EVFTA: Doanh nghiệp Việt nên lo hay nên mừng?
Với một góc nhìn khác, EVFTA có thể khiến doanh nghiệp Việt phải cạnh tranh với chính các công ty châu Âu vào Việt Nam hoặc các công ty liên doanh với doanh nghiệp Việt Nam.
- 02-07-2019Doanh nghiệp châu Âu chờ đợi gì ở EVFTA?
- 02-07-2019Thông thị trường thoáng thể chế, ra đại dương rồi không ở ao hồ nữa
- 02-07-2019Chủ tịch EuroCham: “Chắc chắn sẽ có nhiều doanh nghiệp châu Âu đến Việt Nam”
Với việc ký kết hiệp định thương mại tự do EVFTA, nhiều doanh nghiệp Việt Nam cho biết doanh số của họ có thể tăng gấp đôi với khả năng xuất khẩu được miễn thuế hoặc thuế rất thấp vào thị trường châu Âu. EVFTA loại bỏ tới 99% các loại thuế quan. Một số mặt hàng sẽ được cắt giảm thuế dần trong vòng 10 năm. Các hàng hóa khác, đặc biệt là các sản phẩm nông nghiệp sẽ được xóa bỏ các cả hàng rào phi thuế quan như hạn ngạch.
EVFTA cũng dự kiến sẽ mở ra thị trường mua sắm và dịch vụ công cộng giữa hai bên, chẳng hạn như cho các lĩnh vực như bưu chính, ngân hàng và hàng hải.
Điều đó đồng nghĩa với một chiến thắng lớn cho nhiều doanh nghiệp. Trong đó có công ty chuyên sản xuất bao bì Anh Đức (Hưng Yên). Các sản phẩm chính của công ty này là thiệp chúc mừng, thẻ quà tặng và túi giấy và nhựa,... Trong đó khoảng 2 triệu USD doanh thu của họ đến từ thị trường châu Âu, chiếm 60% doanh thu tổng.
"Tôi hy vọng trong vài năm tới, lượng và giá trị xuất khẩu sẽ tăng gấp đôi", ông Trung - giám đốc công ty nói với AFP tại xưởng của mình, nơi một lô thiệp Giáng sinh mới có hình cây thông, tuần lộc và tuyết phủ đang được in để xuất sang Đức. Các mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam sang châu Âu hiện nay là hàng dệt may, giày dép và đồ điện tử như điện thoại thông minh và linh kiện máy tính.
Các ngành công nghiệp sản xuất thủ công nghiệp có thể được hưởng lợi để xuất khẩu nhiều hơn. Các công ty đã bắt đầu sử dụng các vật liệu thân thiện với môi trường hơn, vì họ biết rằng người tiêu dùng châu Âu ngày càng quan tâm đến vấn đề rác thải nhựa.
EVFTA cũng mở ra cơ hội tiếp cận các nguyên liệu thô chất lượng cao từ châu Âu khi thuế quan với hàng nhập từ châu Âu cũng đã được cắt giảm.
Nhưng với một góc nhìn khác, thỏa thuận này có thể khiến doanh nghiệp Việt phải cạnh tranh với chính các công ty châu Âu vào Việt Nam hoặc các công ty liên doanh với doanh nghiệp Việt Nam. Họ cũng như bao công ty khác trên thế giới, nhìn thấy Việt Nam đang là một trung tâm lao động giá rẻ với những người lao động có tay nghề tương đối tốt.
EVFTA sẽ tạo lực đẩy mạnh mẽ hơn để các doanh nghiệp SME châu Âu đến Việt Nam. Chủ tịch EuroCham nhìn nhận: "Với việc ký kết chính thức của EVFTA và EVIPA, chắc chắn sẽ có nhiều doanh nghiệp từ châu Âu đến Việt Nam, bởi họ hiểu đã có một công cụ pháp lý vững chắc hỗ trợ họ khi họ đến đầu tư tại Việt Nam".
"Thách thức cạnh tranh là có nhưng không quá nghiêm trọng, tôi tin vào nội lực của các doanh nghiệp Việt Nam", Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc nói. "Chúng ta đã mở cửa cho hàng loạt đối thủ mạnh trong các hiệp định thương mại tự do (FTA) như: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia… Vì vậy, việc mở cửa cho các doanh nghiệp EU cũng tương tự như vậy. Nếu không mở cửa cho châu Âu chúng ta vẫn phải chấp nhận sự cạnh tranh tương tự".
Nền kinh tế đang bùng nổ của Việt Nam chủ yếu được thúc đẩy bởi thương mại tự do, với phần lớn hàng xuất khẩu sang châu Âu, Trung Quốc và Mỹ. Các nhà quan sát cho rằng trong bối cảnh bất ổn thương mại kéo dài giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, Việt Nam nên hướng tới thị trường châu Âu để đẩy mạnh đa phương hóa đối tác thương mại.
Chủ tịch VCCI cho biết, đối với các sản phẩm năng lực cạnh tranh của Việt Nam còn thấp thì đã có lộ trình. Đoàn đàm phán Hiệp định EVFTA cũng đã tính đến lộ trình để phù hợp với sự vươn lên của các doanh nghiệp Việt Nam. Bên cạnh đó, doanh nghiệp Việt cũng không nên quá lo lắng vì không có nhiều mặt hàng mà Việt Nam và EU cạnh tranh trực tiếp.
Mặc dù Việt Nam đã hưởng một số lợi ích ngắn hạn từ chiến tranh thương mại khi các công ty chuyển hướng kinh doanh từ Trung Quốc để tránh thuế quan, các nhà phân tích nói rằng: không ai là người chiến thắng nếu Trung Quốc và Mỹ suy giảm tăng trưởng - Việt Nam cũng không ngoại lệ.