MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

[Dư âm ĐHCĐ] Hòa Phát: Nông nghiệp không phải là cái “mốt”

01-04-2015 - 10:52 AM | Doanh nghiệp

Quyết định lấn sân sang mảng nông nghiệp khiến cổ đông Hòa Phát tỏ vẻ hoài nghi rằng các mảng hoạt động khác của công ty đang dần đuối sức, và Hòa Phát đang dần “lái” công ty sang một lĩnh vực khác.

“Nông nghiệp không phải là cái mốt” – Ông Trần Đình Long (Chủ tịch HĐQT Hòa Phát) vui vẻ chia sẻ với các cổ đông tại ĐHCĐ thường niên lần này. Lưu ý của ông Long không phải thừa. Trước Hòa Phát, không ít đại gia cũng đã thử sức với lĩnh vực mới mẻ đầy tiềm năng, lắm thách thức này.

Không ít người nghĩ nông nghiệp là một trào lưu khi các đại gia cứ “đua nhau” trồng trọt, chăn nuôi.

Khó ai có thể nghĩ rằng, một doanh nghiệp chuyên sản xuất kinh doanh thép, bất động sản thì có những lợi thế gì khi tham gia lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, ngoài vốn? Mà thực ra, vốn đầu tư cho dự án mới mẻ này của Hòa Phát cũng không lớn so với quy mô của Hòa Phát, chỉ 300 tỷ đồng (quy mô vốn điều lệ công ty con). Ngay cả việc thua lỗ, thất bại, thì tổn thất của công ty không phải là quá lớn.

Không ngoài dự đoán, kế hoạch chăn nuôi và sản xuất thức ăn chăn nuôi là nội dung thu hút nhiều sự chú ý tại ĐHCĐ thường niên 2015 lần này. Đến mức mà, ông Trần Đình Long cùng chủ tọa đoàn quyết định “để dành” tất cả các câu hỏi xung quanh vấn đề này, để trả lời luôn một thế!

Vì sao lại là Nông nghiệp?

Mở rộng lĩnh vực kinh doanh không phải là chiến lược mới mẻ đối với 1 doanh nghiệp lớn như Hòa Phát. Thế nhưng vì sao lại là lĩnh vực nông nghiệp chứ không phải là lĩnh vực nào khác.

Ông Long cho biết, ưu thế của Hòa Phát là kinh doanh các mặt hàng có sản lượng lớn, khối lượng nhiều, là sản phẩm thô, có yếu tố vận tải, yếu tố địa phương (có sức cạnh tranh so với các sản phẩm ngoại nhập). Chăn nuôi và sản xuất thức ăn chăn nuôi phù hợp với những tiêu chí đó của Hòa Phát.

Trên thực tế, từ năm 1997 – 1998, đã có nhà tư vấn khuyên Hòa Phát thâm nhập mảng thức ăn chăn nuôi. Tuy nhiên điều kiện lúc đó của công ty không cho phép. Kế hoạch được gác lại cho đến tận ngày hôm nay. Sản xuất nông nghiệp, vì vậy không hẳn là một bước ngoặt quá bất ngờ.

Để chuẩn bị cho chiến lược mới mẻ này, Hòa Phát cho biết tất cả các bộ phận của Tập đoàn hiện đang dành một phần công sức cho lĩnh vực mới mẻ bênh cạnh những hoạt động thường nhật bấy lâu.

Sự háo hức, tự tin của Hòa Phát dẫn đến một số hoài nghi đối với cổ đông. Tuy nhiên, người đứng đầu công ty khẳng định Hòa Phát không lao đầu mù quáng vào lĩnh vực mới, và không để ảnh hưởng đến các ngành hàng hiện có của công ty. Ông kết luận, Hòa Phát “thận trọng nhưng máu lửa”.

Câu chuyện giữa cổ đông và trở nên cởi mở hơn khi ông Trần Đình Long chia sẻ câu chuyện cũ, những ngày đầu Hòa Phát bắt tay vào mảng thép xây dựng. Năm 1999, Hòa Phát hoàn toàn là tân binh trong lĩnh vực này, không được đánh giá cao bởi các doanh nghiệp trong ngành. “Hỏi 9 người thì đến 10 người nghĩ Hòa Phát sẽ thất bại” – ông Long nhấn mạnh. Hiện Hòa Phát đã nắm giữ trên 20% thị phần thép xây dựng, điều mà cách đây 5-6 năm chẳng ai nghĩ tới.

Dự báo, lĩnh vực nông nghiệp bước đầu mang lại doanh thu và lợi nhuận cho công ty vào đầu năm 2016. Không quá lâu để chờ đợi câu trả lời từ phía Hòa Phát.

Phải chăng Hòa Phát đang “đuối” mới rẽ ngang như vậy?

Quyết định lấn sân sang mảng nông nghiệp khiến cổ đông Hòa Phát tỏ vẻ hoài nghi rằng các mảng hoạt động khác của công ty đang dần đuối sức, và Hòa Phát đang dần “lái” công ty sang một lĩnh vực khác.

Ông Trần Tuấn Dương - Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Hòa Phát trả lời câu hỏi của phóng viên xung quanh lĩnh vực kinh doanh mới của công ty.

Ông Trần Tuấn Dương - Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Hòa Phát trả lời câu hỏi của phóng viên xung quanh lĩnh vực kinh doanh mới của công ty.

Suy luận trên không phải là không có cơ sở, khi kế hoạch kinh doanh năm 2015 sụt giảm đáng kể về doanh thu và lợi nhuận so với kết quả đã đạt được năm 2014.

Tuy nhiên, như đã phân tích, kế hoạch kinh doanh năm 2015 của công ty sụt giảm một phần do dự án Mandarin hầu hết đã kết chuyển doanh thu và lợi nhuận trong năm 2014, và những khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh thép do biến động giảm giá phôi/thép thành phẩm. Trong khi đó, việc giảm giá thành nhờ công nghệ tiên tiến, công ty đã tiến hành từ năm 2014, năm nay không còn nhiều khả năng có thể giảm thêm được.

Có thể thấy, mặc dù kế hoạch kinh doanh sụt giảm về doanh thu và lợi nhuận, sản lượng thép dự kiến năm 2015 của công ty vẫn tăng 20% so với năm 2014. Đây là bằng chứng sống động nhất cho sự phát triển của mảng kinh doanh truyền thống của HPG.

"Nếu cần, hãy cho cổ đông này tham dự 1 cuộc họp HĐQT của chúng tôi"

Ngoài kế hoạch kinh doanh sản phẩm nông nghiệp, ĐHCĐ Hòa Phát lần này còn “nóng” bởi kế hoạch kinh doanh 2015 quá thấp so với kết quả năm 2014. Cổ đông HPG dường như chưa “quen” với việc đặt kế hoạch thấp như vậy, vì công ty có truyền thống đề xuất kế hoạch một cách khá mạnh dạn, và vượt qua một cách ngoạn mục.

Một cổ đông thậm chí còn gạch chân dưới dòng chữ “quá thấp” trong câu hỏi gửi cho Ban lãnh đạo công ty. Ông Trần Đình Long cởi mở, có lẽ phải mời cổ đông này tham dự một cuộc họp của HĐQT để biết được những áp lực mà HĐQT phải chịu và những cân nhắc thận trọng, tính toán đầy đủ để HĐQT đề xuất các chỉ số nói trên.

>> [Trực tiếp] ĐHCĐ Hòa Phát: Quý 1 ước đạt 5.500 tỷ đồng Doanh thu, 600 tỷ đồng LNST

Đan Nguyên

Minh Thư

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên