Doanh nghiệp ngày càng teo tóp vì rào cản
Những ý kiến được nêu tại cuộc gặp giữa Thủ tướng với cộng đồng doanh nghiệp tuần qua cho thấy, bức tranh toàn cảnh về kinh doanh của doanh nghiệp Việt đang “trĩu” những gánh nặng vô hình. Sự nhũng nhiễu và các chi phí “bên lề” khiến doanh nghiệp Việt ngày càng teo tóp.
- 07-05-2016“Sức khỏe” các doanh nghiệp bất động sản vẫn còn rất yếu!
- 07-05-2016Doanh nghiệp kỳ vọng gì vào chính phủ kiến tạo, phục vụ?
- 06-05-2016Những lý do thuyết phục doanh nghiệp đổ vốn vào nông nghiệp tỉnh Quảng Ninh
DN phải một cổ nhiều tròng
Về những kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp, trao đổi với PV Tiền Phong mới đây, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cho rằng, một trong những điểm khiến cộng đồng doanh nghiệp kinh doanh tại Việt Nam luôn bức xúc chính là chậm đổi mới môi trường kinh doanh.
Theo ông Thành, những vấn đề cũ luôn được các doanh nghiệp nêu ra tại các cuộc gặp, đối thoại của Thủ tướng hay lãnh đạo các bộ, ngành với doanh nghiệp chính là bên cạnh việc phải thực hiện nghĩa vụ về thuế với nhà nước, doanh nghiệp còn phải chịu các loại thuế phí phát sinh từ các “giấy phép con”, những quy định kiểu “lệ làng”. Đây chính là những rào cản vô hình cho sự phát triển của doanh nghiệp và cả nền kinh tế.
TS Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế cho rằng, đổi mới, tạo dựng môi trường kinh doanh ngày càng thông thoáng hơn là vấn đề cũ được đề cập nhiều thời gian qua. Tuy nhiên, doanh nghiệp, hiệp hội càng kêu nhiều thì dường như giấy phép con ngày càng nhiều hơn. Điều này cho thấy có khoảng cách giữa nói và làm trong tạo môi trường thông thoáng cho doanh nghiệp phát triển.
Cũng theo ông Ánh, cải cách hành chính đã làm khá nhiều nhưng mới là những cải cách liên quan đến thủ tục, trong khi bộ máy và con người không có biện pháp thay đổi. “Thực tế hiện nay doanh nghiệp đang trong cảnh một cổ nhiều tròng, bất cứ cơ quan quản lý nào cũng có thể nhảy vào kiểm tra theo các lĩnh vực mình phụ trách. Vì vậy mới có tình trạng một năm doanh nghiệp phải đón cả chục đoàn vào thanh, kiểm tra. Để bỏ tình trạng này, cần có quy định kết quả kiểm tra 1 doanh nghiệp phải được sử dụng chung và chia sẻ cho các cơ quan khác”, ông Ánh nói.
Theo chuyên gia này, cần có cơ chế để xử lý những cán bộ mà các doanh nghiệp đã “chỉ tận tay day tận trán” về hành vi nhũng nhiễu hay tham nhũng vặt. Thay đổi môi trường cạnh tranh bản chất là cải cách bộ máy hành chính. Để làm được cần phân định rõ quyền và trách nhiệm của cơ quan quản lý trong việc giám sát cũng như hỗ trợ doanh nghiệp, không để tình trạng khi bị doanh nghiệp tố thì lại phủi tay!
Giảm thiểu những gánh nặng vô hình
Chính phủ cần có giải pháp quyết liệt để giảm mạnh rủi ro và chi phí, để bảo đảm an toàn và “khoan sức” cho doanh nghiệp là ý kiến của ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI).
“Trước mắt, với gần 6.000 điều kiện kinh doanh, đến ngày 1/7 tới cần công bố đầy đủ điều kiện đối với từng ngành nghề trên Cổng thông tin quốc gia về doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp và Luật đầu tư để mọi người dân, doanh nghiệp biết và tuân thủ. Trong quá trình rà xét các giấy phép, điều kiện kinh doanh nói riêng và cải cách thủ tục hành chính nói chung, nên tham khảo kinh nghiệm của các nền kinh tế dẫn đầu ASEAN, hạn chế tối đa các kẽ hở cho công chức lợi dụng nhũng nhiễu, tham nhũng vặt”.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI
Ông Lộc đơn cử: Các doanh nghiệp trong nước đang phải gánh chịu chi phí của cả các khoản nợ xấu của hệ thống ngân hàng cũng như nợ công của Chính phủ. Nếu mức lãi suất thực hợp lý của người gửi tiền khoảng 2% và mức chênh lệch lãi suất huy động và cho vay hợp lý của hệ thống ngân hàng khoảng 2-3%, mặt bằng lãi suất hiện nay cần giảm thêm 2% nữa mới về mức hợp lý.
“Chính phủ nên đặt mục tiêu cụ thể giảm lãi suất thực 1-2% trong năm tới cùng với việc giải quyết nợ xấu một cách thực chất. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cần triển khai gói hỗ trợ từ tái cấp vốn với lãi suất thấp hơn lãi suất thị trường 2-3% cho doanh nghiệp khởi nghiệp và doanh nghiệp nhỏ theo định hướng trọng tâm của Chính phủ, tương tự như gói 30.000 tỷ cho nhà ở xã hội”, ông Lộc đề xuất.
Ngoài ra, theo chuyên gia Bùi Kiến Thành, cần phải xem lại cơ chế ưu đãi đầu tư trong thu hút FDI ở các địa phương như hiện nay. Việc mở cửa ưu đãi ồ ạt về thuế phí, đất đai, cơ hội tiếp cận và tiêu thụ sản phẩm cho doanh nghiệp ngoại cũng là đón giáng làm suy yếu sức cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước. Doanh nghiệp trong nước đang bị yếu thế rất nhiều. Như lãi suất hiện nay phải vay ở mức 10%/năm, trong khi các doanh nghiệp ngoại nếu vay vốn nước ngoài chỉ phải trả lãi suất 1-2%/năm. Riêng phần chênh lãi suất này cũng khiến doanh nghiệp trong nước khó cạnh tranh được.
“Chính phủ cần tính tới xây dựng nguồn thu bền vững thông qua tạo dựng cơ chế để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển. Khi doanh nghiệp có nguồn thu, các khoản đóng góp cho ngân sách sẽ gia tăng. Chừng nào doanh nghiệp còn khó khăn mà tập trung tăng thu thì khác gì con gà chưa có trứng nhưng vẫn bị ép phải lấy trứng”, ông Thành nói.
Tiền phong