trong đó loại hàng mà Stone nhập khẩu và phân phối qua kênh bán buôn chiếm phần lớn và có mức tăng trưởng 25% mỗi năm.
Những nhà cung ứng Trung Quốc làm việc với Stone mấy chục năm nay đã bị sốc bởi làn sóng thuế quan mới nhất. Họ lo sợ hàng nghìn công nhân sẽ mất việc khi bị các khách hàng Mỹ hủy đơn hàng. Một số công ty nhỏ đã bắt đầu giảm giá cho người mua từ châu Âu để giải phóng hàng tồn kho.
Trong chuyến đi Trung Quốc vừa qua, Stone làm việc giống như đội trưởng đội cổ vũ, cố gắng làm cho những đối tác của mình phấn chấn. "Đừng ngừng sản xuất, đừng để cho công nhân thất nghiệp, hãy cố gắng tìm nguồn vốn trong nước", Stone nói với những lãnh đạo của Zhangjiagang Elegant Home-Tech, 1 công ty gia đình được lập ra bởi 1 doanh nhân Trung Quốc từng là công nhân trong nhà máy và hiện đang được điều hành bởi người con đã từng du học ở Canada.
Trong khi đó, FFO Home ở Fort Smith đã bắt đầu tăng giá bán các thiết bị gia dụng như máy giặt và đồ nội thất vốn được nhập khẩu từ Trung Quốc. Ông chủ cửa hàng, Larry Zigerelli, cho biết một số mặt hàng vốn đã tăng giá 10% vì đợt thuế năm ngoái và giờ sẽ tiếp tục tăng giá khi thuế tăng lên 25%.
Ở thời điểm hiện tại, chi tiêu tiêu dùng của Mỹ vẫn tỏ ra vững vàng. Nhưng theo ước tính của các chuyên gia kinh tế thì mất khoảng 3 đến 6 tháng để chi phí thuế quan được phản ánh đầy đủ trong chỉ số giá tiêu dùng.
Theo Trade Partnership Worldwide, công ty tư vấn ở Washington, trung bình 1 hộ gia đình Mỹ sẽ phải chi thêm khoảng 770 USD mỗi năm sau khi Mỹ áp thuế 25% lên 250 tỷ USD hàng Trung Quốc. Nếu như ông Trump đánh thuế 10% lên 300 tỷ USD hàng hóa còn lại từ ngày 1/9 như đã thông báo trên Twitter, con số đương nhiên sẽ tăng lên. Giáo sư ĐH California Katheryn Russ cho rằng chắc chắn sẽ có những người không thể mua được những hàng hóa thiết yếu.
CFL Flooring, một trong những công ty xuất khẩu ván sàn lớn nhất từ Trung Quốc sang Mỹ với khoảng 2.600 công nhân đang làm việc tại vài nhà máy ở Jiaxing (phía Nam Thượng Hải), coi thuế quan là điều đem đến sự thay đổi lớn. Mùa thu năm ngoái CFL đã quyết định lập nhà máy ở Đài Loan và Việt Nam và đã bắt đầu xuất khẩu từ những nhà máy này từ tháng 3 năm nay.
Tuy nhiên Stone cho rằng hầu hết các nhà máy sản xuất sàn vinyl vẫn sẽ ở lại Trung Quốc. Có lịch sử từ những năm 1980, các nhà máy Trung Quốc đã phát triển được đội ngũ nhân công tay nghề cao mà những nơi khác khó có thể cung cấp. Họ cũng đang chủ động cạnh tranh, đầu tư vào công nghệ mới để giảm thiểu chi phí và gia tăng chất lượng sản phẩm.
Khi Stone bắt đầu làm việc với Zhangjiagang Yihua Plastic, đây vẫn là 1 công ty quốc doanh. Sau đó công ty được giao cho 1 sĩ quan quân đội đã giải ngũ tên là Sun Yonghua điều hành và sau đó là cổ phần hóa. Hồi tháng 5, trong khi dùng bữa tối với món tôm, lẩu bò, cá và rượu, hai người đã thảo luận về thuế quan và phương án đối phó. Sun cho biết ông tự tin sẽ nhận được sự hỗ trợ từ các ngân hàng Trung Quốc để có thể sống tốt. Hai người tin rằng mối quan hệ đối tác hơn 30 năm sẽ sống sót sau giông bão.
Home Depot đã thành lập thứ mà các nhân viên gọi là "phòng chiến tranh thuế quan" để phân tích sản phẩm, chi phí và vạch ra các chiến lược về giá. Cuối tháng 6 vừa qua, CEO Home Depot đã nói với CNBC rằng công ty đang làm việc với các nhà cung ứng để giảm thiểu chi phí thuế quan dù người tiêu dùng sẽ phải chịu một phần nhỏ trong con số 25%.
Ngoài ra Stone cũng đang cố gắng vận động hành lang để loại sàn vinyl cao cấp ra khỏi danh sách hàng hóa bị đánh thuế. Một trong những lập luận được đưa ra là các nhà sản xuất Mỹ không thể đáp ứng nổi nhu cầu khổng lồ về sàn vinyl.
"Những ngày 80% thời gian và gần như 100% năng lượng của tôi được dùng để đối phó với thuế quan", Stone nói.