Chỉ một thương vụ BigC Thái Lan đã gần bằng tổng giá trị M&A tại Việt Nam năm 2015
Tập đoàn Casino Group đã bán BigC Thái Lan thành công với giá trị lên tới 3,4 tỷ USD, chỉ riêng thương vụ này đã gần bằng tới 80% tổng giá trị M&A của Việt Nam năm 2015.
- 25-02-2016"Béo bở" như BigC, vì sao các đại gia Việt Nam lại không mặn mà?
- 24-02-2016BigC + Metro Việt Nam: Lớn đấy, nhưng vẫn chưa "thấm vào đâu" so với toàn ngành bán lẻ
- 23-02-2016Nếu hợp thể, BigC và Metro Việt Nam sẽ "cướp" ngôi vị số 1 của Saigon Coop
Theo số liệu từ IMAA, năm 2015 Việt Nam có tổng cộng 525 thương vụ mua bán và sáp nhập, tăng vọt so với giai đoạn 2009-2014 (mỗi năm khoảng trên 300 thương vụ). Nếu so với năm 1999, tổng số vụ mua bán sáp nhập năm 2015 lớn gấp 16 lần và giá trị gấp hơn 40 lần.
Mặc dù tăng trưởng đột biến trong năm 2015, các số liệu từ IMAA chỉ ra một sự thật đáng buồn rằng, M&A Việt Nam mới chỉ tăng về “lượng”, chứ chưa tăng về “chất”, có nghĩa là các thương vụ M&A trong năm 2015 vẫn chủ yếu là mua bán sáp nhập quy mô nhỏ.
Tính trung bình, mỗi thương vụ M&A năm 2015 có giá trị khoảng hơn 8 triệu USD, thấp hơn so với các năm trước như 2011, 2012, 2014 và thậm chí còn thấp hơn năm 2002 và 2006.
Sự nhỏ bé của doanh nghiệp Việt sẽ còn rõ hơn nếu so sánh với số liệu các quốc gia trong khu vực. Năm 2015, “con rồng Châu Á” Singapore có 700 thương vụ M&A, giá trị gần 100 tỷ USD, trung bình 141 triệu USD/thương vụ, lớn gấp 17 lần so với Việt Nam. Con số trung bình tại các quốc gia như Thái Lan, Malaysia, Indonesia đều lớn gấp hơn 3 lần so với trung bình tại Việt Nam.
Mới đây, tập đoàn Casino Group đã bán BigC Thái Lan thành công với giá trị lên tới 3,4 tỷ USD, chỉ riêng thương vụ này đã gần bằng tổng giá trị M&A của Việt Nam năm 2015. Trong khi đó, Casino Group cũng đang rao bán BigC Việt Nam và hệ thống này được định giá khoảng 800 triệu USD, chưa bằng 1/4 so với BigC Thái Lan.
Tuy nhiên, nếu so với mặt bằng trong nước, thương vụ BigC vẫn sẽ là thương vụ lớn nhất từ trước đến nay.
Quan trọng hơn, sự nhỏ bé của DN Việt Nam còn thể hiện ở chỗ, hầu hết các vụ M&A lớn nhất đều là DN nước ngoài thâu tóm lại DN trong nước hoặc DN nước ngoài thâu tóm lại DN nước ngoài. DN Việt Nam chỉ đóng vai người đi thâu tóm ở những thương vụ nhỏ, còn lại đa phần vào vai người bị thâu tóm.
Thương vụ thâu tóm lớn nhất của DN nội được biết tới đó là Vingroup bán lại tòa nhà Vincom Center A cho VIPD với giá trị lên tới 470 triệu USD.
Trong khi đó, nhìn sang Thái Lan, ai là người chi ra 3,4 tỉ USD để mua lại BigC Thái Lan từ tay người Pháp? Câu trả lời đó là TCC Group của Thái Lan. Nó cho thấy nội lực của những DN Việt Nam, kể cả những DN lớn nhất vẫn còn thua xa các DN trong khu vực.
Nếu nhìn qua bảng xếp hạng những tỉ phú giàu nhất Đông Nam Á của Forbes, có thể thấy Thái Lan, Phillipine, Malaysia Indonesia, Singapore đóng góp rất nhiều đại diện tỉ đô, với tài sản những người đứng đầu lên tới trên 10 tỉ USD. Trong khi đó, Việt Nam chỉ có duy nhất 1 đại diện với tài sản khoảng 1,5 tỉ USD.
Tạm gác nỗi buồn DN nội sang một biên, điểm tích cực có thể nhận thấy từ số liệu của IMAA, đó là M&A tại các quốc gia như Thái Lan, Indonesia, Malaysia đang giảm dần cả về số lượng và giá trị trong các năm gần đây, trong khi M&A Việt Nam lại đang tăng dần.
Như vậy, Việt Nam hoàn toàn có thể kỳ vọng vào giai đoạn tới, các chính sách trở nên thông thoáng, môi trường kinh doanh tại Việt Nam trở nên hấp dẫn, cùng với xu hướng mua bán thuận lợi, khi đó dòng vốn ngoại sẽ tăng cường đổ về thông qua các thương vụ M&A.
Trí thức trẻ/CafeBiz