Dưa hấu 'tí hon' chơi Tết của lão nông ở miền Tây
Một lão nông 70 tuổi ở làng hoa Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp đã nghiên cứu trồng thành công giống dưa hấu độc lạ có hình dáng nhỏ nhắn mà người dân ở đây thường gọi là dưa hấu tí hon. Loại cây này vừa làm cây cảnh chưng Tết, vừa cho loại trái ngon, giàu vitamin.
Ông Trần Văn Tiếp (ngụ xã Tân Khánh Đông, TP Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp) người có hơn 2.000 cây dưa hấu tí hon. Ông Tiếp cho biết, dưa hấu tí hon còn có tên đầy đủ là Pepino có nguồn gốc từ Nam Mỹ nên còn được gọi là dưa hấu Nam Mỹ.
Quá trình đưa cây dưa hấu này về với ĐBSCL cũng muôn vàn khó khăn, vì loại dưa này chỉ trồng được ở những vùng có nhiệt độ lạnh. Do đó, ông Tiếp đã phải mất nhiều năm trồng thử nghiệm, nghiên cứu giống phù hợp với khí hậu của vùng.Thời gian sinh trưởng đến khi thu hoạch của cây dưa hấu tí hon là 7 tháng nếu trồng bằng hạt, 5 tháng nếu trồng bằng hom.
Trái dưa hấu tí hon lần đầu có mặt tại miền Tây
Loại dưa này ban đầu trồng rất khó khăn bởi khi trồng ở vùng lạnh khắc nghiệt nên độ ngủ đêm của nó rất dài từ 13 – 18 tiếng. Khi về trồng ở Việt Nam, ban đêm nó chỉ ngủ khoảng 6 tiếng, do đó muốn đậu trái phải tác động sao cho nó ngủ đủ thời gian thì nó mới đậu trái.
Theo ông Tiếp, điểm độc đáo khiến dưa của ông hút hàng dịp Tết là do cây cho trái sum sê, khi chín tỏa ra mùi thơm, vỏ có màu vàng óng, xung quanh có sọc tím nổi bật có thể làm kiểng chưng Tết mang nhiều ý nghĩa may mắn trong năm mới cho gia chủ. Bên cạnh đó, đây còn là loại trái cây ăn giải khát rất ngon. “Hiện tại, dưa này tôi bán tại nhà với giá 120 ngàn/kg nhưng vẫn không đủ bán. Ước tính, 2 tấn trái năm nay, tôi thu về trên 200 triệu đồng” – ông Tiếp nói.
Hơn 2.000 cây dưa hấu tí hon của ông Tiếp đã cho trái mùa đầu tiên. Trong đó, ông đã chọn ra 800 cây loại 1 để vô chậu nhằm cung ứng cho thị trường Tết với giá khoảng 250 ngàn đồng/cây. Số còn lại ông thu hoạch bán trái chín.
Tiền phong