MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Gạo Việt Nam hút khách tại các thị trường trọng điểm

16-10-2017 - 13:00 PM | Thị trường

So với mục tiêu đề ra là năm 2017 xuất khẩu gạo đạt 5,7 triệu tấn, thì trong 3 tháng cuối năm chỉ cần đạt 1,1 triệu tấn là hoàn thành mục tiêu.

Theo số liệu Hải quan mới nhất, trong 9 tháng đầu năm 2017, lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng 22% về lượng so với cùng kỳ năm ngoái (đạt 4,62 triệu tấn), và tăng trên 20% về kim ngạch (đạt trên 2,04 triệu USD); trong đó riêng tháng 9 xuất khẩu 515.763 tấn gạo, trị giá 236,37 triệu USD (giảm 22% về lượng và giảm 17% về kim ngạch so với tháng liền kề trước đó).

Như vậy so với mục tiêu đề ra là năm 2017 xuất khẩu gạo đạt 5,7 triệu tấn, thì trong 3 tháng cuối năm chỉ cần đạt 1,1 triệu tấn là hoàn thành mục tiêu.

Xuất khẩu gạo tăng so với cùng kỳ năm 2016 nhờ sự tăng trưởng xuất khẩu tại hàng loạt các thị trường trọng điểm như Trung Quốc, Malaysia, Philippines, Bangladesh, theo cả hợp đồng tập trung và hợp đồng thương mại. Cụ thể, tại thị trường Malaysia, đã ký được các hợp đồng tập trung với tổng khối lượng 150.000 tấn; tại Bangladesh ký được các hợp đồng tập trung 250.000 tấn; tại Philippines, 4 thương nhân Việt Nam đã trúng thầu cung cấp 175.000 tấn gạo.

Về giá, giá gạo 9 tháng đầu năm nay giảm 1,6% so với cùng kỳ năm trước, trung bình đạt 442,28 USD/tấn, nhưng đang có dấu hiệu tăng trở lại khi bình quan tháng 9 đã tăng 5,5% so với tháng 8 đạt 458,3 USD/tấn.

Xuất khẩu sang hầu hết các thị trường đều bị giảm giá so với cùng kỳ tuy nhiên, xuất khẩu gạo sang thị trường Pháp lại có sự đột biến về giá, tăng 28% so với cùng kỳ, đạt 931,4 USD/tấn (với 212 tấn, tương đương 197.463 USD); bên cạnh đó, xuất khẩu sang một số thị trường cũng đạt mức giá cao như: sang Australia 570 USD/tấn (giảm 3,6%); sang Hoa Kỳ 543 USD/tấn (giảm 1,5%); sang Thổ Nhĩ Kỳ 528 USD/tấn (tăng 19%); sang Ghana 526 USD/tấn (tăng 7,7%).

Đối với thị trường Trung Quốc, mặc dù là thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam, chiếm 39% trong tổng lượng gạo xuất khẩu của nước với gần 1,8 triệu tấn, nhưng giá xuất khẩu cũng không cao, chỉ đạt 447,3 USD/tấn (cao hơn 5 USD/tấn so với mức giá xuất khẩu trung bình của các thị trường và vẫn bị giảm 1,6% so với cùng kỳ năm ngoái). Tuy nhiên, lượng gạo xuất khẩu sang thị trường này tăng mạnh 52% so với cùng kỳ năm ngoái và kim ngạch cũng tăng trên 49%.

Philippines - thị trường tiêu thụ gạo lớn thứ 2 của Việt Nam, giá xuất khẩu cũng giảm 6,8% so với cùng kỳ (đạt mức trung bình 397,3 USD/tấn), nhưng bù lại, lượng xuất khẩu tăng rất mạnh 153% so với cùng kỳ (đạt 494.516 tấn) và kim ngạch cũng tăng trên 135% (đạt 196,45 triệu USD).

Thị trường tiêu thụ gạo lớn thứ 3 của Việt Nam là Malaysia, giá xuất khẩu cũng giảm 10% so với cùng kỳ (đạt trung bình 389,2 USD/tấn), nhưng lượng và kim ngạch đều tăng cao so với cùng kỳ (tăng 108% về lượng và tăng 87% về kim ngạch).

Thị phần gạo xuất khẩu sang các thị trường chủ yếu 9 tháng đầu năm 2017

Giá xuất khẩu gạo sang các nước Đông Nam Á nói chung đạt 400,9 USD/tấn (cao hơn 42 USD/tấn so với mức giá trung bình xuất khẩu gạo của cả nước), lượng gạo xuất khẩu tăng 29% so với cùng kỳ (đạt 1,02 triệu tấn) và kim ngạch tăng 22% (đạt 409,71 triệu USD).
Giá xuất khẩu gạo sang các nước Đông Nam Á nói chung đạt 400,9 USD/tấn (cao hơn 42 USD/tấn so với mức giá trung bình xuất khẩu gạo của cả nước), lượng gạo xuất khẩu tăng 29% so với cùng kỳ (đạt 1,02 triệu tấn) và kim ngạch tăng 22% (đạt 409,71 triệu USD).

Điểm đặc biệt chú ý là giá xuất khẩu gạo sang Senegal 9 tháng đầu năm nay thấp nhất thị trường, chỉ đạt 327 USD/tấn, do đó lượng gạo xuất khẩu tăng đột biến tới 209 lần và kim ngạch tăng 105 lần so với cùng kỳ năm ngoái (đạt 24,463 tấn, tương đương 8 triệu USD).

Bên cạnh đó, xuất khẩu gạo sang thị trường Irắc cũng tăng rất mạnh 63 lần về số lượng và tăng 71 lần về kim ngạch so với cùng kỳ, giá xuất khẩu trung bình đạt 496 USD/tấn.

Xuất khẩu gạo còn tăng mạnh ở một số thị trường như: Algeria (tăng 336% về lượng và tăng 333% về kim ngạch, giá đạt 390 USD/tấn), Nga (tăng 64% về lượng và tăng 59% về kim ngạch, giá đạt 386 USD/tấn) và Ucraina (tăng 88% về lượng và tăng 93% về kim ngạch, giá đạt 428 USD/tấn).

Tuy nhiên, xuất khẩu gạo sụt giảm mạnh ở các thị trường Indonesia, Nam Phi, Ba Lan và Thổ Nhĩ Kỳ, với mức giảm từ 60 – 95% về lượng và kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái.

Thùy Linh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên