MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Du học sinh ngày càng 'mất giá' tại quốc gia này, phỏng vấn gần 100 lần vẫn chưa có việc làm, cay đắng thừa nhận: 'Du học là khoản đầu tư khó sinh lời'

21-12-2022 - 19:25 PM | Sống

Du học sinh ngày càng 'mất giá' tại quốc gia này, phỏng vấn gần 100 lần vẫn chưa có việc làm, cay đắng thừa nhận: 'Du học là khoản đầu tư khó sinh lời'

Một số công ty tại đất nước này cho biết sẽ không tuyển dụng du học sinh với lý do "sinh viên trong nước biết nhiều hơn về ngành công nghiệp và thị trường nội địa".

Ôn Hành Tuyền không quá vui mừng khi nhận lời mời làm việc từ một công ty tư vấn ở Thượng Hải. Cô từng học đại học tại Macau, sau đó lấy bằng thạc sĩ tại một ngôi trường có vị trí khá cao trên BXH, lọt top 100 đại học tốt nhất thế giới theo BXH QS năm 2021.

Tuy vậy, danh tiếng từ đại học này vẫn không giúp cô gây ấn tượng với các nhà tuyển dụng trong nước. Những lời từ chối liên tiếp làm Hành Tuyền mất đi sự tự tin, chỉ mong một công việc tử tế để cứu vớt tâm trạng lúc này.

Nhưng cả tiền lương lẫn công việc, quy mô công ty Thượng Hải trên đều không đáp ứng kỳ vọng của cô. Kỳ tuyển dụng mùa xuân sắp trôi qua, nếu Hành Tuyền không nhân việc, cô sẽ mất đi cái mác "sinh viên mới ra trường" và phải cạnh tranh với những ứng viên đã có kinh nghiệm.

Du học sinh ngày càng mất giá tại quốc gia này, phỏng vấn gần 100 lần vẫn chưa có việc làm, cay đắng thừa nhận: Du học là khoản đầu tư khó sinh lời - Ảnh 1.

Hai năm gần đây, tiêu chuẩn dành cho du học sinh trở về Trung Quốc tìm việc làm đã thay đổi. Trong mắt các nhà tuyển dụng nhân sự, phạm vi của các trường Đại học tốt trên thế giới đang bị thu hẹp. Trước đây, nhiều du học sinh nghĩ rằng chỉ cần dù chọn trường không nổi tiếng nhưng có thứ hạng ổn thì vẫn sẽ là điểm cộng trong mắt doanh nghiệp. Thế nhưng xu hướng tuyển dụng hiện nay tại đất nước tỷ dân lại là ưu tiên sinh viên từ các trường nổi tiếng trong nước.

Du học đã khó, tìm việc làm còn khó hơn

Ôn Hành Tuyền cảm thấy lý lịch của mình không tệ, học lực cũng rất tốt nhưng thiếu sót lớn nhất là kinh nghiệm thực tập. Với lợi thế ngoại ngữ, cô có ý định nộp CV cho công ty game hoặc các gã khổng lồ Internet, những môi trường tốt cho phần lớn giới trẻ. Nhưng thực tế không dễ dàng như Hành Tuyền vẫn tưởng.

Cô không vào được vòng phỏng vấn cuối cùng tại bất kỳ công ty game nào. Đơn giản là bởi trong mắt những công ty này, Hành Tuyền không mấy mặn mà với game. Đối với các công ty công nghệ, Hành Tuyền chỉ dừng ở vị trí thực tập sinh, thường phải dừng chân ở vòng phỏng vấn đầu tiên.

Thêm một yếu tố nữa chính là số lượng sinh viên mới tốt nghiệp tại quốc gia tỷ dân này hiện đang ở mức kỷ lục. Năm 2021, có hơn 9 triệu người ra trường và hơn 800.000 du học sinh tốt nghiệp. Điều này làm tăng sự cạnh tranh cho du học sinh trở về.

Theo số liệu của Bộ Giáo dục nước này công bố cuối năm 2020, gần 80% du học sinh chọn về nước trên tổng số 2,5 triệu người Trung Quốc học tập tại nước ngoài. Các phương tiện truyền thông gọi đây là "làn sóng hồi hương hiếm có các nhân tài trong lịch sử quốc gia".

Du học sinh ngày càng mất giá tại quốc gia này, phỏng vấn gần 100 lần vẫn chưa có việc làm, cay đắng thừa nhận: Du học là khoản đầu tư khó sinh lời - Ảnh 2.

Bên cạnh đó, nhu cầu tuyển dụng lại không quá lạc quan. Nền tảng tuyển dụng trực tuyến BOSS Zhipin cho biết dù quy mô tuyển dụng ngành Internet vẫn duy trì mức tăng trưởng trong năm 2022, nhưng đang ở mức thấp kể từ năm 2019. Ngành giáo dục đào tạo và bất động sản cũng có tốc độ tuyển dụng chậm lại. Hầu hết các ngành công nghiệp chỉ có một số vị trí như sản phẩm hay công nghệ là duy trì nhu cầu.

Theo một lãnh đạo LinkedIn Trung Quốc, cô từng nghe một du học sinh về nước tuyệt vọng tâm sự: "Tôi chỉ biết làm đi làm lại đề thi viết của các công ty lớn, thực sự quá khó. Du học đã khó, tìm việc làm và phương hướng cho con đường phía trước còn khó hơn".

Lợi thế của du học sinh không còn?

Cũng theo vị lãnh đạo LinkedIn, sinh viên tốt nghiệp các trường trong Top 100 QS quan tâm đến các công ty tài chính, kiểm toán quốc tế như Big Four, tiếp theo là các đại gia công nghệ Amazon, Google, Microsoft và Huawei. Các doanh nghiệp nhà nước thời gian gần đây cũng là mục tiêu cạnh tranh của du học sinh.

Cô gái Ôn Hành Tuyền cũng từng nộp đơn vào Huawei. Vượt qua vòng sơ tuyển, cô được xếp vào một nhóm WeChat có hơn 500 người, trong đó 70% đều từng đi học tập ở nước ngoài. Số còn lại xuất thân từ các trường trọng điểm Trung Quốc, đến từ các ngành công nghệ máy tính hoặc tài chính.

Đối với du học sinh, lợi thế tốt nhất giữa họ với sinh viên đại học trong nước là ngôn ngữ và kỹ năng giao tiếp đa văn hóa. Do đó, nơi làm việc lý tưởng họ hướng tới là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoặc các công ty đa quốc gia.

Du học sinh ngày càng mất giá tại quốc gia này, phỏng vấn gần 100 lần vẫn chưa có việc làm, cay đắng thừa nhận: Du học là khoản đầu tư khó sinh lời - Ảnh 3.

Nhưng theo Trương Tín, giám đốc nhân sự cấp cao làm việc cho một công ty liên doanh, khoảng cách ngôn ngữ giữa du học sinh và người học trong nước ngày càng thu hẹp. Nhiều ứng viên dù không có nền tảng du học vẫn giao tiếp tốt với đồng nghiệp người nước ngoài mà không gặp trở ngại nào.

Bên cạnh đó, nhiều sinh viên du học nhưng chỉ tiếp xúc nhiều với người Trung Quốc dẫn đến ngoại ngữ của họ cũng không nổi trội. Khi đó, các nhà tuyển dụng chỉ có thể xem xét kỹ năng chuyên môn của ứng viên.

Một số doanh nghiệp tại đất nước tỷ dân cho biết sẽ không tuyển dụng du học sinh với lý do "sinh viên trong nước biết nhiều hơn về ngành công nghiệp và thị trường nội địa".

Trên thực tế, có nhiều nơi vẫn trọng dụng du học sinh như các công ty nước ngoài, doanh nghiệp ngành FMCG và Big Four. Họ tìm kiếm những người có kinh nghiệm giao tiếp đa văn hóa và sử dụng được nhiều ngoại ngữ.

Cạnh tranh ngang hàng

Giám đốc nhân sự Trương Tín cho biết anh từng đi du học 4 năm trước khi đã ngoài 30 tuổi, sau khi đã có kinh nghiệm làm việc khá lâu trong nước. Theo Trương Tín, những người bạn học từng du học về nước trước đây của anh đều có năng lực giỏi nhất trong số những người đồng trang lứa. Nhưng những người anh gặp khi ở nước ngoài đều không nổi trội như vậy.

Những năm gần đây, việc du học đã trở nên dễ dàng hơn, có nhiều trường nước ngoài để lựa chọn hơn và các gia đình thuộc tầng lớp trung lưu cũng có thể chi trả cho con mình.

Khi về nước, Trương Tín tiếp tục làm công việc liên quan đến nhân sự và anh chưa từng gặp ứng viên nào đặc biệt xuất sắc có nền tảng du học. Sinh viên trong nước và sinh viên tốt nghiệp tại nước ngoài ngày càng cạnh tranh ngang nhau.

Du học sinh ngày càng mất giá tại quốc gia này, phỏng vấn gần 100 lần vẫn chưa có việc làm, cay đắng thừa nhận: Du học là khoản đầu tư khó sinh lời - Ảnh 4.

A Xuân là một du học sinh xuất sắc ngành kỹ thuật, có 2 bằng đại học tại Mỹ và đều là trường lọt top 50 thế giới. Nhưng trong 1 năm tìm việc, tham gia hơn 100 cuộc phỏng vấn , cô vẫn không thể tìm được việc.

Các đối thủ trong nước có những lợi thế mà du học sinh không có, đó là kinh nghiệm thực tế phong phú, thậm chí một số người còn bắt đầu thực tập ngay từ năm thứ nhất. Cuối cùng A Xuân tìm được việc tại một công ty nước ngoài thuộc top 500 lĩnh vực công nghệ cao nhưng sau 2 tháng lại tiếp tục "nhảy việc".

Ôn Hành Tuyền phải thừa nhận rất khó để sinh lời khi đầu tư vào việc du học với mức lương hiện tại và cả tương lai của mình. Nhưng Hành Tuyền cùng nhiều du học sinh không hề hối hận về trải nghiệm du học bởi ý định ban đầu của họ là "trải nghiệm và mở tầm mắt ra thế giới".

Xét cho cùng, tìm kiếm việc làm chỉ là bước khởi đầu trong cuộc đời của một người. Không ai có thể đánh giá những du học sinh này đã thất bại hay lựa chọn về nước của họ là sai lầm, nhất là khi họ chỉ mới bước chân vào thị trường lao động sôi động tại đất nước tỷ dân

Nguồn: Abouluowang

Phương Linh

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên