MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mùa Đại hội cổ đông 2016 có gì nóng?

29-02-2016 - 11:36 AM | Doanh nghiệp

Ðã có sự phân hóa khá rõ khi doanh nghiệp lên kế hoạch kinh doanh: hoặc mạnh dạn với những mục tiêu lớn, hoặc rất e dè.

Có ít nhất 20 công ty đã tiến hành đại hội đồng cổ đông năm 2016. Nhưng theo thông tin công bố thì từ tháng 3, mùa đại hội cổ đông mới chính thức bắt đầu. Vì thế, dự kiến, phần lớn các công ty sẽ tổ chức đại hội đồng cổ đông trong 2 tháng tới.Căn cứ vào diễn biến từ một số đại hội đã diễn ra, có thể thấy mùa đại hội cổ đông năm nay sẽ tập trung vào 6 nội dung chính gồm tăng vốn, nới room (giới hạn sở hữu nhà đầu tư nước ngoài), chỉ tiêu kinh doanh, thương vụ đầu tư, nhân sự và chia thưởng. Đây cũng sẽ là các chủ đề nóng được quan tâm.

Tính đến thời điểm hiện tại, ước khoảng một nửa trong số các doanh nghiệp đã công bố thông tin đều lên kế hoạch tăng vốn điều lệ. Trong đó, tăng vốn dự kiến sẽ diễn ra phổ biến ở nhóm doanh nghiệp bất động sản như Đất Xanh (DXG), Tasco (HUT), CEO Group (CEO), Hoàng Hà (HHG) và nhóm ngân hàng như Vietcombank (VCB)...

Có nhiều lý do để doanh nghiệp tăng vốn. Đó có thể là tăng sức mạnh tài chính và cải thiện năng lực cạnh tranh. Đó cũng có thể nhằm tái cơ cấu tài chính, chuyển đổi nợ thành cổ phần như ở Công ty Gỗ Trường Thành (TTF), Bao bì Nhựa Sài Gòn (SPP). Hay như Đầu tư Tổng hợp Hà Nội (SHN) phát hành cổ phiếu là để hoán đổi cổ phần tại Công ty Đầu tư An Bình. Riêng Tasco tăng vốn để bổ sung vốn lưu động và đầu tư các dự án như khu nhà ở Xuân Phương, xây dựng đường theo hợp đồng BT, cải tạo Quốc lộ 10 theo hợp đồng BOT... Còn một số doanh nghiệp như Hoàng Huy (HHS), Nam Kim (NKG) tăng vốn để tăng tự chủ trong đầu tư kinh doanh.

Dù vì mục đích gì, các doanh nghiệp này đã và sẽ tiếp tục đối mặt với chất vấn từ cổ đông đến nỗi lo pha loãng giá cổ phiếu. Đó là chưa kể việc phát hành có thể sẽ không thành công nếu nhà đầu tư chưa sẵn sàng bỏ thêm tiền mua cổ phiếu. Vì thế, việc cân nhắc lựa chọn phương án phát hành cổ phiếu tăng vốn là điều các doanh nghiệp phải đắn đo. NKG mới đây đã thay đổi phương án từ phát hành 20 triệu cổ phiếu cho đối tác chiến lược sang phát hành thêm hơn 56 triệu cổ phiếu qua 2 đợt. Nhưng công ty này cũng xác định trong trường hợp không thành công, sẽ xem xét huy động vốn vay từ các tổ chức tín dụng để tài trợ cho dự án.

Rõ ràng, nhu cầu vốn cho đầu tư kinh doanh và tái cơ cấu tài chính ở các doanh nghiệp là rất lớn, nhất là khi đa phần công ty đều ở nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nhiều công ty khi lên sàn không giấu mục đích huy động vốn. Vì thế, phát hành thêm cổ phiếu luôn trở thành đề tài quen thuộc trong các kỳ đại hội cổ đông. Tranh cãi sẽ diễn ra xung quanh nội dung này nếu doanh nghiệp có kế hoạch tăng vốn lớn, trong khi giá cổ phiếu lại đang èo uột. Hoặc doanh nghiệp sẽ bị chất vấn nếu không đưa ra được kế hoạch sử dụng vốn hiệu quả.

Để chủ động hơn trong các kế hoạch huy động vốn và có thêm sức mạnh từ đối tác hỗ trợ, doanh nghiệp đã và sẽ tìm đến một kênh đặc biệt hơn là gọi vốn, bắt tay với đối tác ngoại. Đó là lý do vì sao câu chuyện nới room cho nhà đầu tư nước ngoài được dự báo sẽ là chủ đề đáng chú ý nhất trong mùa đại hội cổ đông năm nay. Vĩnh Hoàn (VHC), doanh nghiệp đầu đàn của ngành cá tra, mới đây tuyên bố đã hoàn tất các thủ tục và chính thức nới room khối ngoại lên 100% từ ngày 21.2.2016. Trước đó, Chứng khoán Sài Gòn (SSI), Everpia ( EVE) đã hoàn tất việc nâng tỉ lệ sở hữu nước ngoài lên mức tối đa. Một số doanh nghiệp như Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM (CII), Ntaco (ATA) cũng được cổ đông chấp thuận việc tăng room ngoại và chỉ còn chờ hoàn tất thủ tục với cơ quan nhà nước.

Cùng với nới room, những thắc mắc liên quan đến chiến lược chọn mặt và cách thức bắt tay với đối tác ngoại có thể sẽ được đặt ra cho doanh nghiệp. Ví dụ như động thái mới của Daiwa Securities khi muốn nâng tỉ lệ sở hữu ở SSI từ mức 10,02% lên 15,54%. Với giá hiện tại của SSI là 22.8000 đồng/cổ phiếu, ước tính, Daiwa sẽ chi gần 27 triệu USD để mua thêm cổ phần tại SSI.

Daiwa, công ty chứng khoán lớn thứ 2 tại Nhật, hiện là cổ đông chiến lược và có đại diện tham gia trong ban quản trị của SSI. Dự kiến, Daiwa sẽ tiếp tục rót vốn vào SSI bởi theo tờ Nikkei Asian Review, Daiwa ước tính sẽ rót tổng cộng khoảng 20 tỉ yen (khoảng 177 triệu USD) vào SSI (Việt Nam) và Ngân hàng đầu tư Affin Hwang (Malaysia). Sự quan tâm của Daiwa dành cho SSI được đánh giá là phù hợp khi 2 công ty cùng ngành, cùng vị thế và đặc biệt, khoảng 40% nhà đầu tư nước ngoài tại thị trường chứng khoán Việt Nam là người Nhật.

Năm nay, những chiến lược cạnh tranh, nắm bắt cơ hội thời hội nhập dự báo cũng sẽ làm nóng hội trường. Ðã có sự phân hóa khá rõ khi doanh nghiệp lên kế hoạch kinh doanh: hoặc mạnh dạn với những mục tiêu lớn, hoặc rất e dè.

Những doanh nghiệp đầu ngành và hoạt động trong những ngành tiềm năng như công nghệ, bán lẻ (MWG, FPT), bất động sản (CEO) đều lên kế hoạch kinh doanh khả quan. FPT dự kiến mảng bán lẻ và công nghệ sẽ tăng trưởng trên 20% trong năm 2016. Tương tự, MWG đặt mục tiêu doanh thu năm 2016 hơn 34.100 tỉ đồng, tăng 35% so với cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận sau thuế là 1.388 tỉ đồng, tăng 29%. Còn những doanh nghiệp có kế hoạch kinh doanh khiêm tốn, thận trọng so với tiềm năng hoặc thậm chí giảm so với năm 2015, như trường hợp của Cao su Phú Hòa (PHR), Cao su Thống Nhất (TNC)... sẽ phải giải trình cặn kẽ với cổ đông.

Mối bận tâm của nhà đầu tư cũng sẽ dành cho những doanh nghiệp có chiến lược mới trong đầu tư, như Thuduc House (TDH) với kế hoạch xây thêm nhà máy dệt len. Hay Đá Núi Nhỏ (NNC) dự kiến sẽ nghiên cứu mua các công ty cùng ngành. Đối với những công ty có biến động nhân sự liên tục trong thời gian qua như ở Eximbank, kỳ đại hội đồng cổ đông báo trước sức nóng liên quan đến nhân sự.

Dù quan tâm đến nội dung nào thì tất cả cũng quy về một ưu tư duy nhất: quyền lợi của nhà đầu tư. Sở dĩ nhà đầu tư phải chú ý nhiều đến tăng vốn, nới room, kế hoạch kinh doanh, chiến lược đầu tư, nhân sự... vì các vấn đề này đều liên quan đến tính đúng đắn trong quyết định đầu tư và tiềm năng của cổ phiếu trong tương lai. Ngoài ra, một trong những động cơ thúc đẩy nắm giữ cổ phiếu của nhà đầu tư còn là cổ tức. Những đơn vị có kế hoạch chia cổ tức bằng tiền cao như Cảng Đình Vũ (DVP), Đạm Phú Mỹ (DPM) chắc chắn sẽ làm hài lòng cổ đông. Ngược lại, cổ đông sẽ lên tiếng đòi quyền lợi. Năm nay, diễn biến này cũng sẽ không thể khác các năm trước.

 

Theo Viết Nguyên

Nhịp cầu đầu tư

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên