MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bộ Công thương ra văn bản cứu ngành thép, Hòa Phát như hổ mọc thêm cánh

14-03-2016 - 11:34 AM | Doanh nghiệp

Khi các doanh nghiệp trong ngành thép đang lao đao thì Hòa Phát vẫn tăng trưởng và lãi lớn. Nay có thêm sự bảo vệ từ mức thuế nhập khẩu mới, sức mạnh của doanh nghiệp này sẽ càng tăng lên.

Ngày 07/03/2016, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 862/QĐ-BCT về việc áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời đối với sản phẩm phôi thép và thép dài nhập khẩu vào Việt Nam. Trên cơ sở kết luận điều tra sơ bộ, biện pháp tự vệ tạm thời được Bộ Công Thương áp dụng với mức thuế tương đối là 23,3% đối với Phôi thép và 14,2% đối với Thép dài, áp dụng tối đa trong vòng 200 ngày.

Quyết định này nhìn chung đã đáp ứng yêu cầu “được bảo vệ” của một số doanh nghiệp thép nội trước sự cạnh tranh gay gắt của thép ngoại giá rẻ. Trong đó, “ông lớn” Hòa Phát (mã: HPG) là doanh nghiệp được lợi hơn cả. Với mức thuế tự vệ này, Hòa Phát có thể ví như là hổ mọc thêm cánh.


Nhóm đề xuất biện pháp tự vệ gồm có Hòa Phát (HPG), Thép Việt Ý (VIS) cùng 2 thành viên của VNSteel là Tisco (TIS) và Công ty Thép Miền Nam. Trong khi đó nhóm phản đối biện pháp tự vệ gồm có Thép Pomina (POM), Vina Kyoei, NatsteelVina, Vinausteel, SEE Steel và B.C.H

Nhóm đề xuất biện pháp tự vệ gồm có Hòa Phát (HPG), Thép Việt Ý (VIS) cùng 2 thành viên của VNSteel là Tisco (TIS) và Công ty Thép Miền Nam. Trong khi đó nhóm phản đối biện pháp tự vệ gồm có Thép Pomina (POM), Vina Kyoei, NatsteelVina, Vinausteel, SEE Steel và B.C.H

Ngành thép thê thảm, Hòa Phát vẫn lãi lớn

Từ vài năm nay, ngành thép liên tục đối mặt với sức ép từ thép giá rẻ nhập khẩu, đặc biệt là từ Trung Quốc.

Theo số liệu từ Tổng cục hải quan, năm 2015, Việt Nam đã nhập khẩu 15,7 triệu tấn thép - tăng 33% về lượng so với năm 2014. Trong đó, sắt thép nhập từ Trung Quốc là 9,6 triệu tấn, tăng 54% và chiếm 61,3% tổng sản lượng nhập khẩu nhóm hàng này. So với năm 2012, lượng phôi thép và lượng thép dài nhập khẩu năm 2015 đã tăng hơn 3 lần.

Trong bối cảnh cung lớn hơn cầu, sức ép từ thép nhập khẩu đã đẩy giá sản phẩm đi xuống và các doanh nghiệp thép hầu như đều lỗ, thậm chí là lỗ liên tục nhiều năm, nếu khá hơn thì có lãi nhưng rất thấp.

Tuy nhiên, Hòa Phát lại vẫn có mức tăng trưởng cả doanh thu và lợi nhuận rất ổn định, xứng đáng giữ ngôi vị số 1 ngành này. Năm 2015, Hòa Phát đạt hơn 27.000 tỷ doanh thu thuần – tăng gần 9% so với năm 2014, trong đó mảng thép đóng góp 22.000 tỷ. Lợi nhuận sau thuế đạt 3.504 tỷ đồng – tăng gần 8% và vượt 7,8% so với kế hoạch đã điều chỉnh.

Mức doanh thu này bỏ xa 2 doanh nghiệp lớn là Tổng Công ty Thép Việt Nam (VnSteel- TVN) và Hoa Sen Group (HSG). Về lợi nhuận thì khoảng cách giữa Hòa Phát với các doanh nghiệp còn lại còn cao hơn rất nhiều.


Phần lớn lợi nhuận của ngành thép thuộc về Hòa Phát

Phần lớn lợi nhuận của ngành thép thuộc về Hòa Phát

Theo đánh giá của các chuyên gia phân tích, lợi thế quy mô là chìa khóa để Hòa Phát giải quyết khó khăn, vượt qua các doanh nghiệp khác và chiếm 22% thị phần toàn ngành.

Trước hết, sử dụng công nghệ lò cao, Hòa Phát tận dụng lợi thế giá nguyên liệu đầu vào giảm tốt hơn các doanh nghiệp sử dụng công nghệ hồ quang điện. Chính vì thế, trong năm 2015, khi giá quặng sắt và than cốc (2 nguyên liệu chính của HPG) giảm mạnh hơn so với thép phế và điện (nguyên liệu đầu vào của các DN khác), Hòa Phát đã có lợi hơn hẳn về chi phí sản xuất.

Bên cạnh đó, việc mạnh tay chi tiền chiết khấu thương mại, sử dụng chính sách bán hàng nới lỏng khiến cho chi phí bán hàng của ông lớn này tăng lên nhưng cũng là xứng đáng với hiệu quả đạt được: tăng trưởng doanh thu, giữ vững thị phần.

Đôi cánh Bộ Công thương trao tặng

Cuối năm 2015, thuế suất nhập khẩu phôi thép chỉ có 9%. Quyết định mới của Bộ công thương áp mức thuế 23,3% đối với Phôi thép và 14,2% đối với Thép dài. Ngoài ra, các mặt hàng nhập khẩu áp dụng biện pháp tự vệ chính thức phải chịu thêm mức thuế nhập khẩu bổ sung (thuế tự vệ). Do đó thuế nhập khẩu đối với phôi thép Trung Quốc sẽ lên 33,3% và thép dài ở mức 29,2%. Quyết định này sẽ hạn chế thép Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam.

Như thế, là một doanh nghiệp tự chủ được phôi thép, Hòa Phát sẽ có 2 cái lợi. Một là giảm bớt sự cạnh tranh của thép nhập khẩu – như đơn kêu cứu mà Tập đoàn này đã gửi lên Thủ tướng. Hai, khi hạn chế được lượng cung giá rẻ từ nước ngoài, phôi thép trong nước sẽ tăng giá theo và Hòa Phát – vốn là doanh nghiệp cung cấp phôi thép cho nhiều doanh nghiệp nội không tự chủ được phôi - sẽ có thể tăng cả giá bán lẫn sản lượng bán hàng.

Với những lợi thế này, sức cạnh tranh của Hòa Phát càng cao hơn so với các doanh nghiệp cùng ngành. Nói như “hổ mọc thêm cánh” cũng không sai, dù con hổ này vẫn còn phải đối mặt với không ít khó khăn.

Bảo Ngọc

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên