MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đường dây chạy điểm rúng động nước Mỹ: 33 gương mặt phụ huynh đình đám bao gồm những CEO, diễn viên nổi tiếng nào?

13-03-2019 - 19:35 PM | Tài chính quốc tế

Kẻ đứng đầu đường dây đã nhận tổng cộng 25 triệu USD từ các vị phụ huynh giàu có, nhằm cho con em mình được học tại các trường đại học danh giá như Yale hay Stanford.

Trong vụ bê bối "chạy điểm" tuyển sinh tại Mỹ mới đây, các công tố viên liên bang Massachusetts hiện đã đưa ra danh sách 33 phụ huynh có trong đường dây "chạy tiền" vào các trường đại học thuộc top đầu ở Mỹ, họ đã chi rất nhiều tiền để dàn xếp điểm thi và tạo thành tích ngoại khoá giả cho các con được vào học ở những ngôi trường danh giá trong giai đoạn từ năm 2011 đến năm 2018.

Các vị phụ dính líu đến đường dây này đều là các CEO, chủ tịch của các công ty lớn hoặc thậm chí là diễn viên nổi tiếng.

Greg Abbot và vợ Marcia Abbot, nhà sáng lập của International Dispensing - công ty đóng gói các sản phẩm F&B; Gamal Abdelaziz, cựu CEO của một công ty điều hành một khu resort và casino ở Macao, hiện là giám đốc điều hành lâu năm của ngành công nghiệp giải trí và khách sạn, bao gồm hoạt động ở Wynn Resorts Development; Diane Blake, giám đốc điều hành của một công ty bán lẻ; Jane Buckingham, CEO của một công ty quảng cáo có trụ sở ở Los Angeles.

Đường dây chạy điểm rúng động nước Mỹ: 33 gương mặt phụ huynh đình đám bao gồm những CEO, diễn viên nổi tiếng nào? - Ảnh 1.

Diễn viên Lori Loughlin và 2 con gái.

Gordon Caplan là đồng chủ tịch công ty luật Willkie Farr & Gallagher, nơi có 700 luật sư và 10 văn phòng đại diện ở 6 quốc gia có trụ sở tại New York; I-Hsin "Joey" Chen điều hành một công ty cung cấp nhà kho và cung cấp dịch vụ tương tự cho ngành công nghiệp vận chuyển; Douglas Hodge, cựu CEO công ty quản lý quỹ đầu tư Pimco; William McGlashan Jr., giám đốc điều hành TPG Capital; Agustin Huneeus, doanh nhân ở Thung lũng Napa.

Ngoài ra còn có 2 diễn viên nổi tiếng cũng liên quan đến vụ bê bối. Đó là Felicity Huffman, ngôi sao của bộ phim truyền hình nổi tiếng "Những bà nội trợ kiểu Mỹ" và diễn viên Lori Loughlin. Được biết, Huffman đã chi 15 nghìn USD để con gái được vào đại học và dự định sẽ thực hiện việc tương tự với con gái thứ hai. Còn Loughlin và chồng bị cáo buộc hối lộ 500 nghìn USD để đưa hai con gái vào trường USC danh tiếng.

Đường dây chạy điểm rúng động nước Mỹ: 33 gương mặt phụ huynh đình đám bao gồm những CEO, diễn viên nổi tiếng nào? - Ảnh 2.

Ngôi sao "Những bà nội trợ kiểu Mỹ" cùng chồng và 2 con gái.

Họ đã bỏ ra khoản tiền lên tới 6,5 triệu USD để "chạy điểm", mục đích là cho các con vào những trường đại học danh giá của Mỹ. Kết quả là con của họ đã được nhận vào những ngôi trường là niềm mơ ước với rất nhiều người, bao gồm: Đại học Yale, Đại học Georgetown, Đại học Stanford, Đại học Nam California (USC) và Đại học Texas.

Kẻ đứng đầu đường dây này là William Rick Singer, tự thành lập một tổ chức tư vấn đại học có tên Key Worldwwide Foundation và là CEO công ty Edge College & Career Network, đã nhận tiền "đút lót" của các vị phụ huynh. Tổng cộng, tên này đã nhận 25 triệu USD dưới danh nghĩa khoản từ thiện đóng góp vào quỹ Key Worldwide Foundation để gian lận tuyển sinh. Singer đã dàn xếp điểm thi bằng cách nhờ một cá nhân khác làm bài kiểm tra SAT hoặc ACT và số điểm này phải ấn tượng nhưng không gây nghi ngờ, thí sinh còn được yêu cầu nộp một bản chữ viết tay để người thi hộ bắt chước.

Đường dây chạy điểm rúng động nước Mỹ: 33 gương mặt phụ huynh đình đám bao gồm những CEO, diễn viên nổi tiếng nào? - Ảnh 3.

"Cầm đầu" đường dây chạy điểm - William Singer.

Tiền hối lộ sẽ được chuyển cho giám thị các kỳ thi SAT hoặc ACT, có thể là một huấn luyện viên của trường đại học, những người này sẽ giả mạo hồ sơ cho con của "khách hàng". Sau đó chụp ảnh, cắt ghép, chỉnh sửa khuôn mặt ứng viên lên cơ thể của một vận động viên thật, từ đó giúp họ được nhận vào trường nhờ năng khiếu thể thao.

Không chỉ có các CEO và diễn viên nổi tiếng, các đối tượng bị điều tra còn là các giáo viên, quản lý tại trường đại học và nhân viên nằm trong đường dây của Singer. Trong đó, Igor Dvorskiy là cái tên nổi bật nhất, hiệu trưởng của một trường tư ở Los Angeles. Ông này là người có quyền trong các cuộc thi ACT ở Mỹ.

Theo BBC, Singer có thể bị phạt tối đa 65 năm tù và phải nộp phạt 1 triệu USD. Toà sẽ tuyên án đối với tất cả các đối tượng trên vào ngày 19/6.

Hương Giang

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên