MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Gặp khó trong khâu bảo quản hoa quả sau thu hoạch

21-11-2016 - 15:32 PM | Thị trường

Hiện mỗi năm, người dân Lục Ngạn (Bắc Giang) thu về khoảng 2.600 tỉ đồng từ việc thu hoạch các loại cây ăn quả như vải, cam, bưởi, nhãn, táo… Tuy nhiên, với mặt hàng chủ lực là vải thiều, khó khăn lớn nhất vẫn là khâu bảo quản sau thu hoạch và tiêu thụ.

Thu về 2.600 tỉ/năm nhờ bán trái cây

Theo thông tin từ UBND huyện Lục Ngạn, hiện Lục Ngạn có trên 20.000ha cây ăn quả các loại, trở thành vùng trồng cây ăn quả lớn nhất miền Bắc nước ta. Trong đó, vải thiều chiếm gần gần 16.300 ha, nhãn 825 ha, cây có múi chiếm 3.990 ha… Theo đó, mỗi năm người dân Lục Ngạn có thể thu về khoảng 2.600 tỉ đồng từ cây ăn quả.

Từ ngày 25-27.11, tại tỉnh Bắc Giang sẽ diễn ra Ngày hội trái cây Lục Ngạn lần thứ nhất năm 2016 sẽ trưng bày, giới thiệu những trái cây chủ lực của địa phương. Việc tổ chức lễ hội trái cây giúp các tổ chức cũng như người dân giới thiệu được cây trái đặc sản, tiềm năng để đưa ra thị trường trong và ngoài nước. Đồng thời cũng nhằm kết nối 4 nhà (nhà nông, nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp (DN)), mong muốn tìm kiếm DN để tạo ra các chuỗi sản xuất khép kín, giúp người sản xuất thoát được chuyện được mùa thì mất giá.

Đây cũng là dịp để địa phương quảng bá sản phẩm nông sản sạch đến người tiêu dùng, xúc tiến thương mại sản phẩm giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm nông sản chất lượng cao, an toàn và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Qua việc thu hút khách đến thăm quan, mua sắm tỉnh có thêm cơ hội phát triển du lịch sinh thái, vườn đồi.

Khó khăn trong bảo quản và tiêu thụ

Tại hội thảo “Ứng dụng công nghệ nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp trong bối cảnh hội nhập quốc tế” do Bộ KHCN tổ chức, ông Nguyễn Văn Đông - Giám đốc HTX sản xuất nông sản và thương mại Hồng Giang cho biết, khó khăn lớn nhất đối với vải thiều Lục Ngạn là bảo quản sau thu hoạch và tiêu thụ.

“Thông thường nếu tiêu thụ nội địa hoặc bán cho Trung Quốc chỉ cần rửa sạch, đóng vào hộp kín bảo quản bằng đá lạnh và vận chuyển đến nơi tiêu thụ. Nhưng nếu xuất khẩu sang các thị trường mới mở thì phải áp dụng công nghệ xử lý côn trùng, nấm mốc và trống nâu hóa bằng nước nóng và dung dịch axit hữu cơ nồng độ thấp và bằng hơi nước bão hòa. Bảo quản tại kho lạnh và vận chuyển tới cơ sở chiếu xạ. Tất cả những công đoạn ấy nếu không đồng bộ sẽ ảnh hưởng lớn đến mẫu mã và chất lượng quả vải.” - ông Đông cho biết.

Ông Đông dẫn chứng, đơn cử như khi xuất khẩu sang Úc, các lô hàng chất lượng không đồng đều do có nhiều công đoạn bảo quản, vận chuyển khác nhau. Đầu tiên là bảo quản tại kho lạnh của HTX sau sơ chế từ 35 - 40 ngày, sau đó chuyển khỏi kho bằng xe lạnh của DN xuất khẩu để vận chuyển đến cơ sở chiếu xạ, rồi đến bảo quản từ cơ sở chiếu xạ đến sân bay, kho hàng không, khoang máy bay, hải quan nước ngoài…

“Sức tiêu thụ vải thiều rất lớn còn thời vụ lại rất ngắn chỉ khoảng 20 - 25 ngày. Giá cả mua bán vải thiều do thị trường Trung Quốc quyết định. Các thị trường mới mở chưa có tác động đến giá cả vì tiêu thụ quá ít. Nếu không có thị trường Trung Quốc giá bán vải thiều giảm tới 2/3 và thị trường nội địa tiêu thụ không xuể” - ông Đông cho hay.

Vì vậy, ông Đông kiến nghị, nên có một DN hoặc tổ chức đứng ra xác định chế độ bảo quản, nhiệt độ bảo quản, phương tiện vận chuyển… cho đồng bộ, phù hợp để đảm bảo chất lượng, mẫu mã quả vải. Đồng thời, xây dựng chuỗi tiêu thụ, quy định cụ thể công việc và mức hưởng thụ cho từng thành viên trong chuỗi, tránh hiện tượng người nông dân vẫn mua đứt bán đoạn cho DN.

Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Thanh Bình - Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn cho biết, tỉnh đã vận động, khuyến khích nông dân tham gia vào tổ hợp tác, HTX để có tổ chức ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với DN, từ đó phát triển các chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ cũng như thu hút DN đầu tư vào phát triển nông nghiệp, nông thôn dễ dàng hơn.

Theo K.Linh

Lao động

Trở lên trên