MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đừng vì sợ thất bại mà không dám bước đi, những người có thể vươn lên từ "hố sâu" thì càng có thành công rực rỡ

04-10-2018 - 18:18 PM | Sống

Ai trong cuộc sống cũng mong đạt được vinh quang, cũng mong gặt hái được thành công, nhưng con đường đi không bao giờ là bằng phẳng. Thất bại là điều không thể tránh khỏi, nhưng may mắn, đó không phải kết thúc.

Không phải mà tự nhiên có câu “Thất bại là mẹ thành công”. Thất bại là cơ hội để chúng ta nhìn lại, chiêm nghiệm và suy ngẫm. Khi có thể vượt qua những ngày khó khăn nhất của cuộc đời để làm lại từ đầu, đạt được những kết quả ít người có, thành công của bạn càng ấn tượng, đáng nể. Vì thế, đừng sợ hãi thất bại. Nếu ‘chẳng may’ gặp thất bại, hãy nhớ 6 điều sau để vượt khó vươn lên:

Thất bại chỉ là do bạn nghĩ thế

Đầu tiên bạn cần hiểu rằng, thất bại hay không – đó là do ý thức của bạn cho là thế. Giống như những gì Henry Ford từng nói “Cho dù bạn nghĩ là bạn có thể hay bạn không thể thì bạn đều đúng hết”. Điều đó có nghĩa là, bản chất của một sự vật sự việc là do chủ quan chúng ta quyết định chứ không phải ai khác.

Bởi thế, nếu có vấp ngã, đừng vội coi nó là một sự thất bại. Thay vào đó, hãy coi nó là một cơ hội để học tập và phát triển. Bạn có biết sự khác biệt lớn giữa những người thành công và những người thất bại là gì không? Đó là người thành công biết nhìn vào mặt tích cực của sự việc để tiếp tục cố gắng.

Hãy nhớ rằng, bạn chỉ thực sự thất bại khi quyết định từ bỏ. Chỉ cần thay đổi quan niệm về thất bại, bạn sẽ có nhiều động lực hơn để bước tiếp.

Đừng vì sợ thất bại mà không dám bước đi, những người có thể vươn lên từ hố sâu thì càng có thành công rực rỡ - Ảnh 1.

Tập trung vào những bài học

Bước tiếp theo sau một thất bại là tìm ra những bài học mà trải nghiệm đó mang lại. Chuyện này chắc chắn không dễ dàng, nhưng một khi bạn nhìn nhận thất bại như một cơ hội hiếm có thì nó chắc chắn sẽ mang lại nhiều thay đổi. Thất bại không hề trái ngược với thành công, nó là một phần của thành công.

Vì thế, hãy cố gắng đối xử với thất bại như một bài học. Đây sẽ là trải nghiệm thực tế vô cùng quý giá, giúp bạn trở nên giỏi hơn, đến gần với mục tiêu hơn.

Đừng quên ước mơ của bạn

Kể cả khi bạn đang buồn bã hay thất vọng về bản thân thì cũng đừng quên những ước mơ của mình. Chúng ta thường bắt đầu cuộc hành trình một cách hứng khởi, với đầy nhiệt huyết. Nhưng rồi những trở ngại, khó khăn, vấp ngã… xảy đến, chúng ta dần bị phân tâm và mất đi động lực. Đây chính là nguyên nhân hàng đầu khiến chúng ta bỏ cuộc, thất bại.

Hãy chắc chắn không bao giờ để điều đó xảy ra với bản thân. Luôn ghim chặt mục tiêu đó trong đầu và coi đó là kim chỉ nam cho mọi quyết định của bạn.

Nhớ lại mục đích ban đầu cũng như động lực, đam mê của bạn

Mục đích cuối cùng của ước mơ của bạn là gì? Mọi con đường chúng ta đi đều chỉ có một đích đến, và đó sẽ là động lực cho bạn ‘vượt khó’. Nói một cách ví von thì mục đích chính là ngọn hải đăng soi sáng, dẫn lối cho bạn. Niềm đam mê, mặt khác, là nhiên liệu để tiếp bước bạn hành động mỗi ngày.

Vì vậy, bất cứ khi nào bạn cảm thấy hoang mang mất phương hướng, hãy nhớ lại mục đích ban đầu của mình. Mục đích càng rõ ràng thì động lực tiến lên càng mạnh mẽ.

Đừng vì sợ thất bại mà không dám bước đi, những người có thể vươn lên từ hố sâu thì càng có thành công rực rỡ - Ảnh 2.

Lập lại kế hoạch

Khi niềm tin đã vững vàng trở lại, việc tiếp theo bạn cần làm chính là điều chỉnh lại kế hoạch hành động. Lúc này bạn đã biết vì sao mình thất bại, có thể vì chưa làm đủ nhiều, cách tiếp cận chưa đúng hay chỉ là thiếu may mắn… Dù lý do là gì thì chúng cũng sẽ được ghi chú rõ ràng trong bản kế hoạch mới để tránh ra.

Đừng bao giờ đánh giá thấp của việc lập kế hoạch. Giống như những gì Larry Winget đã từng nói: “Không ai lập kế hoạch để bị phá sản, để trở nên lười biếng, béo phì hay ngu dốt. Những điều này chỉ xảy ra khi bạn chẳng có kế hoạch gì cả”. Một kế hoạch sẽ cho bạn biết mình cần làm những gì để đạt được thành công. Và việc tiếp theo chỉ là xắn tay lên hành động thôi.

Thực hiện hành động

Có một sự thật rất hay, đó là không ai chết đuối vì rơi xuống nước. Người ta chỉ chết đuối khi mải vẫy vùng dưới nước. Điều này cũng giống như thất bại mà bạn đang gặp phải vậy. Chẳng ai sẽ ở mãi cái thất bại đó, nếu họ muốn ‘sống sót’ thì buộc phải hành động.

Hãy nhìn Thomas Edison với hơn 10.000 lần thí nghiệm thất bại trước khi cho ra bóng đèn điện đầu tiên trên thế giới. Nếu ông là một người nản chí, chóng bỏ cuộc thì chúng ta sẽ không bao giờ biết đến một nhà khoa học vĩ đại như thế. Vì thế, đừng quá âu sầu vì thất bại. Rất nhiều điều còn đang chờ bạn ở phía trước kìa.

Minh Ngọc

Addicted2success

Trở lên trên