MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Donald Trump và nguy cơ một cuộc chiến tranh lạnh mới từ xung đột Mỹ - Trung

20-12-2016 - 14:04 PM | Tài chính quốc tế

Bất ngờ lớn nhất kể từ khi giành chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng là việc ông Donald Trump chọn cách đối đầu với Trung Quốc, trong đó nghiêm trọng nhất là cuộc gọi với nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn.

Nguy cơ một cuộc Chiến tranh Lạnh mới

Không một lần trong chiến dịch tranh cử, ông Trump đề cập tới từ Đài Loan. Tuy nhiên, ngay sau khi giành chiến thắng, vị tỷ phú New York có cuộc điện đàm với nhà lãnh đạo đảo Đài Loan, điều mà chưa từng tổng thống hay tổng thống đắc cử nào của Mỹ thực hiện trong nhiều thập kỷ qua. Cuộc gọi và những tuyên bố của ông Trump trên Twitter được coi là mối đe dọa với chính sách “Một Trung Quốc” mà Bắc Kinh luôn khẳng định.

Sự việc không dừng lại ở đó. Cuối tuần trước, Trung Quốc đột ngột tịch thu một tàu lặn của Mỹ trên Biển Đông. Ngày 18/12, Trung Quốc tuyên bố trả tàu lặn nhưng ông Trump tuyên bố không thèm nhận lại. Tổng thống đắc cử cáo buộc Hải quân Trung Quốc "đánh cắp" tàu Mỹ trong khi Bắc Kinh cáo buộc ông Trump thổi bùng sự cố.

Nhưng căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc làm dấy lên nguy cơ một cuộc chiến tranh lạnh mới, khi mà Mỹ có vị thế kém hơn nhiều so với cuộc Chiến tranh Lạnh trước đó. Trong quá khứ, việc Mỹ và Trung Quốc bình thường hóa quan hệ là đón đánh mạnh vào Liên Xô. Tuy nhiên, với những gì đang diễn ra, dường như Mỹ đang đẩy Nga và Trung Quốc tới gần nhau hơn.

Những tuyên bố cứng rắn của ông Trump về Trung Quốc sẽ phát huy gấp đôi hiệu quả thông qua hành động của Tổng thống Nga Vladimir Putin khi đưa bàn tay về phía Trung Quốc. Trong khi đó, Nga đang bị cáo buộc can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ, giúp ông Trump giành chiến thắng trước đối thủ sừng sỏ Hillary Clinton. Trước đó, mối quan hệ Moscow – Washington rơi xuống mức tồi tệ nhất kể từ Chiến tranh Lạnh sau những bất đồng quan điểm về tình hình Ukraine.

Tương lai căng thẳng trong mối quan hệ Mỹ - Trung Quốc

Để tránh cuộc xung đột Mỹ - Trung Quốc, cần có những kỹ năng của Nixon - người nắm rõ các vấn đề toàn cầu cũng như mọi bàn cờ địa chính trị khắp thế giới. Trong khi đó, ông Trump là một “tân chính trị gia” dù ở tuổi 70, người cũng chẳng mấy mặn mà trong việc bồi đắp những kiến thức bị hổng.

Thậm chí, vị tỷ phú New York còn đòi hủy các cuộc giao ban tình báo hàng ngày sau khi nhậm chức vì cho rằng chúng vô dụng. Nhiều người cho rằng ông Trump sẽ bỏ lỡ các vấn đề nhạy cảm vì quyết định này. Bên cạnh đó, ông Trump cũng không có những cố vấn như cựu ngoại trưởng Henry Kissinger, người được coi là kiến trúc sư trưởng trong nỗ lực tái thiết mối quan hệ Mỹ - Trung Quốc trong những năm 1970.

Trung tướng về hưu Michael Flynn, người sẽ trở thành cố vấn an ninh quốc gia của ông Trump, tin rằng, Trung Quốc nằm trong liên minh với Lực lượng Tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) cũng như các nhóm khủng bố cực đoan khác nhằm đánh bại Mỹ. Đây thực sự là thuyết âm mưu. Trước khi tham gia vào nhóm chuyển giao quyền lực của ông Trump, tướng Flynn tin rằng Nga là một phần của trục chống Mỹ.


Trung Quốc và Mỹ có thể đối đầu dưới thời Tổng thống Trump.

Trung Quốc và Mỹ có thể đối đầu dưới thời "Tổng thống Trump".

Ngược lại, Rex Tillerson, ứng viên hàng đầu cho chức Ngoại trưởng, là người bạn cũ của nước Nga và từng được Tổng thống Putin trao tặng Huân chương Hữu nghị năm 2013. Nếu ông Tillerson bày tỏ thái độ niềm nở với Nga, đó sẽ chẳng có gì là điều ngạc nhiên.

Vậy, kết quả canh bạc Trung Quốc của ông Trump là gì? Nếu nhìn vào những tác động ban đầu, người ta có thể nhầm lẫn. Hiện tại, ông Trump đe dọa chính sách “Một Trung Quốc” của Bắc Kinh làm đòn bẩy cho việc thiết lập mối quan hệ.

Ngay khi tranh cử, ông Trump đã cam kết giữ việc làm ở lại với người dân Mỹ, ngăn chặn hàng hóa từ nước ngoài hay không cho phép các công ty Mỹ đi đầu tư ở những quốc gia khác. Vị tỷ phú New York cũng chỉ đích danh Trung Quốc là kẻ cướp việc của nước Mỹ và khẳng định sẽ lấy lại.

Tuy nhiên, nếu việc này tiếp tục được sử dụng, nó sẽ phản tác dụng. Trung Quốc có thể đáp trả bằng việc khoét sâu vào các nhà đầu tư Mỹ bất mãn, những người phàn nàn về lợi nhuận ít hoặc gia tăng các hoạt động tin tặc nhằm vào lĩnh vực công nghệ và sở hữu trí tuệ.

Khi tranh chấp xảy ra, nguy cơ xung đột cũng sẽ tăng lên. Trung Quốc sẽ tìm cách thử phản ứng của ông Trump ngay khi nhậm chức với một thách thức nghiêm trọng hơn so với việc tịch thu tàu lặn không người lái. Năm 2001, khi ông George W Bush đắc cử, Trung Quốc đã buộc một máy bay gián điệp Mỹ phải hạ cánh trên lãnh thổ quốc gia này. Tuy nhiên, vụ khủng bố ngày 11/9/2001 khiến nó bị lãng quên.

Nếu muốn gây ra các vấn đề, Trung Quốc có nhiều cơ hội để thử phản ứng của Mỹ. Đài Loan, Biển Đông hay biển Hoa Đông đều có thể trở thành nơi Bắc Kinh tạo sự cố với Mỹ và nó có thể lớn hơn nhiều so với những gì xảy ra trong quá khứ. Tuần trước, vệ tinh phát hiện Trung Quốc đưa tên lửa tới các thực thể bồi lấp phi pháp trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Liệu sẽ xuất hiện khủng hoảng trong mối quan hệ Trung Quốc và Mỹ? Liệu ông Putin có thể đóng vai trò trung gian hòa giải giữa một bên là nước Mỹ phòng thủ và một bên là Trung Quốc đang ngày càng tiến nhanh? Không ai biết câu trả lời. Những gì chúng ta biết là cố vấn thân cận nhất của ông Trump là người có cái nhìn rất không thiện cảm về Trung Quốc.

Linh Anh

Financial Times

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên