MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Fed tăng lãi suất, tỷ giá sẽ không biến động mạnh

15-12-2016 - 20:59 PM | Tài chính - ngân hàng

Lãi suất tiền đồng cần được giữ ở mức thích hợp để đảm bảo sự hấp dẫn của VND. Bên cạnh đó, lãi suất đồng USD tăng, chính sách thương mại của Mỹ còn là dấu hỏi sẽ tạo ra sự bất ổn trên thị trường đòi hỏi các doanh nghiệp phải có biện pháp thích hợp để phòng chống rủi ro.


Ông Ngô Đăng Khoa

Ông Ngô Đăng Khoa

Nhận định việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất 0,25% ngày 14/12 vừa qua và dự tính sẽ có 3 lần tăng tương tự trong năm 2017, ông Ngô Đăng Khoa, Trưởng phòng kinh doanh ngoại hối và trái phiếu, HSBC Việt Nam cho rằng, khi Fed bắt đầu tăng lãi suất, chi phí lãi vay sẽ tăng lên, nguồn vốn nóng sẽ rút ra khỏi các thị trường đang phát triển chảy ngược về Mỹ để hưởng mức lãi suất mới cao hơn và các đồng tiền của các thị trường đang phát triển sẽ chịu rất nhiều áp lực về phá giá.

Điều này diễn ra trong bối cảnh các đồng tiền này đã chịu áp lực sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ tháng 11 vừa rồi. So với ngày hôm qua, hầu hết các đồng tiền trong khu vực mới nổi đều mất giá so với USD như CNY mất 0,32%, THB mất 0,38% …

Đồng Việt Nam không phải là ngoại lệ khi chịu áp lực của việc các đồng tiền trong khu vực mất giá. Ngoài ra, cán cân thương mại đã quay trở lại trạng thái nhập siêu trong 2 tháng gần đây với tổng mức nhập siêu khoảng 700 triệu USD cũng tạo áp lực lên tỷ giá USD/VND.

Sau khi Fed tăng lãi suất, USD/VND giao dịch quanh mức 22.705-725 vào hôm qua và tăng nhẹ lên 22.740-750 vào sáng nay. Tâm lý thị trường khá thận trọng sau khi Fed tăng lãi suất và thanh khoản thị trường ở mức trung bình.

“Điều may mắn cho Việt Nam là khối lượng đầu tư trái phiếu Chính phủ bằng VND của các nhà đầu tư nước ngoài rất ít nên chúng ta không thấy tình trạng bán tháo trái phiếu và mua ngoại tệ của các nhà đầu tư nước ngoài như ở một số thị trường trong khu vực” – ông Khoa nhận định.

Theo vị này, trong bối cảnh này, lãi suất tiền đồng cần được giữ ở mức thích hợp để đảm bảo sự hấp dẫn của VND. Bên cạnh đó, lãi suất đồng USD tăng, chính sách thương mại của Mỹ còn là dấu hỏi sẽ tạo ra sự bất ổn trên thị trường đòi hỏi các doanh nghiệp phải có biện pháp thích hợp để phòng chống rủi ro.

“Trong bối cảnh hiện nay, cam kết hỗ trợ thanh khoản cho thị trường của NHNN có tính chất quyết định để giữ cho thị trường bình ổn. Hiện tại NHNN đang theo sát những diễn biến của thị trường và sẵn sàng can thiệp khi cần thiết, do đó tôi không kỳ vọng khả năng biến động mạnh của tỷ giá trong thời gian sắp tới. Ngoài ra, ở khía cạnh nguồn cung, hoạt động thoái vốn của chính phủ khỏi các tổng công ty nhà nước cũng tạo được nguồn cung USD/VND tương đối lớn tạo và giúp cân đối cung cầu trên thị trường.

Theo tôi, NHNN nên xem xét tiếp tục hỗ trợ thanh khoản ngoại tệ, thông tin với thị trường khi có những tin tức quan trọng trên thị trường quốc tế và những ảnh hưởng của những tin tức này tới Việt Nam, truyền thông những biện pháp NHNN sẽ áp dụng để giảm thiểu biến động mạnh, giữ lãi suất đồng VND và thanh khoản ở mức hợp lý” – ông Khoa khuyến nghị.

Mỹ hiện nay vẫn là nền kinh tế lớn nhất trên thế giới và đồng USD vẫn là đồng tiền được sử dụng nhiều nhất trong các hoạt động tài chính và thương mại. Fed đã duy trì lãi suất cơ bản ở mức gần 0% trong 9 năm trở lại đây cho tới cuối năm 2015 khi có đợt tăng lãi suất đầu tiên.

Chính việc duy trì lãi suất cơ bản thấp nhất trong lịch sử này đã giúp tránh được sự đổ vỡ của thị trường tài chính thế giới trong giai đoạn 2007 - 2008 và giúp thị trường tài chính khôi phục trong các năm sau đó. Tuy nhiên, hệ lụy của việc duy trì lãi suất thấp là khuyến khích vay nợ nhiều hơn đặc biệt tại các quốc gia đang phát triển.

Theo Đỗ Lê

Thời báo ngân hàng

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên