Giá gạo Châu Á tiếp tục giảm, gạo xuất khẩu của Việt Nam xuống dưới 500 USD/tấn
Giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ và Thái Lan tuần này giảm do đồng rupee và baht yếu đi, trong khi hoạt động giao dịch chậm lại gây áp lực giảm giá gạo Việt Nam.
- 04-04-2021Nghịch lý thị trường xuất khẩu gạo Việt Nam
- 03-04-2021Giá gạo Việt Nam giảm, gạo Thái Lan thấp nhất hơn 4 tháng để cạnh tranh với Ấn Độ
Thông tin từ Reuters cho biết, gạo Ấn Độ bước sang tuần thứ 2 giảm giá mặc dù nhu cầu từ các khách hàng quốc tế vẫn ở mức cao. Theo đó, đồ 5% tấm giá giảm xuống 390 - 395 USD/tấn, từ mức 393 – 398 USD/tấn cách đây một tuần, do đồng rupee giảm xuống mức thấp nhất trong vòng gần 5 tháng, trong bối cảnh hoạt động xuất khẩu tháng 3 tăng mạnh và sang tháng 4 vẫn tốt.
Bangladesh vẫn tăng tốc nhập khẩu gạo sau khi vừa trải qua một cơn bão trong tuần qua làm hư hại các cánh đồng lúa ở những vùng thấp thuộc phía đông bắc của nước này. Bangladesh đã mở một cuộc đấu thầu quốc tế để mua 50.000 tấn gạo non-basmati đồ với mục tiêu vận chuyển bằng đường sắt. Hạn cuối bỏ thầu là 18/4 và thời hạn giao hàng là 50 ngày. Trước đó, nước này đã hoàn tất một cuộc đấu thầu khác với kết quả một công ty Ấn Độ trúng thầu. Ngoài ra, Bangladesh cũng đang tìm cách mua thêm gạo từ các nhà cung cấp khác theo hình thức liên chính phủ, chủ yếu ký với Chính phủ Ấn Độ.
Giá gạo 5% tấm của Thái Lan tuần này giảm xuống 465 – 482 USD/tấn, giảm khoảng 20 USD/tấn so với mức 488- 500 USD/tấn của tuần trước. Nguyên nhân cũng được cho là do baht giảm giá và thị trường Thái Lan sắp bước vào dịp nghỉ Tết cổ truyền – vào tuần tới.
Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tuần này cũng giảm, theo đó loại 5% tấm - tham chiếu cho các loại gạo xuất khẩu - giảm xuống 495 – 500 USD/tấn, từ mức 505 – 510 USD/tấn cách đây một tuần do nhu cầu chậm lại trong bối cảnh ĐBSCL đã thu hoạch xong lúa vụ Đông xuân và chất lượng lúa gạo thu mua lúc này không cao vì một số cơ sở sấy lúa trên địa bàn đã quá tải trong lúc thu hoạch rộ.
Giá gạo trong nước hiện nay nhìn chung cũng giảm theo xu hướng giá gạo xuất khẩu, trong bối cảnh ĐBSCL thu hoạch gần xong lúa Đông Xuân và miền Bắc chuẩn bị thu hoạch lúa Đông Xuân.
Giá lúa tươi tại An Giang được thương lái thu mua tại ruộng, đối với loại IR 50404 hiện là 6.200 - 6.300 đồng/kg; OM 9577, OM 9582 là 6.300 - 6.350 đồng/kg; OM 6976 là 6.300 - 6.350 đồng/kg; OM 18 khoảng 6.400 - 6.500 đồng/kg. Trong khi đó, giá gạo thường hiện khoảng 10.500-11.500 đồng/kg, gạo nàng Nhen 16.000 đồng/kg, gạo thơm thái hạt dài 18.000 - 19.000 đồng/kg, thơm Jasmine 14.000 - 15.000 đồng/kg, gạo trắng thông dụng 14.000 đồng/kg, Nàng Hoa 16.200 đồng/kg, Sóc thường 15.000 đồng/kg, cám 6.000 - 7.000 đồng/kg, Hương Lài 18.000 đồng/kg. Những mức giá này đều giảm so với tuần trước.
Thông tin từ các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cho biết, do một số doanh nghiệp tư nhân và các công ty xuất khẩu lớn đang kẹt giải ngân tiền thu mua lúa gạo nên tiến độ thu mua chậm lại làm ảnh hưởng đến giá lúa gạo trong nước. Đối với các kho tư nhân thì hoạt động thu mua vẫn diễn ra bình thường nhưng không mạnh nhằm mục đích tạo việc làm cho nhân viên.
Thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, khối lượng xuất khẩu gạo trong 3 tháng đầu năm nay giảm mạnh hơn 30% so với cùng kỳ và giá trị giảm trên 17%, do số lượng container hạn chế đã khiến giá cước vận tải tăng cao từ 3 - 7 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Gần đây, nhiều hãng tàu nước ngoài thông báo cắt dịch vụ trên một số chặng và chưa có kế hoạch cho năm nay lại càng làm gia tăng áp lực trong ngành vận tải biển, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động thương mại trên toàn thế giới.
Ngoài ra, trong 3 tháng qua, các thị trường nhập khẩu nhiều gạo của Việt Nam như Philippines và Trung Quốc cũng đều giảm khối lượng gạo nhập về.
Philippines vẫn đứng đầu về nhập khẩu gạo của Việt Nam, chiếm 39% trong tổng lượng gạo xuất khẩu của cả nước và chiếm 38,3% trong tổng kim ngạch trong 2 tháng đầu năm nay, đạt trên 255.874 tấn, tương đương 137,63 triệu USD, giá trung bình 537,9 USD/tấn, giảm 28,3% về lượng, giảm 11% về kim ngạch nhưng tăng 24% về giá so với cùng kỳ năm 2020. Trung Quốc vẫn duy trì vị trí thứ 2 với 159.198 tấn trong tháng 1 và 2, tương đương 83,63 triệu USD, giá trung bình 525,3 USD/tấn, tăng mạnh 140,4% về lượng, tăng 125,6% về kim ngạch nhưng giảm 6,2% về giá so với cùng kỳ năm 2020; chiếm 24% trong tổng lượng và tổng kim ngạch.