Đừng bài trừ mỡ lợn ra khỏi chế độ ăn uống nữa, giới chuyên gia nhận định tốt thế này cơ mà!
Giới chuyên gia khuyên, mỡ lợn sạch, ăn đúng cách rất tốt cho sức khỏe. Việc vứt bỏ hoàn toàn mỡ lợn ra khỏi chế độ ăn là điều hoàn toàn không nên.
- 17-08-2021Công dụng “thần kỳ” của mỡ lợn đối với sức khỏe: Bỏ hoàn toàn mỡ lợn thay bằng dầu thực vật, người Việt đang âm thầm "tự hại mình"
- 01-04-2021Mỡ lợn, rốt cuộc lợi và hại gì khiến "người ghét kẻ yêu": Giáo sư mách bạn lượng mỡ tốt nhất nên ăn
- 19-05-2019Chuyên gia dinh dưỡng: Mỡ lợn không phải thực phẩm xấu, nhiều người sai lầm khi bỏ mỡ lợn
Mỡ lợn vẫn luôn là nguyên liệu để chiên rán, xào nấu trong bếp của người Việt từ bao đời nay. Cho đến mấy thập kỷ gần đây, sự ra đời của dầu ăn dường như khiến người ta phủ nhận tất cả giá trị mà mỡ lợn đem lại, phủ nhận luôn một nguyên liệu chế biến một thời không thể thiếu. Mỡ lợn cũng dần bị "quy chụp" thành loại thực phẩm chỉ gây hại cho sức khỏe.
Thế nhưng, trong hiện tại, có lẽ đã đến lúc bạn nên từ bỏ lối tư duy mỡ lợn gây hại sức khỏe. Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy, mỡ lợn chứa nguồn dinh dưỡng tốt cho sức khỏe mà dầu ăn không thể thay thế hoàn toàn. Và hôm nay, giới chuyên gia sẽ lên tiếng về vấn đề này như một sự minh oan cho thực phẩm mang tên mỡ lợn.
Mỡ lợn vẫn luôn là nguyên liệu để chiên rán, xào nấu trong bếp của người Việt từ lâu năm.
Mỡ lợn đảm bảo sạch rất tốt cho sức khỏe, nhất là trẻ em!
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (Nguyên giảng viên Viện Công nghệ Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội) khẳng định, nếu mỡ lợn đảm bảo sạch thì rất tốt cho sức khỏe, đặc biệt là trẻ em. Nếu loại bỏ mỡ lợn ra khỏi thực đơn thì thật sự vô cùng đáng tiếc.
"Hiện nay, người dân có tâm lý ăn mỡ lợn sẽ bị mắc bệnh, tin vào quảng cáo quá mức của những sản phầm dầu thực vật là điều rất đáng tiếc vì chất béo thực vật không cung cấp đủ chất cho cơ thể. Tuy nhiên điều quan trọng vẫn là cần sử dụng điều độ, vừa phải", PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh khẳng định.
Nếu được sử dụng ở mức độ vừa phải, mỡ lợn sẽ có tác dụng làm bền vững các mao mạch máu, bảo vệ tuần hoàn cơ thể, có tác dụng bảo vệ sức khỏe tim mạch, ngăn chặn bệnh tim mạch.
Theo cựu đại tá, lương y đa khoa Bùi Hồng Minh (Nguyên Chủ tịch Hội Đông y Ba Đình, Hà Nội), mỡ lợn không chỉ là thực phẩm để xào nấu các món ăn hàng ngày mà còn có tác dụng chữa bệnh rất tốt. Chuyên gia khẳng định: "Mỡ lợn nếu được chế biến đúng cách, đảm bảo mỡ sạch, nguyên chất sẽ cung cấp nguồn chất béo phong phú với lượng calo cao cho cơ thể".
Mỡ lợn không chỉ là thực phẩm để xào nấu các món ăn hàng ngày mà còn có tác dụng chữa bệnh rất tốt.
Theo chuyên gia, mỡ lợn mặc dù có axit béo bão hòa nhưng giàu vitamin B và các khoáng chất tốt cho sức khỏe, nó giàu vitamin D, nó thúc đẩy sự hấp thụ canxi của cơ thể. Lượng vitamin D trong mỡ heo có tác dụng giúp cải thiện chức năng tim mạch, duy trì sức khỏe của phổi và hô hấp, tăng cường chức năng cơ bắp và giúp cơ thể phòng chống nhiễm trùng.
ThS.BS Lê Thị Hải (Viện Dinh dưỡng quốc gia) cho biết thêm, thói quen từ bỏ hoàn toàn mỡ, thay bằng dầu ăn của nhiều gia đình hiện nay thực sự rất sai lầm. Theo BS Hải, chỉ người lớn ngoài 50 tuổi trở lên bị rối loạn chuyển hóa chất béo như tăng cholesterol mới phải kiêng ăn mỡ, còn trẻ em càng cần phải ăn mỡ. Nếu không, cơ thể không có đủ chất, nhất là trẻ nhỏ sẽ khó phát triển toàn diện.
Kỳ thị mỡ lợn là sai lầm gây ra sự thiếu hụt dinh dưỡng vì dầu ăn không bù đắp nổi
Đó chính là nhận định của BS đa khoa Nguyễn Xuân Quang (Học viện Quân y). Theo BS Nguyễn Xuân Quang, dầu thực vật giúp bạn hạ lượng cholesterol trong máu, trong khi đó, mỡ động vật giúp bổ sung cholesterol cho cơ thể.
Mỡ động vật giúp bổ sung cholesterol cho cơ thể.
"Tuy nhiên, cholesterol không phải lúc nào cũng xấu. Cholesterol là thành phần hình thành và phát triển tổ chức thần kinh ở não. Đây là thành phần cấu tạo màng tế bào, tham gia sản xuất hormone, kể cả hormone sinh dục. Nói chung, cholesterol cần cho sự phát triển và duy trì cơ thể. Chỉ khi nào quá thừa cholesterol thì cholesterol mới đọng ở thành mạch máu và gây các bệnh như xơ vữa động mạch, cao huyết áp, đột quỵ", BS Nguyễn Xuân Quang chia sẻ.
Thế nên, điều quan trọng là biết dùng mỡ lợn đúng đối tượng và hoàn cảnh cụ thể. BS Quang chia ra các tiêu chí dùng mỡ lợn cụ thể như sau:
Nếu xét theo đối tượng
1. Trẻ nhỏ
Nếu trẻ nhỏ thiếu cholesterol thì sẽ bị chậm phát triển trí tuệ. Vì vậy, nhóm đối tượng này cần ưu tiên ăn mỡ động vật hơn dầu thực vật. Việc bổ sung mỡ động vật như mỡ lợn cho nhóm đối tượng này là điều hoàn toàn nên làm.
Trẻ nhỏ cần ưu tiên ăn mỡ động vật hơn dầu thực vật.
2. Thanh thiếu niên, người trưởng thành khỏe mạnh
Chuyên gia khuyến cáo, lượng mỡ động vật và dầu động vật nên bổ sung tương đương nhau 50/50. Nhóm đối tượng này cần nhiều năng lượng học tập, làm việc, cơ thể khỏe mạnh bình thường vừa có thể dùng dầu thực vật vừa có thể bổ sung mỡ động vật như mỡ lợn.
3. Người lớn tuổi, người có bệnh lý chuyển hóa
BS Quang khuyên nên nhóm người lớn tuổi, người có bệnh lý chuyển hóa như béo phì, mỡ máu cao, xơ vữa động mạch, tiểu đường thì nên hạn chế ăn mỡ động vật như mỡ lợn.
Nếu xét theo việc chế biến thức ăn ở nhiệt độ cao hay bình thường
Theo BS Quang, khi chế biến thức ăn ở nhiệt độ cao, dầu thực vật có thể chuyển hóa thành các chất có hại, ví dụ như Andehyde, có thể bay lên ở dạng khí. "Điều này rất nguy hiểm cho người nấu ăn nếu hít phải chúng thường xuyên", BS Quang nhận định. Do đó, chuyên gia khuyên, nếu chiên rán ở nhiệt độ cao , bạn nên sử dụng mỡ động vật. Còn nếu trộn salad, xào nấu bình thường thì bạn có thể dùng dầu ăn.
Nếu chiên rán ở nhiệt độ cao, bạn nên sử dụng mỡ động vật. Còn nếu trộn salad, xào nấu bình thường thì bạn có thể dùng dầu ăn.
Nếu xét theo tiêu chí chọn ăn loại nào để đỡ béo hơn
Chắc chắn sẽ rất nhiều người lựa chọn dầu thực vật vì lý do giữ dáng, nhất là chị em phụ nữ, ăn dầu thực vật được chị em coi là lành mạnh, không sợ béo. Sự thật có thể khiến bạn vô cùng bất ngờ.
BS Quang cho biết, 1g dầu thực vật và 1g mỡ động vật chuyển hóa sinh ra 9 calo. Điều đó cũng có nghĩa là sử dụng lượng dầu ăn và mỡ lợn tương đương nhau thì khả năng gây béo của chúng cũng ngang nhau chứ không có chuyện mỡ động vật gây béo, dầu thực vật thì ngoại lệ nhé!
Tóm lại, giới chuyên gia khuyên, tốt nhất nên sử dụng kết hợp mỡ lợn với dầu thực vật trong các bữa ăn với hàm lượng vừa phải. Sử dụng mỡ lợn điều độ, không nên ăn quá nhiều nhưng cũng không nên bài trừ thực phẩm này. Với trẻ nhỏ, đặc biệt chú ý cho ăn đều đặn mỡ lợn hàng tuần để trẻ tư duy, phát triển toàn diện…
Nhịp sống Việt