MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Franc Thụy Sỹ cao nhất 7 năm so với euro, vàng bị bán tháo khiến giá lao dốc xuống đáy 2 năm

16-09-2022 - 07:43 AM | Tài chính - ngân hàng

Franc Thụy Sỹ cao nhất 7 năm so với euro, vàng bị bán tháo khiến giá lao dốc xuống đáy 2 năm

USD gần như không thay đổi trong phiên 15/9 sau khi dữ liệu cho thấy doanh số bán lẻ của Mỹ tháng 8 tăng 0,3% nhưng nhu cầu hàng hóa đang hạ nhiệt khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất.

Đồng USD đang được hỗ trợ bởi quan điểm rằng Fed sẽ tiếp tục thắt chặt chính sách một cách mạnh mẽ. Dữ liệu gần đây, bao gồm giá tiêu dùng tháng 8 bất ngờ tăng mạnh, có khả năng khiến Ngân hàng trung ương Mỹ có đủ lý do để công bố đợt tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản lần thứ 3 liên tiếp vào thứ Tư tuần tới (21/9).

Adam Button, nhà phân tích tiền tệ chính của ForexLive, cho biết: "Các chi tiết trong báo cáo doanh số bán lẻ (của Mỹ) thực chất không mạnh như tiêu đề. Nếu bạn chia nhỏ báo cáo doanh số bán lẻ sẽ thấy không thực sự khả quan".

Với đồng USD, "thị trường tiền tệ mặc định là sẽ mua đồng USD trừ khi có lý do chính đáng để bán nó", ông Button nói.

Chỉ số Dollar index (DXY) gần như không thay đổi vào lúc kết thúc ngày 15/9 theo giờ Việt Nam, ở mức 109,64.

Các nhà phân tích nhận định Fed gần như không có lựa chọn nào khác ngoài việc tiếp tục tăng mạnh lãi suất một lần nữa vào tuần tới. Quỹ Fed Futures dự đoán có 30% khả năng Fed sẽ tăng lãi suất thêm 100 điểm cơ bản, và mức tăng thấp nhất là 75 điểm cơ bản như gần như toàn bộ thị trường đang dự đoán.

Đáng chú ý, đồng USD tăng so với yen trong phiên vừa qua, trái với xu hướng giảm ở phiên liền trước, trong khi franc Thụy Sỹ tăng lên mức cao nhất so với euro kể từ năm 2015.

Cụ thể, USD tăng 0,2% so với yen Nhật, lên 143,39 JPY. Thâm hụt thương mại của Nhật trong tháng 8 cao kỷ lục là một trong những lý do gây áp lực khiến đồng yen giảm.

Hôm thứ Tư (14/9), USD giảm 1% so với JPY do có tin Ngân hàng Trung ương Nhật Bản kiểm tra tỷ giá hối đoái và yêu cầu các ngân hàng chuẩn bị cho trường hợp sẽ mua yen vào.

Các nhà đầu tư tiếp tục tranh luận về việc liệu các nhà chức trách Nhật Bản có thực sự can thiệp để hỗ trợ đồng tiền của họ hay không, sau khi yen đã giảm gần 20% trong năm nay.

Theo ông Button của ForexLive, các quan chức tiền tệ Nhật Bản "tuần này đã tăng cường tuyên bố mạnh mẽ nhưng thị trường vẫn đang nghi ngờ. Thật khó để khẳng định một đồng tiền chắc chắn sẽ giảm giá khi các nguyên tắc cơ bản rất khác nhau".

Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Shunichi Suzuki ngày 7/9 nhận định: "Các biện pháp cần thiết sẽ được thực hiện nếu đồng yen tiếp tục suy yếu". Sau đó ngày 8/9, Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) và Cơ quan Dịch vụ tài chính nước này (FSA) đã nhóm họp khẩn cấp để đánh giá tình hình. Tiếp đó, ngày 9/9, Thống đốc BOJ Haruhiko Kuroda đã có cuộc gặp riêng với Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio tại Văn phòng Thủ tướng để báo cáo các vấn đề liên quan, trong đó có việc cảnh giác trước khả năng khoảng cách tỷ giá giữa đồng yen và đồng bạc xanh sẽ tiếp tục nới rộng trong thời gian tới.

Đồng franc tăng giá so với euro trong phiên vừa qua, đạt mức cao nhất kể từ tháng 1 năm 2015 so với đồng tiền chung, khi Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ (SNB) loại bỏ tỷ giá hối đoái tối thiểu là 1,20 franc/euro.

Trong khi đó, đồng USD giảm 0,2% so với franc Thụy Sĩ. SNB cũng sẽ nhóm họp vào tuần tới và thị trường đang xuất hiện một số dự đoán rằng SNB có thể gia nhập "câu lạc bộ" cùng Fed và ECB trong việc tăng mạnh lãi suất. Theo dữ liệu từ Refinitiv, toàn bộ các nhà giao dịch trên thị trường tiền tệ dự đoán SNB sẽ tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản.

Đồng euro tăng 0,2% so với USD trong phiên vừa qua, lên 0,9997 USD. Tuần trước, euro đã giảm xuống mức thấp nhất trong 20 năm, là 0,9864 USD.

Franc Thụy Sỹ cao nhất 7 năm so với euro, vàng bị bán tháo khiến giá lao dốc xuống đáy 2 năm - Ảnh 1.

Cập nhật tỷ giá các tiền tệ chủ chốt.

Nhân dân tệ của Trung Quốc biến động mạnh trong phiên vừa qua. Trên thị trường quốc tế, nhân dân tệ giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 2 năm, xuống mức 7 CNH, do lo ngại về "sức khỏe" của nền kinh tế Trung Quốc, và xem xét các động thái kích thích kinh tế của nước này.

Giống như các loại tiền tệ khác, nhân dân tệ cũng gặp khó khăn khi đối mặt với đồng USD mạnh lên, trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc đang chậm lại.

Kết thúc phiên 15/9, USD tăng lên 7,0188 CNH trên thị trường nước ngoài, là mức cao nhất kể từ tháng 7 năm 2020. Trên thị trường nội địa, nhân dân tệ ở mức 6,9998 CNY/USD.

Việc ngân hàng trung ương Trung Quốc bất ngờ cắt giảm lãi suất chủ chốt vào tháng 8 đã đẩy nhanh đà giảm của đồng nhân dân tệ xuống mức thấp nhất trong hai năm.

Trên thị trường tiền điện tử, Bitcoin tiếp tục giảm 2,3% trong phiên vừa qua, xuống 19.724 USD, trong khi đồng ether giảm mạnh hơn, mất 9,3% xuống 1.947 USD.

Franc Thụy Sỹ cao nhất 7 năm so với euro, vàng bị bán tháo khiến giá lao dốc xuống đáy 2 năm - Ảnh 2.

Biến động tỷ giá đồng Bitcoin ngày 15/9.

Giá vàng giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 2 năm do lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ và giá trị đồng USD ở mức cao.

Lúc kết thúc ngày 15/9 theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay giảm 1,8% xuống xuống 1.665,23 USD/ounce, trước đó có lúc xuống 1.659,47 USD, mức thấp nhất kể từ tháng 4/2020; giá vàng kỳ hạn tháng 12 giảm 1,9% xuống 1.677,30 USD.

Daniel Pavilonis, chiến lược gia thị trường cấp cao của RJO Futures, cho biết: "Hôm nay, yếu tố lớn nhất là lợi suất, (có vẻ như khá mạnh sau khi giảm nhẹ một chút trước đó)". "Đợt bán tháo vào tháng 9, tháng 10 này thực sự chỉ là do điều chỉnh lợi suất, lợi suất đã giảm khá mạnh và bây giờ đang tăng trở lại và đẩy vàng xuống thấp hơn."

Tham khảo: Refinitiv, Coindesk

Thu Ngân

Nhịp sống thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên