MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chủ tịch F.I.T cam kết tăng trưởng lợi nhuận theo quy mô vốn

02-03-2015 - 11:54 AM | Doanh nghiệp

Theo ông Phương, chiến lược của F.I.T rất rõ ràng: lựa chọn đầu tư vào các DN có lợi thế cạnh tranh trong lĩnh vực ngành hàng cơ bản như: hóa mỹ phẩm, dược phẩm, nông nghiệp và chế biến thực phẩm.

Đặt kế hoạch tăng vốn điều lệ mạnh lên 3.000 tỷ đồng, ông Phan Trung Phương, Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư F.I.T (mã FIT) cho rằng, với lĩnh vực đầu tư mà F.I.T đang hướng đến, nếu thêm con số 0 vào mức vốn điều lệ dự kiến (tức lên 30.000 tỷ đồng), F.I.T hoàn toàn có thể sử dụng hiệu quả, đúng lĩnh vực kinh doanh mà các cổ đông đã thông qua.

>>>FIT lại lên kế hoạch tăng vốn "sốc"

Tiếp tục kế hoạch tăng trưởng mạnh năm 2015

Ngày 28/2/2015, CTCP Đầu tư F.I.T đã tổ chức họp ĐHCĐ thường niên năm 2015. Tại cuộc họp này, các cổ đông đã thông qua nhiều nội dung lớn về phương hướng kinh doanh như kế hoạch kinh doanh tiếp tục tăng trưởng đột biến năm 2015, thông qua chủ trương cho phép FIT Group mua 51% vốn điều lệ F.I.T, chuyển niêm yết từ HNX sang HOSE…

Theo đó, F.I.T sẽ tăng vốn điều lệ lên mức 3.000 tỷ đồng thông qua 2 đợt phát hành cho cả cổ đông hiện hữu và đối tác. Đợt 1, dự kiến thực hiện trong quý II/2015, F.I.T sẽ chào bán cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 1:1 để tăng vốn điều lệ lên xấp xỉ 1.800 tỷ đồng, với mức giá bán bằng mệnh giá. Đợt 2, tăng vốn lên 3.000 tỷ đồng thông qua chào bán với giá bằng mệnh giá cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 2:1 và bán riêng lẻ cho đối tác chiến lược với mức giá ủy quyền cho HĐQT quyết định, nhưng không thấp hơn giá trị sổ sách.

Với việc tăng vốn này, F.I.T chủ trương sẽ đẩy mạnh đầu tư vào các công ty con, công ty liên kết như: Sao Nam, Vật tư Kỹ thuật Nông nghiệp Cần Thơ (TSC) và mở rộng đầu tư vào lĩnh vực dược, mà cụ thể là Dược Cửu Long. Bên cạnh việc tiếp tục đầu tư sâu vào các công ty con, công ty liên kết như định hướng đã được ĐHCĐ bất thường năm 2014 thông qua, F.I.T cũng chủ chương đẩy mạnh các hoạt động đầu tư cổ phiếu, dịch vụ tài chính - vốn là mảng truyền thống của Công ty.

Năm 2015, F.I.T đặt mục tiêu 2.309 tỷ đồng doanh thu, lãi sau thuế hợp nhất 251 tỷ đồng. Phát biểu tại cuộc họp, ông Phương cho biết: “Với kế hoạch kinh doanh các công ty con, công ty liên kết cũng như hoạt động kinh doanh của chính công ty mẹ, chúng tôi tự tin chắc chắn sẽ hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm. Từ năm 2013 đến nay, F.I.T luôn vượt, thậm chí vượt rất xa kế hoạch kinh doanh đề ra. Chúng tôi sẽ nỗ lực để tiếp tục duy trì điều này”.

Dược Cửu Long sẽ là TSC thứ 2

Tại cuộc họp ĐHCĐ thường niên, 2 vấn đề được nhiều NĐT quan tâm là: vì sao F.I.T đầu tư vào Dược Cửu Long và lợi nhuận của Công ty có tăng trưởng kịp theo doanh thu?

Về vấn đề tăng vốn, một cổ đông quan ngại, với kế hoạch tăng vốn lớn như vậy, liệu đợt phát hành của F.I.T có thành công? Trả lời câu hỏi này, ông Phương cho rằng, điều quan trọng nhất vẫn là sự ủng hộ và tin tưởng của các cổ đông vào F.I.T. “Nếu quý vị ngồi đây tin tưởng và ủng hộ kế hoạch tăng vốn cũng như khả năng sinh lời của F.I.T, tôi tin là phương án phát hành sẽ thành công. Trong trường hợp cổ đông hiện hữu không thực hiện hết quyền mua của mình, chúng tôi sẽ dành lại quyền mua cho các cổ đông chiến lược, các NĐT khác vì F.I.T luôn nhận được sự quan tâm của các NĐT cá nhân, tổ chức cả trong nước và ngoài nước”.

Về vấn đề Dược Cửu Long, một cổ đông F.I.T tỏ ra e ngại vì trong quá khứ, Dược Cửu Long có những lùm xùm liên quan đến quản trị và tình hình tài chính, dù đầu tư vào ngành dược được đánh giá là hướng đi đúng đắn. Trả lời vấn đề này, theo ông Phương, mỗi DN đều có những tồn tại nhất định, nhưng quan trọng là tìm ra DN có cơ sở tốt để bật lên mạnh mẽ.

“Dược Cửu Long có uy tín tốt, thị phần cao trong ngành dược với 3 mảng kinh doanh lớn, đặc biệt là mảng vỏ nang rỗng cứng hiện đang độc quyền tại Việt Nam và kinh doanh rất tốt. Khi F.I.T đầu tư vào, chúng tôi không chỉ đầu tư tài chính, mà còn cả vấn đề nhân sự và tái cấu trúc DN. Năm 2014, Dược Cửu Long đã trích lập dự phòng gần 50 tỷ đồng. Khi F.I.T hỗ trợ, chỉ riêng việc giúp thu hồi, đảm bảo công nợ cũng đã giúp công ty này bật lên mạnh, chưa nói đến nỗ lực thu hồi khoản nợ xấu đã trích lập dự phòng và thúc đẩy toàn diện hoạt động kinh doanh. Chúng tôi đã thành công trong việc đưa TSC từ công ty thua lỗ, có nguy cơ bị hủy niêm yết trở thành một một công ty năng động, hiệu quả và có lãi lớn, thì sẽ thành công với Dược Cửu Long”, ông Phương tự tin khẳng định.

Theo ông Phương, chiến lược của F.I.T rất rõ ràng: lựa chọn đầu tư vào các DN có lợi thế cạnh tranh trong lĩnh vực ngành hàng cơ bản như: hóa mỹ phẩm, dược phẩm, nông nghiệp và chế biến thực phẩm. “Đây đều là những ngành hàng mà quy mô có thể đạt hàng nghìn tỷ đô. Tiềm năng thị trường còn rất lớn, nên với quy mô hiện tại, nếu có thêm 1 số 0 vào con số vốn điều lệ dự kiến của F.I.T thì quý vị cũng không phải lo là Công ty sẽ làm như thế nào và làm sao đảm bảo hiệu quả kinh doanh. Khi có thời gian, chúng tôi sẽ chia sẻ với quý vị, chúng tôi đã và sẽ làm gì với TSC, Westfood, TSP hay sắp tới là Dược Cửu Long”, ông Phương nói.

Minh Anh

Thanh Hương

Tài chính Plus

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên