Dùng tiền mua trải nghiệm thay vì vật chất: Sự lựa chọn thông minh và đúng đắn
Tiền bạc không phải là vô hạn. Nếu bạn thực sự muốn mua cho mình một cuộc sống trọn vẹn, vấn đề không nằm ở chỗ bạn kiếm được bao nhiêu tiền mà nằm ở cách bạn tiêu tiền.
- 04-04-2017Cuộc sống đầy trải nghiệm của hoàng tử Dubai "triệu người theo dõi"
- 04-04-20173 tôn chỉ trong việc kiếm và tiết kiệm tiền của chủ tịch Google Alphabet: Đọc để biết không phải ngẫu nghiên người giàu có hàng tỷ USD
- 03-04-2017Chiêm nghiệm những triết lý dưới đây của Đức Đạt Lai Lạt Ma, bạn sẽ thay đổi suy nghĩ và cách sống của chính mình
Khi bạn làm việc chăm chỉ mỗi ngày và kiếm được nhiều tiền, bạn phải chắc chắn rằng số tiền đó được sử dụng một cách hợp lý. Nói cách khác, dù làm gì đi chăng nữa, bạn phải chắc là mình được hạnh phúc.
Nghịch lý của vật chất
Tiến sĩ Thomas Gilovich, giáo sư tâm lý học tại Đại học Cornell (Mỹ) đã tiến hành một nghiên cứu kéo dài 20 năm và đưa ra kết luận: Đừng tiêu tiền của bạn vào vật chất.
Dưới đây là 2 lý do:
Chúng ta luôn thích những thứ mới. Những thứ mới mẻ và thú vị sẽ nhanh chóng trở thành tiêu chuẩn và thay thế cái cũ. Bạn có thể rất thích một chiếc váy đẹp, nhưng sau một thời gian, bạn nhanh chóng chán và tìm mua chiếc váy mới.
Chúng ta luôn có những kỳ vọng mới. Ngay khi quen với một thứ gì đó, chúng ta có nhu cầu tìm kiếm những thứ tốt hơn. Bạn rất thích chiếc xe mới mua cho đến khi thấy bạn bè có chiếc xe tốt hơn, và những chiếc xe tốt hơn sẽ luôn xuất hiện.
“Sự thích nghi là một trong những kẻ thù của hạnh phúc”, Gilovich nói. “Chúng ta mua những thứ vật chất để làm mình hạnh phúc, nhưng chỉ được một thời gian. Sau khi sở hữu và thích nghi với chúng, chúng ta dễ so sánh và nhàm chán.
Nghịch lý của vật chất nằm ở chỗ, chúng ta lầm tưởng rằng việc mua hết thứ này đến thứ khác làm chúng ta hạnh phúc, nhưng đến khi có được rồi lại không thỏa mãn với chính mình.
Sức mạnh của trải nghiệm
Gilovich và các nhà nghiên cứu khác đã tổng hợp và chứng minh rằng, tiền có thể mang lại hạnh phúc, nhưng không lâu dài. Trải nghiệm mới đem lại hạnh phúc bền lâu hơn tất cả mọi thứ.
Trải nghiệm không phải là tài sản vật chất. Nó là sự tích lũy từ những thứ chúng ta nhìn thấy, những điều chúng ta từng làm và những nơi chúng ta từng đặt chân đến.
Tiến sĩ Gilovich nói: “Bạn có thể rất thích những thứ thuộc về vật chất mà mình có được. Bạn thậm chí nghĩ rằng chúng là một phần của mình, nhưng thực tế giữa bạn và chúng vẫn có khoảng cách. Ngược lại, tất cả những kinh nghiệm bạn tích lũy được trong cuộc sống mới chính là thứ tạo nên và thuộc về bạn”.
Thực tế, chúng ta thường không so sánh kinh nghiệm theo cách mà chúng ta so sánh mọi thứ. Trong một nghiên cứu của Đại học Harvard, khi mọi người được hỏi mức lương của họ cao hay thấp hơn so với đồng nghiệp, đa số trả lời họ không chắc. Nhưng khi được hỏi cùng một câu về thời gian nghỉ phép, hầu hết đều mong muốn có kỳ nghỉ dài hơn.
Với những kinh nghiệm bạn có được trong cuộc sống, bạn sẽ ít bị so sánh một cách tiêu cực hơn với người nào đó bỏ quá nhiều tiền ra cho nhu cầu mua sắm. Đơn giản là vì bạn có thể so sánh mình có nhiều tiền bạc, của cải vật chất hơn ai đó, nhưng không thể so sánh ai có nhiều kinh nghiệm hơn ai.
Vật chất nuôi sống chúng ta, nhưng trải nghiệm và những kỷ niệm mới đem lại hạnh phúc. Bạn không thể sống thiếu tiền bạc và vật chất, nhưng hãy sử dụng chúng một cách hợp lý và mang lại sự vui vẻ. Thay vì mua một chiếc iPhone hay chiếc xe hơi mới, sao bạn không thử tổ chức một chuyến dã ngoại với gia đình và bạn bè? Hãy thử đi, cuộc sống của bạn chắc chắn sẽ thay đổi rất nhiều đấy.
Forbes