MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dự định lập liên doanh tại Việt Nam, AirAsia gặp ngay "đề xuất áp dụng vé máy bay giá sàn"

Hãng tin Bloomberg mới đây đưa tin AirAsia của tỷ phú người Malaysia Tony Fernandes đang có kế hoạch mở hãng bay tại Việt Nam thông qua liên doanh với doanh nghiệp trong nước. Tuy nhiên, đề xuất của các hãng hàng không Việt Nam lên Bộ GTVT về giá sàn vé máy bay là một tin không vui với dự kiến gia nhập thị trường của AirAsia.

Số liệu thống kê cho thấy khối lượng hành khách đi lại bằng máy bay ở Việt Nam tăng trưởng với tốc độ 28%, gấp 3 lần các nước trong khu vực. Đây cũng đồng thời là thị trường lớn thứ 5 trong khu vực với khối lượng khách tăng gấp đôi kể từ năm 2013 đến nay nhờ nhóm dân số có thu nhập trung bình chiếm 25% tổng số dân tính đến năm 2010.

Mặt khác, lượng khách nội địa ở Việt Nam mới vào khoảng 10 triệu lượt/năm. Tức là có đến tận gần 90% dân số chưa tiếp cận được với dịch vụ hàng không mà nguyên nhân chủ yếu là do giá cao hơn mức thu nhập, dư địa về hàng không giá rẻ ở thị trường Việt Nam còn rất lớn. Đây là lý do quan trọng khiến AirAsia sau nhiều lần tìm cơ hội quyết định thành lập liên quan với công ty Việt Nam (Công ty TNHH Gumin do ông Trần Trọng Kiên đại diện theo pháp luật).

Tuy nhiên, ngay khi dự định này được công bố, AirAsia gặp ngay "đề xuất áp dụng vé máy bay giá sàn" của Jetstar Pacific và Vietnam Airlines.

Trước đó, ngày 17/3, Vụ Vận tải (Bộ GTVT) đã tổ chức họp lấy ý kiến các hãng hàng không về Dự thảo Quyết định khung giá dịch vụ vận chuyển hàng không hạng vé phổ thông cơ bản trên các đường bay nội địa để thay thế quyết định 3282/QĐ-BTC ngày 19/12/2014. Khi gửi góp ý cả Vietnam Airlines và Jetstar Pacific đều đề xuất áp giá sàn với một số tuyến bay phổ thông nội địa với lập luận chống bán phá giá khi một số hãng hàng không liên tục giảm giá vé, có khi bán thấp hơn giá thành, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của ngành.

Trong khi đó, phía Vietjet (hãng hàng không giá rẻ kiểu AirAsia) lại tán thành chủ trương nâng mức giá trần hoặc bỏ quy định giá trần nhưng không quy định giá sàn vì việc áp giá sàn là đi ngược lại Luật Cạnh tranh năm 2014 cũng như triệt tiêu cơ hội cạnh tranh của các hãng, làm méo mó thị trường.

Trên thực tế, vũ khí lớn nhất của AirAsia hay các hãng giá rẻ như Vietjet là việc bán một số vé máy bay với giá 0 đồng hoặc siêu thấp. Trên thực tế, họ không bán vé dưới giá thành mà thực chất chỉ là cách định giá khác nhau nhưng có một số vé được bán với giá siêu rẻ. Bằng chứng rõ nhất là Vietjet vẫn lãi gần 2.500 tỷ đồng sau thuế năm 2016 dù nổi tiếng với việc bán vé máy bay giá 0 đồng.

Trong khi đó, Jetstar Pacific đề xuất khung giá sàn với giá thấp nhất của tuyến Hà Nội TPHCM là 1,1 triệu đồng/vé.

Hiện tại, Bộ GTVT mới nhận góp ý của các hãng về khung giá vé máy bay và chưa có kết luận cuối cùng. Tuy nhiên, nếu đề xuất về giá sàn vé máy bay được hiện thực hoá, “cửa bay” Việt Nam của AirAsia sẽ vô cùng khó khăn bởi hãng này nổi tiếng nhất nhờ vận hành tốt và đưa mức giá siêu rẻ với cơn mưa khuyến mại vé máy bay giá 0 đồng..

Trong khi tranh cãi giữa các hãng vẫn diễn ra chưa có hồi kết, nhiều chuyên gia lên tiếng phản đối đề xuất giá sàn của các hãng bay như Jetstar Pacific và Vietnam Airlines. TS. Phạm Sanh, một chuyên gia giao thông phân tích: “Áp mức giá sàn vé máy bay sẽ làm giảm tính cạnh tranh, khiến cho thị trường méo mó, xuất hiện các nhóm lợi ích. Người dân sẽ càng khó khăn hơn trong việc tiếp cận phương tiện bay giá rẻ còn các hãng hàng không sẽ không còn động lực nâng cao hiệu quả, chi phí, công nghệ mới,… nhằm giảm những chi phí không cần thiết”.

Còn TS. Lương Hoài Nam - từng làm giám đốc điều hành của 2 hãng hàng không tại Việt Nam cho rằng, phương thức quản lý giá vé máy bay bằng khung trần hay sàn như đang đề xuất đều đã lạc hậu, không còn phù hợp nữa.

“Ở Mỹ từ năm 1978 họ đã tự do hoá giá vé máy bay, nghĩa là các hãng được tự quyết theo quy định cung cầu và cạnh tranh. Quan điểm này đã được các nước châu Âu và châu Á tiếp nhận. Cho đến nay, hiếm còn nước nào quản lý giá vé máy bay nội địa bằng giá trần như ở Việt Nam, giá sàn còn hiếm hơn”, ông Lương Hoài Nam cho biết..

TS. Lương Hoài Nam cũng phản bác lại lập luận việc áp giá sàn có thể chống lại cạnh tranh không lành mạnh, phá giá thị trường. Bởi theo ông, chưa có nước nào thông qua “giá vé” để quy kết được hành vi cạnh tranh không lành mạnh cả.

N.Dương

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên