'Đừng để nhà kinh doanh phải ra nước ngoài mở công ty'
Thanh tra, kiểm tra đã làm nhiều DN nhụt chí khi bàn về chính sách.
- 13-06-2019Báo cáo Chỉ số Hòa bình toàn cầu: Trung bình mỗi người Việt Nam tốn gần 10 triệu VND mỗi năm để giải quyết các vấn đề liên quan đến bạo lực
- 13-06-2019Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Quản lý thuế sửa đổi: Người nộp thuế có quyền gì?
Ngày 10-6 vừa qua, khi phát biểu tại Diễn đàn Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam 2019, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã có những lưu ý quan trọng. Một trong những lưu ý đó là về môi trường kinh doanh, không chỉ dành cho các doanh nghiệp start-up, mà có lẽ là cho cả cộng đồng kinh doanh
Đừng có những chính sách chưa tốt
Theo Phó Thủ tướng, Việt Nam trong những năm qua luôn đạt mức tăng trưởng cao, kinh tế vĩ mô ổn định và được nhiều quỹ đầu tư nước ngoài quan tâm đến thị trường đổi mới sáng tạo. Các start-up Việt cũng đã có những bước tiến mạnh mẽ, tạo ra sự hấp dẫn đối với các quỹ đầu tư. Đơn cử như việc năm 2018, các quỹ đầu tư đã rót vào Việt Nam tới 889 triệu USD, gấp nhiều lần so với 137 triệu USD năm 2015.
Và Phó Thủ tướng lưu ý rằng: Việt Nam cần duy trì hòa bình, ổn định, duy trì tốc độ tăng trưởng cao liên tục, không ngừng đổi mới sáng tạo, tạo ra cơ hội mới cho mọi người cùng sản xuất kinh doanh, phát huy giá trị, để không chỉ start-up mà mọi người đều tìm thấy ở Việt Nam cơ hội kinh doanh, cơ hội hoàn thiện mình để cống hiến, đem lại lợi ích cho dân tộc.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý rằng: không để các start-up ra nước ngoài vì những chính sách chưa tốt.
“Chúng ta không để các start-up phải ra nước ngoài mở công ty vì những chính sách chưa tốt. Mặc dù chúng ta có những thành tích tốt nhưng đừng quên rằng trong xếp hạng mới nhất về sự sẵn sàng cho nền sản xuất tương lai thì VN đang nằm trong nhóm các nước sơ khởi”, Phó Thủ tướng nói.
Sau khi điểm qua những gì cần làm để môi trường kinh doanh tại Việt Nam trở nên tốt hơn cho doanh nghiệp, Phó Thủ tướng nói: “Chúng ta phải đổi mới mạnh mẽ, phải cải thiện thật nhanh”.
Thật ra, điều Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh cũng chính là điều mà Thủ tướng cũng như Chính phủ luôn quan tâm, tìm ra nhiều giải pháp như cắt giảm điều kiện kinh doanh, cắt bỏ nhiều thủ tục kiểm tra chuyên ngành vô lý.
Thanh-kiểm tra một năm/lần vẫn...
Còn nhớ ngày 17-5-2017, trong lần thứ hai gặp gỡ cộng đồng doanh nghiệp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành ngay Chỉ thị 20. Theo đó, việc thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp chỉ được thực hiện một lần/năm. Nội dung của chỉ thị 20 là rất rõ ràng. Thế nhưng, như Pháp Luật TP.HCM từng phản ánh năm 2018, rất nhiều doanh nghiệp vẫn chưa được hưởng lợi từ chỉ thị tiến bộ này.
Báo Pháp Luật TP.HCM từng thuật lại lời than vãn của một giám đốc công ty thực phẩm sạch tại một hội thảo do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức về điều kiện kinh doanh trong nông nghiệp. Lời than vãn ấy đã lên tới tai Thủ tướng và Thủ tướng đã yêu cầu địa phương báo cáo.
Thế nhưng, báo cáo được gửi lên Thủ tướng, địa phương ấy vẫn nói rằng: việc kiểm tra là cần thiết. Còn kết quả là: sau 18 cuộc kiểm tra, thanh tra, các đoàn kiểm tra đã tịch thu được 19 kg không rõ nguồn gốc và phạt doanh nghiệp này hơn 1,9 triệu đồng?!
Cũng trong năm 2018, Pháp Luật TP.HCM đã có cả một loạt bài nêu lên những khó khăn của doanh nghiệp khi tình trạng thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp vẫn chưa tuân thủ Chỉ thị 20/2017 của Thủ tướng.
Nhưng không chỉ có vậy, các cuộc thanh tra , kiểm tra không chỉ ảnh hưởng tới hoạt động bình thường của doanh nghiệp, mà nó còn gây… tổn hại cho nhà nước.
Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5 vừa qua, vụ việc kiểm tra công ty Con Cưng lại được đặt vấn đề khi có hai cán bộ quản lý thị trường của Bộ Công Thương bị kỷ luật. Bộ Công Thương đưa ra lý do kỷ luật hai cán bộ là do có những phát ngôn ảnh hưởng đến hoạt động quản lý của nhà nước, gây ra hiệu ứng không tốt. Các hiệu ứng này dẫn đến bản chất vụ việc đã chưa được hiểu đúng.
Rõ ràng, trong cuộc kiểm tra này, chẳng những hoạt động của doanh nghiệp bị ảnh hưởng, mà ngay đối với nhà nước cũng bị thiệt hại khi hai cán bộ phải chịu kỷ luật.
Những thiệt hại cho cả hai phía làm sao tính được chỉ bằng tiền nong!
Đó có lẽ cũng là một trong những lý do mà Nghị quyết 02/2019 (tiền thân là các Nghị quyết 19) của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019, định hướng đến năm 2021 tiếp tục có những giải pháp mạnh mẽ để cải thiện môi trường kinh doanh.
Còn mới đây, Bộ KH&ĐT đã gửi báo cáo về việc thực hiện Nghị quyết 02/2019 đến Chính phủ để phục vụ kỳ họp 5-2019. Báo cáo vẫn có những điệp khúc muôn thuở như: “Nhiều bộ, ngành không thực hiện đăng tải công khai các điều kiện kinh doanh sau các quyết định cắt giảm; chất lượng các đề xuất cắt giảm mới chưa thực chất, chưa thực sự tạo thuận lợi cho doanh nghiệp”.
Không chỉ có thế, báo cáo này còn chỉ ra răng: “Hầu hết các bộ chưa có hướng dẫn, tập huấn cho các địa phương hoặc đơn vị thực thi và doanh nghiệp về những cải cách cắt giảm điểu kiện kinh doanh; cũng như chưa giám sát tình hình thực thi những cải cách này”.
Có lẽ, Thủ tướng và các Phó Thủ tướng luôn nhấn mạnh đến môi trường kinh doanh cần cải thiện cũng vì những lẽ này.
PLO