MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

GDP giảm tăng trưởng 0,7%, người dân chỉ mất 1 cốc cà phê/tháng, sao phải quan tâm?

Trong khi các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia kinh tế quan tâm rất nhiều đến con số tăng trưởng GDP tăng hay giảm, tranh cãi, đưa ra giả thiết xung quanh đến con số này 6%, 6,5% hay 6,7%, nhưng người dân liệu có quan tâm đến những con số?

Dự báo về tình hình kinh tế Việt Nam 2017, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho biết ông không mấy lạc quan với chỉ tiêu tăng trưởng 6,7% mà Chính phủ đặt ra. Theo đó, ông dẫn ra dự báo cho thấy Việt Nam chỉ có thể đạt được mức 6%.

Theo ông, có 4 nhóm nguyên nhân khiến cho GDP không thể đạt mục tiêu. Trong đó, ông chia ra làm 2 nhóm lớn dựa vào việc kiểm soát hay không kiểm soát được.

Cụ thể, 2 nguyên nhân Việt Nam không kiểm soát được bao gồm các yếu tố biến đổi do môi trường, biến đổi khí hậu làm nông nghiệp bị ảnh hưởng và biến động trên thế giới khiến cho dòng tiền đầu tư vào Việt Nam bị rút dần.

Còn 2 nguyên nhân nội tại, có thể kiểm soát được bao gồm đầu tư công ngày càng tăng, chính phủ mới cũng cần thời gian để sắp xếp mọi thứ. Các doanh nghiệp nhà nước thua lỗ cũng ảnh hưởng đến tăng trưởng của đất nước.

Do đó, TS. Hiếu cảm thấy không mấy lạc quan rằng Việt Nam sẽ tăng trưởng cao hơn năm nay, thậm chí, có thể bước vào giai đoạn trì trệ nếu 4 nguyên nhân này không được giải quyết.

“Tăng trưởng theo tôi dự báo sẽ vào khoảng 6%”, ông nói. Như vậy, mức tăng trưởng này thấp hơn 0,7% so với mục tiêu do Chính phủ đề ra.

Tuy nhiên, có vẻ như sự tăng hay giảm các con số là vấn đề của các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia kinh tế, còn người dân không quan tâm. Bởi lẽ, theo ông Hiếu, khi ông hỏi khách hàng của mình về việc GDP giảm thì họ không quan tâm.

“Họ nói chuyện GDP có 6% hay 6,5% không quan trọng, đối với người bình thường, giảm không phẩy mấy phần trăm có lẽ không phải là vấn đề lớn”, ông nói.

Hiện GDP đầu người Việt Nam khoảng 2.300 USD/năm, tương đương 46 – 47 triệu đồng/năm, chia nhỏ hàng tháng là 3,8 – 4 triệu đồng. Nếu GDP giảm từ 6,7% xuống còn 6%, mỗi người dân mất khoảng 30 nghìn đồng/tháng. Trên thực tế, số tiền này chỉ bằng giá 1 cốc cà phê.

Ông Hiếu cũng cho biết thêm, cái người dân quan tâm không phải là những con số tăng hay giảm, họ chỉ cần đủ cơm ăn áo mặc, tiền để con cái đi học, an sinh xã hội được đảm bảo.

Đức Minh

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên