Fed tăng lãi suất, NHTW nào ở châu Á phải chịu áp lực lớn nhất?
Có 3 yếu tố cho thấy áp lực buộc các NHTW châu Á phải tăng lãi suất đang dần tăng lên như thế nào.
- 24-07-2022Fed tiếp tục tăng lãi suất, khủng hoảng tài chính 1997 - 1998 có lặp lại?
- 14-07-2022Giới chuyên gia dự báo: Fed có thể tăng lãi suất thêm 1% trong cuộc họp tháng 7
- 02-07-2022Không phải tăng lãi suất, vào cuối năm 2023 Fed sẽ phải hạ lãi suất?
Giới phân tích nhận định đợt tăng lãi suất mới của Mỹ sẽ gây ra áp lực rất lớn buộc các NHTW ở châu Á phải đẩy nhanh tốc độ thắt chặt chính sách tiền tệ. Bởi nếu không làm như vậy, các nền kinh tế châu Á sẽ đối mặt với nguy cơ dòng vốn bị rút ra và đồng nội tệ giảm giá mạnh hơn.
Theo phân tích của Bloomberg, nền kinh tế đang phải chịu nhiều áp lực nhất chính là Thái Lan, vì NHTW nước này đang giữ lãi suất ở mức thấp kỷ lục. Hàn Quốc và New Zealand – những nước đã sớm tăng lãi suất - ở vị thế tốt hơn nhưng không phải là miễn nhiễm với các rắc rối.
Mới đây Singapore và Philippines vừa tăng lãi suất sau khi tổ chức những cuộc họp bất thường. Điều này cho thấy các NHTW ở châu Á sẵn sàng điều chỉnh lãi suất nhanh chóng trong bối cảnh lạm phát tăng mạnh hơn dự báo.
Dưới đây là 3 yếu tố cho thấy áp lực buộc các NHTW châu Á phải tăng lãi suất đang dần tăng lên như thế nào.
"Đệm đỡ" ngày càng thu hẹp
Fed tăng lãi suất 75 điểm cơ bản, khoảng cách giữa lãi suất cơ bản của Indonesia và Mỹ sẽ thu hẹp xuống chỉ còn 1 điểm phần trăm, giảm mạnh so với mức 3,3 điểm phần trăm trung bình 5 năm gần đây.
Chênh lệch lãi suất bị thu hẹp khiến dòng vốn bị rút ròng ra khỏi thị trường trái phiếu của Thái Lan, Indonesia và Malaysia kể từ đầu tháng 6.
Đối với các NHTW đã nhanh chân hơn trong việc tăng lãi suất như Australia và Hàn Quốc, khoảng cách gần bằng 0. New Zealand là nước duy nhất vẫn có chênh lệch lãi suất lớn hơn so với mức trung bình 5 năm.
Tác động từ lạm phát
Mặc dù một số NHTW châu Á đang cố gắng chặn đứng lạm phát, sau khi điều chỉnh theo lạm phát thì lãi suất chính sách của nhiều nước vẫn đang ở dưới mức trung bình 5 năm.
Tại Hàn Quốc tỷ lệ lạm phát đang ở mức cao nhất 23 năm, Australia cao nhất 21 năm và Thái Lan cao nhất 14 năm. Điều tồi tệ vẫn chưa đến khi mà giá hàng hóa vẫn leo thang và những gián đoạn trên chuỗi cung ứng tiếp tục đẩy chi phí nhập khẩu lên cao.
Ở chiều ngược lại, lạm phát tại Ấn Độ đã bắt đầu hạ nhiệt do mùa mưa đến giúp ích cho ngành nông nghiệp. Áp lực tăng lãi suất cũng vì thế mà giảm theo, theo nhận định của ngân hàng Credit Suisse.
Trái phiếu châu Á
Nhìn vào mức chênh lệch giữa lợi suất trái phiếu châu Á và trái phiếu Mỹ, có thể thấy sức hấp dẫn của thị trường trái phiếu châu Á đang sụt giảm đáng kể. Cả Malaysia, Thái Lan, Ấn Độ và Indonesia đều cần phải đẩy tăng tốc độ thắt chặt chính sách tiền tệ để đẩy lợi suất trái phiếu lên cao. Điều đó giúp ngăn dòng vốn ngoại đang bị rút ra ồ ạt cũng như giúp bảo vệ đồng nội tệ.
Báo cáo này không xét đến Nhật Bản và Trung Quốc. NHTW Nhật Bản (BoJ) vẫn tiếp tục theo đuổi chính sách lãi suất âm và kiểm soát đường cong lãi suất, trong khi NHTW Trung Quốc sử dụng công cụ thị trường mở để bơm thanh khoản nhằm hỗ trợ nền kinh tế vốn đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19.
Tham khảo Bloomberg