Giải mã đội quân đất nung bí ẩn canh giữ lăng mộ Tần Thủy Hoàng: Mỗi người một vẻ, màu sắc đủ đầy nhưng lại là nỗi ê chề của ngành khảo cổ Trung Quốc
Chỉ 15 giây sau khi được khai quật, đội quân đất nung trong lăng mộ vị vua đầu tiên của Trung Quốc đồng loạt "đen mặt".
- 05-01-2022Vì sao có tới 100 tấn thủy ngân trong lăng mộ Tần Thủy Hoàng? Hậu thế mất tới 2.000 năm vẫn chưa tìm ra lời đáp
- 31-12-2021Vì sao trong mộ Tần Thủy Hoàng có những “ngọn đèn vĩnh cửu” ngàn năm không tắt? Mất 30 năm giới khoa học mới tìm ra đáp án kinh ngạc
- 08-11-2021"Mộ đá chết" ở láng giềng Việt Nam: Trùm đứng sau là cha đẻ các dự án làm rung chuyển TQ
Lăng mộ bị chôn vùi
Tần Thủy Hoàng là vị Vua đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc, ông nổi tiếng với lối cai trị tàn nhẫn. Tuy nhiên, ông cũng đóng góp rất nhiều cho đất nước, hai công trình để đời của ông là Vạn Lý Trường Thành, và… khu mộ của ông.
Lăng mộ này được giữ bí mật tuyệt đối, nên tới hơn 2.000 năm sau, do tình cờ tìm được đội quân đất nung, các nhà khảo cổ mới đoán được khu mộ nằm ở ngọn đồi gần đó. Các nhà khảo cổ vẫn chưa dám khai quật khu mộ này do công nghệ kĩ thuật chưa thể đáp ứng được yêu cầu và họ không muốn phá vỡ cấu trúc trong đó.
Theo "Sử ký" của Tư Mã Thiên, nhà sử học sống tại thời Hán, Tần Thủy Hoàng đã ra lệnh cho 700.000 người xây lăng mộ này trong suốt 30 năm. Số tài sản được chôn ở đây gần bằng 1/3 sự giàu sang của Trung Hoa thời đó. Mộ này rất qui mô, bao quanh bởi một dòng sông thủy ngân cực độc.
"Khi việc lớn đã xong, để che giấu tất cả, những người thợ từ khu trong, khu giữa hay vòng ngoài đều bị đóng cửa nhốt lại hết, không thể ra ngoài", theo Tư Mã Thiên. Điều này cho thấy tất cả những người tham gia xây dựng đã chết trong chính công trình mà mình xây dựng. Ông cũng ra lệnh chôn sống gần 3.000 cung phi mỹ nữ cùng mình.
Đội quân đất nung bí ẩn
Vào năm 1974, một nông dân tại thôn Tây Dương, huyện Lệ Sơn, quận Lâm Đồng, tỉnh Thiểm Tây trong lúc cày ruộng đã đào ra vài tượng đất có hình người với các kích cỡ khác nhau. Những pho tượng đất này đã được giữ bí mật trong hơn 2.200 năm. Đạo quân bao gồm hơn 8,000 pho tượng bằng đất nung có kích cỡ giống như người thật, được chôn cất bên cạnh mộ của Tần Thủy Hoàng để bảo vệ ông ở bên kia thế giới.
Đội quân được chế tác bởi các thợ thủ công giỏi nhất và sử dụng kỹ thuật điêu luyện nhất lúc bấy giờ. Một vài thợ thủ công lành nghề trong số này xuất thân từ xưởng chế tác đồ đất nung từ các phủ quan lại thời Tần, còn những người khác là nghệ nhân lành nghề trong nhân gian.
Điều đáng chú ý là đội quân đất nung này lên tới hàng nghìn người nhưng gương mặt họ không hề trùng lặp. Một số nhà nghiên cứu cho rằng những bức tượng này được chế tác dựa trên người thật.
Sau khi chế tác xong phần đầu, thân và hai cánh tay thì những người thợ thủ công sẽ ghép lại với nhau, rồi lắp thêm binh khí vào tay cầm và khi đó thì một bức tượng đất nung mới được hoàn thành. Hình dáng cánh tay và bàn tay cho thấy khi được chế tác, những bức tượng này có cầm binh khí nhưng sau khi bị chôn vùi dưới đất hơn 2000 năm, binh khí đã bị mục nát và vỡ vụn.
Để đảm bảo chất lượng của thành quả, bên trên mỗi bức tượng đều ghi tên thợ thủ công chế tác. Như vậy nếu xảy ra vấn đề gì thì các quan có thể trực tiếp tới tìm thợ thủ công đó là được. Luật pháp thời Tần vô cùng hà khắc, nếu chế tác vật tùy táng kém chất lượng cho hoàng đế thì rất có thể sẽ mất mạng. Nên để "giữ mạng", các thợ thủ công đều bỏ hết tâm huyết vào quá trình chế tác nhằm đảm bảo chất lượng tuyệt đối cho đội quân đất nung.
Theo thống kê của Tencent, riêng phần áo giáp của những tượng đất nung này đã có tới gần 10 màu sắc, quần cũng có tới 7, 8 màu nhưng trong đó 4 màu thường thấy nhất là xanh lá, đỏ thẫm, tím và xanh da trời.
Để màu sắc tô trên thân tượng thêm nhẵn mịn và tinh tế, các thợ thủ công còn dùng bùn mịn quét lên bề mặt tượng để lấp đầy những lỗ nhỏ li ti. Bằng cách đó, khi màu tô lên sẽ mịn và đều hơn.
Các thợ thủ công còn dùng các màu sắc khác nhau để làm nổi bật cảm giác lập thể, sống động của phần áo giáp, râu, lông mày của mỗi bức tượng. Bởi vậy khi vừa tìm thấy, các nhà khảo cổ đều vô cùng kinh ngạc vì những bức tượng sống động như thật. Trên phần áo giáp và tay chân của bức tượng hiện nay vẫn còn sót lại một chút màu sắc khá bắt mắt.
Cho đến nay, 8.099 pho tượng đã được khai quật ra khỏi lòng đất. Các bức tượng người có lính bộ binh, cung thủ, các tướng lĩnh trong tư thế đứng thẳng hoặc cúi mình cầm cung, kích, giáo, mác, gươm bọc đồng… đây là những vũ khí được sử dụng ở Trung Quốc thời đó.
Ngoài tượng binh mã, tượng xe ngựa cũng có kích cỡ và tinh xảo như thật. Quần thể tượng được đặt trong 3 hầm mộ riêng biệt, hầm mộ thứ 4 là hầm trống. Người ta cho rằng hầm mộ thứ nhất với 6000 pho tượng binh mã là đội quân chủ lực của Tần Thủy Hoàng.
Công trình thế kỷ "bay màu"
Ngày nay, đa số tượng đất mà chúng ta nhìn thấy trong di tích đều chỉ có màu nâu đất và xám tro. Tuy nhiên, điều ít người biết là khi ngôi mộ vừa được mở, những tượng đất này vốn có nhiều màu sắc bắt mắt, nhưng nhanh chóng "bay màu" chỉ sau 15 giây.
Mặc dù nghệ thuật vẽ màu của các thợ thủ công vô cùng điêu luyện nhưng do những bức tượng này bị chôn vùi dưới lòng đất trong hơn 2.000 năm nên sau khi được đưa lên mặt đất thì lập tức bị oxy hóa.
Hạ Dần, Phó chủ nhiệm Cục bảo vệ văn vật, nhà nghiên cứu tại Viện bảo tàng lăng mộ Tần Thủy Hoàng đã tiếp nhận phỏng vấn của cơ quan truyền thông và chia sẻ: "Thực chất mỗi bức tượng đều có màu sắc nhưng sau khi khai quật chỉ 15 giây thì đã bắt đầu biến đổi, 4 phút sau thì bắt đầu bị thoát nước, cong vênh, thậm chí là rơi rụng".
Chính bởi vậy nên những bức tượng đất nung chúng ta nhìn thấy ngày nay hầu hết đều chỉ có màu đất và xám tro. Phần mặt của đa số những chiến binh đất nung có màu hồng, vậy nên những tượng có phần mặt màu xanh là vô cùng quý hiếm và bức tượng mặt xanh như vậy cũng bị Trung Quốc cấm đưa ra nước ngoài triển lãm.
Tuy nhiên tin mừng là sau 20 năm không ngừng cải tiến kỹ thuật, hiện tại Trung Quốc đã tìm ra cách để giữ màu cho tượng đất nung, vậy nên trong tương lai chúng ta vẫn có cơ hội được nhìn ngắm những bức tượng với đầy đủ sắc màu chứ không phải chỉ một màu xám tro nhạt nhẽo.