MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đồng VND đã lên giá trên 5% so với đồng nhân dân tệ

26-08-2018 - 13:30 PM | Tài chính - ngân hàng

Việc đồng NDT lao dốc so với USD khoảng 8% đã khiến cho VND lên giá khoảng trên 5% so với NDT. Điều này đang phần nào làm giảm khả năng cạnh tranh của hàng nông lâm thủy sản xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Việc NDT lao dốc so với USD đang mang đến lo ngại hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ mất đi lợi thế cạnh tranh với hàng hóa từ Trung Quốc nếu VND không được điều chỉnh với mức giảm tương ứng.

Bằng mô hình phân tích chỉ số tỷ giá hữu hiệu danh nghĩa (NEER) và tỷ giá hữu hiệu thực (REER), các chuyên gia của Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng sự gia tăng của 2 chỉ số này cho thấy hàng hóa Việt Nam đang đắt hơn một cách tương đối so với hàng hóa của các đối tượng thương mại chính của Việt Nam. Tuy nhiên, so với cuối năm 2017 thì 2 chỉ số trên cao hơn không nhiều (lần lượt chỉ là 0,3% và 1,5%). Theo BVSC, NHNN không nhất thiết phải giảm giá VND thêm với biên độ mạnh nếu chỉ xét ở mục tiêu hỗ trợ cho các doanh nghiệp xuất khẩu.

Tỷ giá hiện nay đang theo chiều hướng đồng tiền của các thị trường nhập khẩu chính của Việt Nam (như Trung Quốc, Hàn Quốc) mất giá mạnh, và đồng tiền ở các quốc gia Việt Nam xuất khẩu tăng giá (điển hình là Mỹ). Đây được coi là điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam khi sẽ nhập được hàng hóa đầu vào rẻ hơn tương đối, trong khi xuất khẩu vẫn đảm bảo được sức cạnh tranh. Mặc dù vậy, hàng hóa của Việt Nam vẫn phải cạnh tranh với hàng hóa đến từ các quốc gia khác có cùng nhóm hàng xuất khẩu do đồng tiền nhiều quốc gia đang mất giá mạnh hơn so với VND. Do vậy, nhằm đảm bảo tính cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu, tỷ giá vẫn cần điều chỉnh nhưng sẽ không cần ở mức quá lớn.

Ở góc độ khác, trong tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam hiện nay, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài FDI có tỷ trọng chiếm tới trên 70% trong khi khu vực trong nước chỉ chiếm chưa đến 30%. Đối với nhóm doanh nghiệp FDI, trong chuỗi thanh toán của họ, đồng USD đóng vai trò chính nên vấn đề VND tăng hay giảm giá so với USD có thể không phải là vấn đề lớn. Do đó, thực chất VND lên giá sẽ chủ yếu ảnh hưởng đến xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước, trong đó trọng tâm là ảnh hưởng đến xuất khẩu nhóm hàng nông lâm thủy sản.

Theo số liệu của Tổng cục Hải Quan, tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông lâm thủy sản trong 6 tháng đầu năm 2018 đạt khoảng 12,7 tỷ USD với một số mặt hàng chủ lực là thủy sản (4 tỷ USD), rau quả (2 tỷ USD), cà phê (1,9 tỷ USD), gạo (1,8 tỷ USD), cao su (0,8 tỷ USD)....

Đáng chú ý trong tổng số 12,7 tỷ USD xuất khẩu nông lâm thủy sản nói trên, thị trường Trung Quốc chiếm tỷ trọng 27%, trong đó một số mặt hàng nổi bật là cao su (0,8 tỷ USD, tương đương tỷ trọng 63%); (sắn (0,5 tỷ USD tương đương 100%); gạo (0,5 tỷ USD, tương đương 28%)...

Việc đồng NDT lao dốc so với USD khoảng 8% kể từ cuối tháng 4 đến nay đã khiến cho VND lên giá khoảng trên 5% so với NDT. Điều này đang phần nào làm giảm khả năng cạnh tranh của hàng nông lâm thủy sản xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Xuất khẩu nông lâm thủy sản cũng có ý nghĩa lớn đối với Việt Nam trong vấn đề ổn định kinh tế xã hội do khu vực này hiện vẫn đang thâm dụng nhiều lao động.

BVSC cho rằng, việc giảm giá VND quá mạnh sẽ ảnh hưởng đến lạm phát và niềm tin vào VND nhưng nếu đồng NDT có diễn biến tiếp tục lao dốc so với USD trên thị trường thế giới thì việc điều hành tỷ giá USD/VND trong nước cũng cần có ứng phó linh hoạt. Công ty chứng khoán này dự đoán, VND sẽ có mức mất giá khoảng 3% cho cả năm nay.

Diệp Trần

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên