Gạo Việt 'phất lên' nhờ Trung Quốc
Xuất khẩu gạo của Việt Nam gần đây tăng mạnh cả về khối lượng và giá trị, sau gần một năm u ám. Đó là do nhu cầu nhập khẩu từ các thị trường đang tăng mạnh, đặc biệt là thị trường Trung Quốc.
- 29-09-2017Nâng chỉ tiêu xuất khẩu gạo lên 5,6 triệu tấn: Gạo Việt Nam “trở mình” đầy lạc quan
- 27-09-2017Việt Nam cứ say sưa xuất khẩu gạo số 1, 2 để làm gì?
- 26-09-2017Sẽ giảm vai trò của VFA trong xuất khẩu gạo
Sau gần một năm chịu cảnh u ám thì khoảng hơn nửa năm trở lại đây, gạo Việt xuất khẩu đã “phất lên” nhờ các thị trường như Philippines, Malaysia tăng mua, đặc biệt là thị trường Trung Quốc.
Số liệu thống kê mới nhất của Bộ NN-PTNT cho thấy, khối lượng gạo xuất khẩu tháng 9 năm 2017 ước đạt 466 nghìn tấn, giá trị đạt 210 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu gạo 9 tháng đầu năm 2017 ước đạt 4,57 triệu tấn và 2,02 tỷ USD, tăng 20,8% về khối lượng và tăng 18,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016.
Theo đó, Trung Quốc vẫn tiếp tục đứng vị trí thứ nhất về thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam trong 8 tháng đầu năm 2017 với gần 39% thị phần. Xuất khẩu gạo sang thị trường này trong 8 tháng đầu năm 2017 đạt 1,56 triệu tấn và hơn 700 triệu USD, tăng 32% về khối lượng và tăng 30% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016 khi thị trường này tăng mua.
Đáng chú ý, không chỉ “phất lên” ở thị trường xuất khẩu, giá gạo trong nước cũng đã khởi sắc hơn.
Cụ thể, thời điểm ngày 1/6, giá gạo 5% tấm xuất khẩu là 380-390 USD/tấn và gạo 25% tấm là 360-370 USD/tấn. Tính đến cuối tháng 8, giá gạo 5% tấm của Việt Nam đã đạt mức 405-415 USD/tấn và gạo 25% là 380-390 USD/tấn (cao hơn thời điểm đầu tháng 6 từ 10-20 USD/tấn). Gạo xuất khẩu được giá đã góp phần cải thiện giá gạo trong nước, đem lại lợi nhuận cho người nông dân.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), trong 8 tháng qua, các doanh nghiệp đã đăng ký hợp đồng xuất khẩu 5,1 triệu tấn, vượt xa cùng kỳ năm trước 18,8%; trong đó, hơn 85,4% là các hợp đồng thương mại và hiện vẫn còn hơn 1,2 triệu tấn chưa giao hàng.
Phần lớn các hợp đồng này đăng ký xuất khẩu nếp, gạo trắng, gạo thơm và tấm đi Trung Quốc; gạo 25% tấm đi Philippines; gạo thơm đi châu Phi; gạo Japonica đi châu Úc,...
Ngoài ra, phía VFA cũng cho biết, tình hình xuất khẩu gạo đi Trung Quốc có nhiều tín hiệu lạc quan bởi các thương gia Trung Quốc đã bắt đầu nhập khẩu trở lại gạo nếp. Điều này cho thấy khả năng hàng trăm nghìn tấn gạo nếp đang tồn trong kho sẽ được giải phóng.
Nhiều chuyên gia trong ngành cũng nhận định rằng, mặc dù từ tháng 8/2017, phía Trung Quốc thay đổi một số chính sách về nhập khẩu gạo từ Việt Nam, nâng mức thuế nhập khẩu gạo lên nhưng thị trường vẫn đầy hứa hẹn khi nhu cầu “ăn” gạo từ Việt Nam của quốc gia này vẫn gia tăng.
Còn nhớ 2016 là một năm đầy u ám với xuất khẩu gạo Việt Nam, đặc biệt là khi xuất sang thị trường lớn nhất Trung Quốc (chiếm 36% thị phần) liên tục giảm mạnh. Theo đó, lượng gạo xuất sang thị trường này chỉ đạt 1,74 triệu tấn và 782 triệu USD, giảm 17,5% về khối lượng và giảm 8,6% về giá trị so với năm 2015.
Nguyên nhân là do phía Trung Quốc siết chặt nhập khẩu gạo qua đường tiểu ngạch và tăng cường rào cản qua đường chính ngạch. Trong khi đó, đối thủ của Việt Nam trong xuất khẩu gạo là Thái Lan lại thúc đẩy việc xuất khẩu vào thị trường này.
Vietnamnet