MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nghiệp và trách nhiệm xã hội

Đại diện phát ngôn của Formosa đã bị cho nghỉ việc vì phát ngôn “chọn cá hay chọn thép”. Câu chuyện này sẽ khiến chúng ta cần phải nhìn nhận lại việc phát triển phải đi kèm “bền vững” và phát triển xanh.

Những ngày này từ khóa được tra cứu, bàn tán nhiều nhất là “cá chết”. Chưa có con số thống kê cụ thể về số cá chết dọc miền Trung Việt Nam, số liệu mới nhất ước tính khoảng 100 tấn cá chết dạt vào bờ và thiệt hại tại Quảng Trị khoảng 134 tỷ đồng. Đây không phải là câu chuyện của riêng Vũng Áng, của riêng miền Trung mà là câu chuyện của cả nước, ảnh hưởng tới sức khỏe người dân, kinh tế biển và nền du lịch nước nhà.

Đã 30 ngày trôi qua nhưng chưa có một câu trả lời thỏa đáng cho câu chuyện cá chết dọc bờ biển miền Trung. Mặc dù lãnh đạo các thành phố Đà Nẵng, Quảng Bình, Hà Tĩnh trong kỳ nghỉ vừa qua xuống tắm biển và ăn hải sản, nhưng trên thực tế với tâm lý của người dân vẫn cảm thấy e dè. Lòng tin chỉ có thể được củng cố nếu có các bằng chứng cụ thể, các con số cụ thể được khoa học kỹ thuật kiểm chứng về các chất ở biển, có ảnh hưởng tới sức khỏe người dân hay không.

Tại cuộc họp báo Chính phủ vừa qua, đại diện Bộ Công thương công bố con số hóa chất mà Formosa được chấp thuận nhập khẩu từ đầu năm 2016 đến nay là 224 tấn hóa chất với 43 loại hóa chất, trong 5 tháng Formosa đã sử dụng 51 tấn và tồn kho 248 tấn. Mục đích nhập khẩu được cho biết là nhằm làm sạch bề mặt kim loại, hóa chất khử khuẩn, chất keo tụ để xử lý nước, hóa chất ổn định, nước làm mát để ức chế ăn mòn hóa học, ổn định độ PH của môi trường nước...Còn Formosa sử dụng ra sao thì theo đại diện Bộ Công thương, vấn đề này đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường kiểm tra, tổng hợp và báo cáo lên Chính phủ.

Đại diện phát ngôn của Formosa đã bị cho nghỉ việc vì phát ngôn “chọn cá hay chọn thép”. Câu chuyện này sẽ khiến chúng ta cần phải nhìn nhận lại việc phát triển phải đi kèm “bền vững” và phát triển xanh.

Không phải tự nhiên mà báo cáo thường niên của các doanh nghiệp niêm yết – không bắt buộc – nhưng được khuyến khích đính kèm báo cáo phát triển bền vững. IFC, thành viên của nhóm Ngân hàng thế giới đã kết hợp cùng Ủy ban chứng khoán nhà nước hướng dẫn các doanh nghiệp lập báo cáo phát triển bền vững với mục tiêu nâng cao trách nhiệm của các doanh nghiệp với môi trường và xã hội, bên cạnh các thông tin về tình hình tài chính.

Ngày nay, các quỹ đầu tư quốc tế khi đầu tư vào doanh nghiệp không chỉ nhìn vào số liệu doanh thu, lợi nhuận, thị phần mà họ còn quan tâm đến chỉ số ESG (Environmental, Social, Governance), chỉ số phát triển bền vững bao gồm việc sử dụng hiệu quả các nguồn lực xã hội như môi trường, nguồn nước, rác thải ô nhiễm, nguồn nhân lực lao động, quyền con người...

Một doanh nghiệp sẽ chỉ phát triển bền vững được nếu sân chơi của doanh nghiệp dó được phát triển bền vững và cộng đồng xã hội được hưởng lợi từ đó.

Trên khắp các phương tiện truyền thông hiện tại, đâu đâu cũng thấy hình ảnh về thực phẩm bẩn, từ clip lấy chổi quét rau để rau xước như có sâu, đến các thông tin hàng tấn cá chết được vận chuyển vào nam làm nước mắm, các xe khách chở hàng tấn thịt bẩn tuồn vào các nhà hàng, các cửa hàng chế biến thức ăn sẵn… Trong khi đó, ở Việt Nam khi nền nông nghiệp còn manh mún và chưa áp dụng được vào các cánh đồng mẫu lớn thì việc giải ngân 50 – 100 triệu USD để làm nông nghiệp rất khó, do đó lợi nhuận từ mảng nông nghiệp sẽ không nhiều như bất động sản hay tài chính nhưng các doanh nhân này vẫn làm, chỉ để góp phần cung cấp thực phẩm sạch, có thể truy nguồn gốc xuất xứ cho xã hội.

Một số doanh nghiệp chuyển hướng sang nông nghiệp như Tập đoàn PAN Group cung cấp những sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, trở thành địa chỉ tin cậy cung cấp nguồn thực phẩm sạch và bổ dưỡng, an toàn vệ sinh theo tiêu chuẩn quốc tế cho thị trường trong và ngoài nước. Mục tiêu của PAN Group muốn góp phần xóa bỏ những quan ngại về suy thoái môi trường, bất ổn xã hội, những mối lo về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm đem lại lợi ích cho các bên liên quan và góp phần tạo ra thương hiệu nông nghiệp và thực phẩm tin cậy cho Việt Nam.

Năm 2015, các công ty con của PAN Group áp dụng tiêu chuẩn Fair Trade cho thương hiệu gạo Ban Mai của PAN Food đem lại lợi ích kinh tế cho các bên tham gia, hay công nghệ nuôi cá mật độ cao của ABT và dự án chuyển đổi toàn diện công nghệ sản xuất của LAF giúp hạn chế tối đa các yếu tố gây ô nhiễm môi trường. Đối tác quốc tế của LAF là Intersnack cũng đang phối hợp với LAF và các bên khác để xây dựng chuỗi cung cấp Điều bền vững tại Việt Nam, tạo ra các sản phẩm từ điều đáp ứng yêu cầu an toàn, truy xuất nguồn gốc và đem lại giá trị cao cho người lao động trực tiếp, bao gồm công nhân sản xuất và nông dân trồng Điều.

Hay như tập đoàn Vingroup, bên cạnh việc xây dựng hàng chục dự án và trung tâm thương mại trên khắp cả nước, tập đoàn này cũng đầu tư hàng nghìn tỷ cho công ty nông nghiệp chuyên cung cấp rau sạch và xây dựng trường học mang thương hiệu Vinschool.

Với các công ty chứng khoán, công ty bảo hiểm, trách nhiệm xã hội còn nằm ở việc tiết kiệm điện năng, xây trường học, hỗ trợ các hộ nghèo. Năm 2015 Tập đoàn Bảo Việt chi 28 tỷ đồng cho cộng đồng bao gồm xóa đói giảm nghèo, đầu tư cho giáo dục, tri ân gia đình có công với cách mạng và các hoạt động khác. Tập đoàn này cũng cam kết kiểm soát lượng tiêu thụ điện sử dụng. CTCP Chứng khoán Sài Gòn SSI đầu tư cho giáo dục thông qua Quỹ học bổng NDH, công ty này đã tài trợ số lượng 100 con bò, 40 con lợn, 3.000 con gà giống cho xã Vĩnh Thạch, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị, đến nay, sau khi được bàn tay những người nông dân nuôi nấng và chăm sóc thì số lượng bò, lợn gà đã tăng lên gấp nhiều lần, đem lại giá trị cao và thu nhập đang kể cho các hộ chăn nuôi.

Với các doanh nghiệp liên quan trực tiếp với việc xả thải ra môi trường như doanh nghiệp thép, báo cáo phát triển bền vững của Hòa Phát cho biết CTCP Thép Hòa Phát áp dụng cơ chế thu hồi khí thải cũng như các nguyên vật liệu khác để tái sử dụng trong sản xuất thép, lượng khí này được thu hồi và xử lý làm sạch qua các hệ thống lọc sau đó được cấp tái sử dụng cho lò gió nóng, làm chất đốt tại các khâu sản xuất khác nhau như sử dụng tại lò vôi để nung vôi luyên kim…việc tận dụng khí bụi sinh ra từ quá trình luyện thép giúp Khu liên hợp gang thép Hòa Phát tiết kiệm chi phí sản xuất, giảm thiểu tối đa tác động của môi trường.

Quay trở lại với câu chuyện của Formosa, hàng chục tấn chất thải Formosa sử dụng có được xử lý trước khi đổ xuống biển hay không cần phải có câu trả lời và Quan điểm của Thủ tướng là không loại trừ tổ chức hoặc cá nhân nào nếu vi phạm.

Doanh nghiệp tiết kiệm chi phí để tạo ra lợi nhuận cho cổ đông, áp lực từ phía cổ đông đòi hỏi doanh nghiệp phải mở rộng và phát triển không ngừng, gây sức ép ngược lại cho ban quản trị. Nhưng việc tiết kiệm chi phí không có nghĩa là cắt các khoản đầu tư về xử lý rác thải ảnh hưởng đến môi trường. Phát triển bền vững cần cả xã hội chung tay, nếu không làm cho môi trường tốt hơn thì ít nhất cũng không góp phần làm nó xấu đi.

Hãy lập kế hoạch cho tương lai vì bạn sẽ dành cả đời ở đó.

Theo Phương Mai

Người đồng hành

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên