MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

NHNN: Doanh nghiệp quá phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng

22-02-2015 - 09:09 AM | Doanh nghiệp

Mặt bằng lãi suất của một nước, bên cạnh việc chịu tác động trực tiếp của quan hệ cung-cầu vốn trên thị trường tiền tệ, còn chịu tác động của diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát của nước đó.

Trả lời phỏng vấn Báo Điện tử Tổ Quốc, bà Nguyễn Thu Hà – Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Tiền tệ - Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho rằng, lạm phát tại Việt Nam ở mức cao so với nhiều quốc gia, hoạt động sản xuất-kinh doanh của doanh nghiệp phụ thuộc chủ yếu vào vốn vay ngân hàng... nên việc điều hành lãi suất cần đảm bảo hài hòa lợi ích của người gửi tiền-TCTD và khách hàng vay, phù hợp với diễn biến kinh tế …

+ Việc tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp là điều kiện quan trọng để thực hiện mục tiêu đến cuối năm 2015 đưa tỷ lệ nợ xấu xuống còn khoảng 3%. NHNN có những chính sách gì để hỗ trợ cho mục tiêu này?

Bà Nguyễn Thu Hà: Trong năm 2015, bám sát chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, NHNN sẽ điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa để chủ động kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng, đồng thời thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để  thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Theo đó, NHNN sẽ thực hiện đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát, thị trường tiền tệ để điều tiết lãi suất thị trường ở mức hợp lý; đảm bảo thanh khoản cho các TCTD cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế; tiếp tục triển khai các giải pháp tín dụng gắn với chính sách tín dụng ngành, lĩnh vực để đáp ứng vốn cho nền kinh tế đi đôi với an toàn, chất lượng tín dụng.

Bên cạnh đó, NHNN sẽ chỉ đạo các TCTD tiếp tục triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy sản xuất kinh doanh, hỗ trợ nền kinh tế như: Cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giảm lãi suất của các khoản vay cũ, xem xét miễn, giảm lãi vốn vay trên cơ sở khả năng tài chính của tổ chức tín dụng, đổi mới quy trình cho vay theo hướng đơn giản hóa thủ tục vay vốn, xem xét không thu lãi quá hạn, ưu tiên thu nợ gốc trước, thu nợ lãi sau đối với các khoản nợ đến hạn mà khách hàng gặp khó khăn trong việc trả nợ, xem xét cho vay mới đối với các nhu cầu vốn vay có hiệu quả…

+ 2015 được xác định là năm phát triển của khu vực kinh tế tư nhân. Việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp tư nhân và ngân hàng “bắt tay nhau” cần phải được thúc đẩy như thế nào, thưa bà?

Bà Nguyễn Thu Hà: Khu vực kinh tế tư nhân ở nước ta đã có những bước phát triển mạnh mẽ trong những năm qua và ngày càng đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế, đóng góp tích cực vào việc tạo công ăn việc làm, tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích và hỗ trợ phát triển kinh tế tư nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, như các chính sách về tín dụng, bảo lãnh vay vốn theo Nghị định 56/2009/NĐ-CP ngày 30/6/2009 về trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Đặc biệt, Luật doanh nghiệp (sửa đổi) vừa được kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII thông qua năm 2014 là nền tảng pháp lý hết sức thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.

Quán triệt chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, thời gian qua, ngành Ngân hàng đã chủ động, tích cực có những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp tư nhân, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh.

Năm 2014, ngành Ngân hàng đã phối hợp cùng với UBND các tỉnh, thành phố triển khai mạnh mẽ chương trình kết nối ngân hàng-doanh nghiệp trên phạm vi cả nước, qua đó tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng. (đến hết năm 2014, chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp đã được triển khai trên tất cả 63 tỉnh, thành phố của cả nước với tổng số tiền hỗ trợ cho các doanh nghiệp ước đạt 240.000 tỷ đồng).

Phát huy những kết quả tích cực đó, trong năm 2015, ngành Ngân hàng sẽ tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương triển khai có hiệu quả chương trình kết nối ngân hàng và doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.

+ Doanh nghiệp Việt nam đang phải chịu mức lãi suất khá cao so với các nước phát triển. Theo các chuyên gia kinh tế, năm 2015 cần tiếp tục hạ lãi suất cho vay để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tư nhân. Vậy NHNN sẽ “giải quyết” vấn đề này như thế nào, thưa bà?

Bà Nguyễn Thu Hà: Mặt bằng lãi suất của một nước, bên cạnh việc chịu tác động trực tiếp của  quan hệ cung-cầu vốn trên thị  trường tiền tệ, còn chịu tác động của diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát của nước đó.

Ở các nước phát triển có thể duy trì mức lãi suất cho vay thấp là vì lạm phát của các nước này được kiềm chế ổn định ở mức thấp, kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định, thị trường tài chính phát triển; khả năng dự báo và hoạch định kế hoạch sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và nhà đầu tư ở mức cao; gửi tiền tại ngân hàng chỉ là một hình thức đầu tư an toàn, không phải là hình thức đầu tư hiệu quả nhất; hoạt động sản xuất-kinh doanh của các doanh nghiệp không quá phụ thuộc vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng.

Việt Nam là nước đang phát triển, lạm phát thường ở mức cao hơn so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới; hoạt động sản xuất-kinh doanh của doanh nghiệp phụ thuộc chủ yếu vào vốn vay ngân hàng... nên việc điều hành lãi suất cần đảm bảo hài hòa lợi ích của người gửi tiền-TCTD và khách hàng vay, phù hợp với diễn biến kinh tế và thị trường tiền tệ để đảm bảo kiểm soát lạm phát, duy trì ổn định của tỷ giá và hạn chế tình trạng đô la hóa, vàng hóa.

Trong thời gian qua, với việc điều hành đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, NHNN đã đạt mục tiêu giảm mạnh mặt bằng lãi suất góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh nhưng vẫn đảm bảo kiểm soát lạm phát và ổn định thị trường tiền tệ.

Đến nay, mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm mạnh, thấp hơn với mức lãi suất của giai đoạn 2005-2006. Hiện mức lãi suất cho vay bằng đồng Việt Nam phổ biến khoảng 7-9%/năm đối với ngắn hạn, khoảng 9,5-11%/năm đối với cho vay trung và dài hạn, phù hợp với kỳ vọng lạm phát khoảng 5% trong năm 2015 và mối tương quan với lãi suất huy động, cho vay ngoại tệ.

Trong năm 2015, bám sát chủ trương chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, NHNN tiếp tục kiên trì mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý; trong đó chính sách lãi suất được điều hành linh hoạt trên cơ sở sở bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ để điều tiết lãi suất thị trường ở mức hợp lý, góp phần ổn định thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng. Trong quá trình điều hành, NHNN sẽ luôn bám sát diễn biến của thị trường để có giải pháp điều hành phù hợp.

+ Xin cám ơn bà!

Theo Quỳnh Anh

PV

Báo Tổ quốc

Trở lên trên