'Giấc mộng đẹp' thống trị ngành ô tô điện toàn cầu của Trung Quốc liệu có thành hiện thực?
Năm 2020, Trung Quốc chỉ đứng sau Liên minh Châu Âu (EU) về số lượng xe điện và xe hybrid được bán ra với 1,3 triệu xe và vượt xa Mỹ, nước chỉ bán ra 328.000 xe. Điều này khiến Trung Quốc nuôi tham vọng dẫn đầu thị trường xe điện toàn cầu.
Trong bối cảnh doanh số bán xe điện (EV) tăng vọt, có vẻ như thị trường Trung Quốc đã chiến thắng trong "cuộc đua EV", hướng tới sự thống trị toàn cầu ở sân chơi mới này. Nhưng giấc mơ bá chủ xe điện của Trung Quốc sẽ chẳng hề dễ dàng.
Hầu hết các báo cáo đều tập trung vào thế mạnh của Trung Quốc như công nghệ và sản lượng, hoặc quy mô lớn thị trường xe điện của nước tỷ dân. Tuy nhiên, có một yếu tố quan trọng đã bị bỏ qua là liệu xe điện của Trung Quốc có được chấp nhận trên toàn thế giới hay không.
Câu hỏi được đặt ra không chỉ là liệu Trung Quốc có thống trị thị trường xe điện toàn cầu hay không mà còn liệu xe điện có thể giúp Trung Quốc đạt được sức mạnh công nghệ, kinh tế và địa chính trị mà nước này đang tìm kiếm hay không. Nói cách khác, ngay cả khi Trung Quốc sản xuất xe điện tốt, thì xe điện có đem lại lợi ích lớn cho Trung Quốc không?
EV là một ví dụ rõ ràng về một cuộc cách mạng công nghiệp mới nổi: một cuộc cách mạng kết hợp công nghệ kỹ thuật số và giảm khí thải nhà kính. Vì vậy, quốc gia nào đi đầu trong sản xuất và sử dụng xe điện sẽ có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường thế giới.
Có thể xem xét ví dụ cuộc cách mạng xe hơi của Mỹ, cường quốc về công nghệ trong thế kỷ 20. Tại thời điểm đó, tình hình của Mỹ so với Trung Quốc hiện nay có nhiều điểm tương đồng. Sự tăng trưởng về công nghệ mới diễn ra trong bối cảnh cả 2 nước đều gia tăng sức mạnh về kinh tế lẫn địa chính trị.
Những chiếc xe hơi truyền thống không chỉ là phương tiện đi lại của thế kỷ 20 mà còn là biểu tượng của sức mạnh, sự giàu có, cuộc cách mạng cả về kinh tế, xã hội lẫn công nghệ. Chúng cũng mang lại cái nhìn tương tự với một chiếc xe điện hiện nay cho thế kỷ 21.
Tuy nhiên bối cảnh giữa Mỹ thời đó và Trung Quốc hiện nay cũng có nhiều điểm khác biệt. Lúc đó, Mỹ nắm vị thế độc tôn trong tay. Sức mạnh ngày càng tăng của Mỹ khiến nhiều quốc gia hùng mạnh khác như Vương quốc Anh, Đức, Liên Xô phải e dè.
Hoa Kỳ thống trị ngành công nghiệp ô tô trong nửa cuối thế kỷ 20. (Ảnh: Flickr)
Với vị thế của người chiến thắng, Mỹ truyền bá được không chỉ kinh tế, địa chính trị mà còn cả văn hoá, nghệ thuật. Chính "Giấc mơ Mỹ" (American Dream) đã trở thành một trong những lý do tạo nên 1,4 tỷ chiếc xe hơi đang được sử dụng trên Trái Đất ngày nay.
Ngày nay, không có yếu tố nào trong số này có thể áp dụng cho Trung Quốc liên quan đến lĩnh vực xe điện. Quả thực, Trung Quốc không có đủ sức ảnh hưởng như Mỹ đã từng có để tác động đến các thị trường nước ngoài, đặc biệt là ở những khu vực giàu có như Châu Âu. Nhất là khi phải cạnh tranh với các ông lớn có công nghệ tiên tiến nhất thế giới như Toyota, General Motors và Volkswagen,… Nhất là sự kỳ vọng cao của người tiêu dùng đối với một sản phẩm mới mang tính cách mạng.
Với sự gia tăng xe điện ở các nước đang phát triển như Ấn Độ, xe điện Trung Quốc có thể đạt được thành công ngay cả khi không tiến sâu vào các thị trường ở phương Tây. Thế nhưng danh tiếng không tốt của sản phẩm Trung Quốc cùng những rắc rối liên quan đến chính trị lại đang kìm chân Trung Quốc thống trị xe điện ở đây.
Một chiếc xe truyền thống và EV có nhiều điểm khác nhau. Một chiếc ô tô chạy xăng đơn thuần chỉ là phương tiện 4 bánh với động cơ, được lắp thêm những tiện ích phục vụ cho khách hàng. Thế nhưng một chiếc EV lại chứa đựng hàng loạt công nghệ mới phức tạp liên quan đến dây chuyền sản xuất, chuỗi cung ứng, nguyên vật liệu... cùng nhiều sự thay đổi khác.
Nếu chỉ đơn giản là thay thế ô tô bằng EV thì sẽ không giải quyết được tình trạng tắc nghẽn hoặc bất bình đẳng trong xã hội. Và xe điện sẽ tạo ra các vấn đề môi trường đầy thách thức, chẳng hạn như ô nhiễm do sản xuất và tái chế pin xe điện. Thêm vào đó, bản thân EV vẫn còn một chặng đường dài để phát triển và hoàn thiện, khiến những nghi ngờ chính trị và văn hóa về vai trò của Trung Quốc trong việc tạo ra chúng trở nên quan trọng hơn.
Thậm chí, nhiều chuyên gia còn nghi ngờ động cơ phát triển mạnh xe điện của Trung Quốc là để giảm sát người dân khi chúng sử dụng công nghệ mới. Năm 2015, 2 tin tặc đã thành công chiếm quyền kiểm soát của một chiếc xe điện trong cuộc thử nghiệm. Các tin tặc này đã kiểm soát được bánh lái cùng nhiều hệ thống khác, qua đó làm giấy lên sự lo ngại của người dân khi bị chính phủ kiểm soát xe cộ.
Ngày nay, động lực chính của quá trình chuyển đổi EV là tính bền vững, có nghĩa là tác động môi trường của việc áp dụng EV đại trà sẽ được khách hàng trên toàn thế giới xem xét và đánh giá kỹ lưỡng. Các công ty Trung Quốc với hy vọng thâm nhập thị trường nước ngoài dường như chưa chuẩn bị tốt để quản lý những vấn đề lớn như vậy.
Do đó, hiện tại, kịch bản khả dĩ nhất dường như không phải là sự dẫn đầu của EV Trung Quốc. Trung Quốc sẽ là một nước chơi lớn trong lĩnh vực xe điện, nếu chỉ xét về quy mô thị trường nội địa và mức độ hỗ trợ của chính phủ mà nước này cung cấp cho ngành xe điện. Nhưng để đối đầu với sự cạnh tranh khốc liệt từ các công ty lớn trong ngành ô tô thì Trung Quốc sẽ còn phải giải quyết nhiều rào cản về xã hội và chính trị với công nghệ mới này.
Tham khảo: The Conversation