Nguyễn Bá Dương và phiên bản 4.0 của CotecCons
“Mục tiêu tôi đặt ra trong tương lai cho CotecCons là mảng thi công cơ sở hạ tầng sẽ chiếm khoảng 50% tổng doanh thu", ông Dương cho biết.
- 25-05-2015Coteccons chi hơn 210 tỷ đồng trả cổ tức 2014 tỷ lệ 50%
- 22-04-2015Coteccons - Hòa Bình: Cuộc đua đã đến hồi kết?
- 14-04-2015Trực tiếp ĐHCĐ Coteccons: "Chúng tôi muốn cổ tức ngày một cao, giá cổ phiếu cán đích 100.000 đồng/CP"
- 13-04-2015Coteccons đề xuất tỷ lệ cổ tức 50% năm 2014, lên kế hoạch sở hữu 100% Unicons
Nếu đặt ra câu hỏi rằng, ai sẽ được hưởng lợi nhất khi thị trường bất động sản hồi sinh trở lại, chắc hẳn nhiều người sẽ không ngần ngại trả lời đó là các doanh nghiệp bất động sản. Nhưng câu trả lời này chưa đủ. Sự hưởng lợi thấy rõ nhất chính là từ các doanh nghiệp xây dựng. Trong khuôn khổ bài viết này, Công ty Cổ phần Xây dựng CotecCons của Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Nguyễn Bá Dương được giới thiệu như một đơn cử.
Sự phát triển các công trình xây dựng trong quá trình đô thị hóa nhanh ở Việt Nam thời gian qua đã nâng đỡ nhiều thương hiệu có tiếng ở Việt Nam. Điều này khiến báo cáo tài chính những năm qua của CotecCons, một công ty xây dựng đã niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam, mang những con số đẹp mắt. Lấy đà từ tổng doanh thu 7.633 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế 327 tỉ đồng của năm 2014, tại Đại hội cổ đông đầu năm nay, ông Nguyễn Bá Dương rất tự tin tuyên bố công ty ông sẽ hoàn thành kế hoạch với doanh thu 9.200 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế 400 tỉ đồng.
Ông Dương còn rất tự tin sẽ cán mốc doanh thu 1 tỉ USD trong năm 2017. “Năm 2015, CotecCons có trong tay 50 hợp đồng lớn bao gồm dự án ngắn hạn và dài hạn. Nếu thị trường duy trì sự ổn định thì mục tiêu đạt doanh số 1 tỉ USD trong năm 2017 sẽ rất khả quan”, ông nói.
Không làm "mọi" cho ngân hàng
Ông Dương rất ngại nói về bản thân và cũng như những nhà lãnh đạo khác khi được phỏng vấn, ông thường nhắc đến sự đóng góp của tập thể. Dù vậy, vai trò lãnh đạo của vị doanh nhân này không thể chối cãi. Lịch sử trích ngang của ông dường như không mấy sóng gió. Ông sinh năm 1959 và tốt nghiệp Đại học Xây dựng Kiev năm 1984. Khi về nước, ông làm việc cho một công ty xây dựng ở phía Bắc. Được 3 năm, ông lên đường vào Nam tìm cơ hội. Đến năm 2002, cùng với khoảng 20 kỹ sư và kiến trúc sư, ông Dương quyết định sáng lập và trực tiếp điều hành Xí nghiệp Xây dựng Cotec. Năm 2004, Công ty cổ phần hóa và đổi tên thành CotecCons với vốn điều lệ 15,2 tỉ đồng, còn ông Dương được bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc. Đến năm 2005, ông trở thành Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc cho đến ngày hôm nay.
Ông Nguyễn Bá Dương, Chủ tịch kiêm TGĐ của CotecCons - Ảnh: Trường Nikon
Trong tâm trí của ông Dương, dấu son của CotecCons gắn với những công trình dân dụng lớn thời kỳ bùng nổ bất động sản tại TP.HCM. Công trình lớn đầu tiên mà CotecCons thi công nằm trong khuôn khổ dự án ở Phú Mỹ Hưng với giá trị gói thầu vào khoảng 150 tỉ đồng (con số này được ông Dương so sánh tương đương gần 1.000 tỉ đồng hiện nay) và ông cho rằng, sự hợp tác này có được do nỗ lực rất lớn của CotecCons. Sau đó là vụ trúng thầu của CotecCons với dự án The Manor trên đường Nguyễn Hữu Cảnh do Bitexco làm chủ đầu tư.
Nhưng câu chuyện suôn sẻ của thị trường nhà đất không kéo dài mãi. Chủ tịch Nguyễn Bá Dương đã phải chứng minh năng lực điều hành của ông trong suốt những năm kinh tế khó khăn.
Năm 2012, thị trường bất động sản nằm trong tâm xoáy khủng hoảng. Các công ty bất động sản và xây dựng khi đó phải đứng trước những chọn lựa khắc nghiệt: hoặc ngủ đông, hoặc lấn sang ngành nghề khác, hoặc gọi thêm vốn để đổi mới mô hình kinh doanh. Ông Dương và các đồng sự đã chọn giải pháp thứ ba - một chiến lược mang không ít rủi ro. Theo đó, CotecCons đã chấp nhận bán 24,7% cổ phần cho nhà đầu tư quốc tế Kusto Group với giá 50.000 đồng/cổ phiếu, tổng giá trị giao dịch đạt 525 tỉ đồng (tương đương 25 triệu USD). Cùng với lợi nhuận tích lũy, CotecCons nắm trong tay hơn 1.000 tỉ đồng tiền mặt.
Một đặc tính rất dễ thấy của ngành xây dựng là khi doanh nghiệp nào có dòng tiền tốt sẽ tạo nên lợi thế “vô đối” khi tham gia đấu thầu. Do nhiều chủ đầu tư khi đó cạn kiệt về tài chính, nên với nguồn tiền mặt lớn, CotecCons thậm chí còn không cần đến khoản tạm ứng 30% từ phía chủ đầu tư khi tham gia đấu thầu như thông lệ. “Kinh doanh mà không đi vay, theo kinh tế học thì không hợp lý lắm. Nhưng với lãi suất như những năm qua thì đi vay chỉ làm “mọi” cho ngân hàng”, ông Dương nói.
Bên cạnh đó, bản thân ông Dương cũng nhanh chóng nắm bắt nhiều cơ hội từ những thuận lợi vĩ mô. Giữa năm 2013, một làn sóng các doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư vào ngành may mặc, dệt nhuộm của Việt Nam nhằm đón đầu Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã hình thành. Nhận thấy nhu cầu xây dựng nhà máy của doanh nghiệp ngoại sẽ tăng nhanh, CotecCons chủ động tiếp cận và nhanh chóng thắng thầu các dự án từ chủ đầu tư là những tập đoàn may mặc lớn của Trung Quốc như Texhong Textile hay Shenzhu. Tổng giá trị các gói thầu này lên đến gần 2.000 tỉ đồng.
Những cuộc nắm bắt ngoạn mục này đã giúp CotecCons gia tăng nhanh quy mô. Hiện vốn điều lệ của CotecCons là 422 tỉ đồng, vốn hóa thị trường đạt 2.970 tỉ đồng. Trong giai đoạn 2006-2014, doanh thu của Công ty đã tăng gấp 9 lần, tương đương với tốc độ tăng trưởng hằng năm đạt 37%. CotecCons cũng là doanh nghiệp hoạt động có tính toán kỹ lưỡng trong ngành xây dựng với vòng quay tài sản đạt 1,6 vòng, gấp đôi so với mức trung bình ngành 0,7 vòng. Hệ số này càng cao đồng nghĩa với việc sử dụng tài sản của doanh nghiệp vào các hoạt động sản xuất kinh doanh càng hiệu quả.
Doanh thu và Lợi nhuận sau thuế của CotecCons
Nhìn lại sự phát triển của CotecCons, ông Dương đam mê nói về chuyện con người. “Nhiều người chỉ cần làm việc ở CotecCons hai năm thì sẽ không khó để xin việc ở các công ty khác. Kỹ sư của chúng tôi đều có trình độ ngoại ngữ cao, tác phong công nghiệp”, ông chia sẻ. Báo cáo thường niên của CotecCons cũng cho thấy hiện công ty này có khoảng 700 lao động, trong đó 90% là lao động trẻ có độ tuổi từ 23-40, một tiền đề cho sự phát triển của công ty này giai đoạn sau.
Dù khẳng định CotecCons đang có một đội ngũ trẻ tài năng, nhưng ông Dương vẫn thừa nhận điều này cũng đang tạo nên những hạn chế. Theo ông, độ chênh giữa hai thế hệ lãnh đạo tại CotecCons hiện nay khá lớn. Khoảng cách tuổi tác giữa ông Dương và các cấp phó điều hành là trên 10 năm. Bên cạnh đó, khả năng quyết định điều hành trong những vấn đề lớn của lực lượng kế thừa chưa thực sự làm ông an tâm. Đây chính là những nguyên nhân khiến việc chuyển giao quyền lực ở CotecCons chưa được thực hiện, dù ông Dương đã muốn lui về hậu trường để tập trung hoạch định chiến lược.
Nắm hơn 5% cổ phần và là cổ đông cá nhân lớn nhất ở CotecCons, nhưng ông Dương vẫn tự nhận mình chỉ là người vừa làm chủ vừa làm thuê. Suy nghĩ này dẫn đến việc ông không mong đợi người con trai đã tốt nghiệp ngành xây dựng và đang làm việc tại CotecCons sẽ kế vị mình. “Con trai tôi chuẩn bị quay lại Mỹ để hoàn thành chương trình MBA và sau đó có thể sẽ thành lập công ty riêng chứ không quay lại CotecCons. Tôi tôn trọng quyết định này!”, ông Dương cho biết.
CotecCons "phiên bản" 4.0
Năm 2014 được xem là cột mốc mới trong chiến lược phát triển của CotecCons, được đánh dấu bằng dự án phức hợp Masteri Thảo Điền. Đây là một trong những dự án lớn mà CotecCons thực hiện theo hình thức “tổng thầu thiết kế và thi công” (D&B). Theo mô hình này, CotecCons sẽ tư vấn và đề xuất các lựa chọn cho chủ đầu tư về biện pháp thi công, vật liệu xây dựng và hoàn thiện, kết hợp với các đối tác tư vấn thiết kế. Công ty cũng sẽ cố vấn cho chủ đầu tư trong việc xây dựng sản phẩm, dự án phù hợp với nhu cầu thị trường. Nó cũng như thể một cuộc chơi “bao thầu trọn gói” dành cho những kẻ mạnh trên thương trường.
Dự án Masteri Thảo Điền do CotecCons thực hiện theo hình thức D&B - Ảnh: Linh Phạm
Ông Dương tính toán rằng, triển khai mô hình D&B sẽ giúp giảm thiểu chi phí (tiết kiệm ít nhất 10% chi phí cho chủ đầu tư và 30% thời gian thi công). Về phía doanh nghiệp xây dựng, lợi nhuận thu về cũng sẽ cao hơn phương thức khác tối thiểu 3%.
Không chỉ có dự án Masteri Thảo Điền, mô hình D&B của CotecCons đang được ông Dương nỗ lực đưa ra hợp tác thị trường. Một số cuộc bắt tay thành công của CotecCons trong mô hình này có thể kể đến là hệ thống khách sạn toàn cầu IBIS, khu nghỉ dưỡng cao cấp và căn hộ VPBank ở Hà Nội, hay gần đây nhất là dự án Gold View và dự án The EverRich Infinity tại TP.HCM. Năm 2014, tỉ trọng doanh thu từ D&B chiếm 31% tổng doanh thu của CotecCons, còn lại là doanh thu từ mảng tổng thầu.
D&B được ông Dương cho là “phiên bản chiến lược 4.0” của CotecCons. Phiên bản 1.0 là đáp ứng đúng như yêu cầu bài thầu của chủ đầu tư. Phiên bản 2.0 là trước khi đấu thầu, CotecCons tính toán lại khối lượng công việc của hồ sơ thầu để tư vấn ngược lại cho chủ đầu tư. Phiên bản 3.0 đồng nghĩa với việc CotecCons không chỉ tính toán khối lượng công việc mà còn đề xuất giải pháp kỹ thuật thi công với giá thành phù hợp. Và mô hình D&B là phiên bản 4.0.
Dù kết quả kinh doanh của CotecCons không có gì phải xét nét, nhưng với đặc trưng của ngành xây dựng là phụ thuộc lớn vào thị trường bất động sản mang tính chu kỳ cao nên công ty này cũng đã có những bước đi chiến lược cho giai đoạn tiếp theo. Định hướng phát triển được ông Dương đưa ra trong 5 năm tới là sẽ tiếp tục mở rộng quy mô hoạt động trong nước, đặc biệt chú trọng phát triển gói gia tăng giá trị dịch vụ, cụ thể là mô hình Tổng thầu và mô hình D&B. Ngoài ra, Công ty cũng đẩy mạnh vào lĩnh vực công trình cơ sở hạ tầng bằng cách hợp tác liên doanh, liên kết với các nhà thầu trong và ngoài nước có kinh nghiệm.
Đầu năm 2014, CotecCons cũng đã mở rộng sang mảng cơ sở hạ tầng khi cùng với Công ty FECON và CIENCO 1 thành lập nên Công ty FCC, trong đó CotecCons nắm 35% cổ phần. Dự án BOT đầu tiên của liên doanh này là một phần quốc lộ 1A (Hà Nam) với vốn đầu tư 2.000 tỉ đồng. Bước đầu, FCC sẽ làm thầu phụ cho các nhà thầu nước ngoài. Kế hoạch đặt ra là sau 10 năm, liên doanh này có thể tự triển khai hình thức tổng thầu.
“Mục tiêu tôi đặt ra trong tương lai cho CotecCons là mảng thi công cơ sở hạ tầng sẽ chiếm khoảng 50% tổng doanh thu. Các dự án này thường đòi hỏi nguồn lực tài chính lớn. Đây cũng là lĩnh vực mà các công ty, tập đoàn nhà nước đang giữ chủ yếu thị phần, cho nên CotecCons sẽ đi một cách thận trọng”, ông Dương nói.
Cơ cấu doanh thu của CotecCons trong năm 2014
Cùng lúc đó, với việc khai trương văn phòng đại diện của một doanh nghiệp liên kết với CotecCons là Công ty Unicons tại Campuchia và Myanmar, CotecCons đang từng bước tiến vào hai thị trường lân cận nhiều tiềm năng này. Ngoài ra, sau khi ký được nhiều hợp đồng với các nhà đầu tư Trung Quốc tại Việt Nam, CotecCons cũng lên kế hoạch mở văn phòng đại diện ở Quảng Châu thời gian tới. Nhưng theo ông Dương, mở rộng ra khu vực là kế hoạch dài hạn, trong khi ưu tiên số 1 vẫn là thị trường nội địa.
Bên cạnh việc mở rộng sang lĩnh vực mới và thị trường mới, CotecCons sẽ tiếp tục củng cố vị thế trong lĩnh vực xây lắp bằng cách thực hiện các hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A). Đơn cử năm 2013, CotecCons đã nâng tỉ lệ sở hữu tại Unicons lên 51%. Trong năm 2015, CotecCons sẽ hoàn tất mua 100% cổ phần Unicons hiện tại với phương thức hoán đổi cổ phiếu. Công ty sẽ phát hành thêm 3,6 triệu cổ phiếu để phục vụ cho kế hoạch thâu tóm này.
Nhịp cầu Đầu tư