Giảm lãi suất: Chờ hiệu ứng lan toả
Song song với việc giảm trần lãi suất huy động kỳ hạn ngắn, tín hiệu giảm lãi suất cho vay có vẻ rõ nét hơn trong thời gian tới.
- 22-11-2019Lãi suất VND đột ngột tăng rất mạnh trên liên ngân hàng
- 21-11-2019Từ 1/12/2019, học sinh, sinh viên sẽ được vay tới 2,5 triệu đồng/tháng tại Ngân hàng Chính sách với lãi suất thấp
- 21-11-2019Hạ lãi suất, nhà băng nào bị thiệt nhiều nhất?
Lãi suất - “con ngựa bất kham”
Ghi nhận của BizLIVE từ năm 2016 đến nay về lãi suất tiền gửi tiết kiệm, mức lãi suất huy động ở hình thức này của các ngân hàng trong giai đoạn 2016 - 2019 liên tục tăng cao, đặc biệt tình trạng đua lãi suất diễn ra vào cuối quý III đầu quý IV trong những năm gần đây và đây cũng là thời điểm xuất hiện đỉnh lãi suất huy động của năm.
Mặc dù, trần lãi suất huy động tiền gửi dưới 6 tháng đã được Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh từ mức 7%/năm xuống còn 5,5%/năm từ năm 2014 nhưng cuộc đua lãi suất huy động kỳ hạn dài không ngừng “nóng”.
Cụ thể, năm 2016 đỉnh lãi suất huy động được chốt ở mức 8%/năm được tạo bởi Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB) với kỳ hạn 24 tháng.
Nguồn: Tổng hợp từ biểu lãi suất huy động của các ngân hàng qua các năm.
Năm 2017, đỉnh lãi suất đã lên mức 8,8%/năm cho kỳ hạn 13 tháng tại Ngân hàng TNHH MTV Xây Dựng (CB).
Một điều dễ thấy rằng, các kỳ hạn ngắn đã bị chặn trần (mức 5,5% cho kỳ hạn dưới 6 tháng), do đó, các ngân hàng chỉ có thể đẩy lãi suất lên cao ở các kỳ hạn dài hơn, vì kỳ hạn từ 6 tháng trở đi được thả nổi.
Do đó, mức lãi suất cho kỳ hạn 6 tháng đã dâng lên tới 8%/năm tại ngân hàng CB vào năm 2018. Nhưng đỉnh lãi suất của thị trường lại là mức 8,7%/năm được thiết lập cho kỳ hạn 18 tháng tại ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB).
Ghi nhận mức lãi suất tiết kiệm năm 2019 cho đến thời điểm cuối tháng 11, đỉnh lãi suất đã thiết lập ở mức 9%/năm cho kỳ hạn 13 tháng cũng tại ngân hàng SHB. Thực ra, mức lãi suất 9%/năm đã được SHB tung ra từ tháng 9. Tuy nhiên, nhiều ngân hàng đã ra điều kiện ngặt nghèo đối với mức lãi suất ngất ngưởng, chẳng hạn tại SHB, khách hàng phải gửi số tiền khủng 500 tỷ đồng.
Trong năm 2019, SCB cũng tham gia vào cuộc đua lãi suất với mức lãi suất 8%/năm cho kỳ hạn 6 tháng, mức lãi suất cao cho kỳ hạn ngắn này tuy được cho là phá vỡ trật tự thị trường, nhưng nó đã được CB áp dụng tương tự tại năm 2017 trước đó.
Tuy nhiên, đỉnh lãi suất huy động vượt trội trên thị trường năm 2019 đã lên tới mức 10,2%/năm, được thiết lập bởi Ngân hàng TMCP Bản Việt (VietCapitalbank) đối với chứng chỉ tiền gửi kỳ hạn 60 tháng. Hình thức huy động này khác với tiền gửi tiết kiệm, khách hàng không được rút trước hạn... nên không ghi nhận trong biểu lãi suất huy động thông thường.
"Sức nóng" của cuộc đua lãi suất huy động kéo dài từ 2016 đến nay, một lần nữa Ngân hàng Nhà nước phải can thiệp bằng việc ban hành Quyết định số 2415 (18/11/2019) quy định trần lãi suất tiền gửi dưới 1 tháng còn 0,8%/năm và dưới 6 tháng còn 5%/năm, tương ứng mức giảm 0,2% và 0,5% so với quy định trước đó.
Hàng loạt ngân hàng đã phải điều chỉnh biểu lãi suất huy động tiền gửi tiết kiệm, nhiều ngân hàng để mức lãi suất đồng nhất 5%/năm cho các kỳ hạn từ 1-5 tháng (lĩnh lãi cuối kỳ), như: ABBank, SHB, SCB, Vietbank, VIB, NCB, HDBank…
Bên cạnh đó, nhiều ngân hàng cũng đã bị "tuýt còi" và điều chỉnh giảm lãi suất huy động tiền gửi kỳ hạn dài. Chẳng hạn, Eximbank điều chỉnh giảm lãi suất kỳ hạn 15 tháng, 18 tháng tại quầy giảm 0,2%/năm xuống mức 8,1%/năm một năm, kỳ hạn 12 tháng giảm 0,1% xuống 7,7%/năm. ACB giảm 0,2% lãi suất đối với kỳ hạn từ 15 tháng còn 7,4%/năm, kỳ hạn từ 18, 24 và 36 tháng đồng nhất ở mức 7,6%/năm; Bản Việt Bản giảm 0,1%/năm cho kỳ hạn 24 - 60 tháng từ mức 8,6% còn 8,5%/năm...
Phấn đấu giảm lãi suất cho vay
Thông điệp phấn đấu giảm lãi suất cho vay được Ngân hàng Nhà nước phát đi từ đầu năm 2018. Tuy nhiên, lúc đó chỉ có 4 ngân hàng có vốn Nhà nước chi phối: BIDV, Vietcombank, Vietinbank và Agribank hưởng ứng giảm 0,5%/năm nhưng chỉ đối với 5 lĩnh vực ưu tiên.
Lãi suất cho vay thông thường trên thị trường ngân hàng dù đã có lúc “trầm lắng” về mức 9%-10% đối với ngắn hạn, nhiều khách hàng tốt được vay với mức lãi suất ưu tiên chỉ 6-7%/năm, mức lãi suất này chỉ dành cho những khách hàng lớn, khách hàng VIP của ngân hàng.
Nguồn: NHNN, tổng hợp.
Lãi suất cho vay dường như không giảm, tiếp tục được đẩy lên 10 - 13%/năm, dù trước đó cơ quan quản lý đã giảm lãi suất điều hành 0,25% hồi tháng 9/2019 nhằm tạo nguồn vốn rẻ hơn cho các ngân hàng thương mại.
Theo một lãnh đạo ngân hàng thương mại có trụ sở tại TP.HCM, chênh lệch lãi suất đầu ra – đầu vào (NIM) của nhiều ngân hàng phải đạt từ 3,5-4% mới đủ bù đắp chi phí hoạt động và có lãi.
Khi ngân hàng đòi hỏi tỷ lệ lãi biên khá cao để bù đắp hàng loạt chi phí hoạt động: chi phí cạnh tranh về nguồn vốn; chi phí ứng dụng công nghệ hiện đại, tạo sản phẩm mới; chi phí cải thiện cấu trúc vốn để đáp ứng các tỉ lệ an toàn theo quy định của Thông tư 06 (tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn tối đa là 40%)… thì việc giảm lãi suất cho vay sẽ làm giảm NIM của ngân hàng nhiều khi không là lựa chọn cần thiết.
Theo báo cáo ngành ngân hàng năm 2019 của Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (VCBS), NIM của các ngân hàng có sự cách biệt khá lớn, nếu ngân hàng không tiết giảm chi phí, với sự định hướng giảm lãi suất cho vay trong thời gian tới để hỗ trợ và duy trì sự tăng trưởng nền kinh tế buộc các ngân hàng phải điều chỉnh hoạt động.
Tín hiệu giảm lãi suất mạnh mẽ đã được phát đi từ Vietcombank, không phải là BIDV như mọi năm, với việc giảm 0,5% lãi suất cho tất cả các khoản vay của doanh nghiệp từ 01/11 cho đến 31/12. Theo ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Vietcombank, riêng đợt giảm lãi suất cho vay này sẽ làm giảm lợi nhuận năm 2019 của Vietcombank khoảng 260 tỷ đồng.
Sau Vietcombank, một loạt ngân hàng thương mại khác như BIDV, VietinBank, Agribank, MSB... cũng đã lần lượt công bố giảm lãi suất cho vay trong tuần này.
Mục tiêu tăng trưởng cao của Việt Nam sẽ tiếp tục được duy trì khi GDP năm 2019 dự kiến vượt kế hoạch đề ra và GDP năm 2020 Quốc hội vừa giao Chính phủ tăng 6,8%, lạm phát kiềm chế dưới 4%. Dù trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều chuyển biến phức tạp, nhưng dòng vốn FDI đang tìm kiếm điểm đến mới do bị ảnh hưởng bởi thương chiến Mỹ - Trung vẫn chưa đạt được thoả thuận, Việt Nam cũng cần phải tạo lợi thế bằng tăng trưởng cao để cạnh tranh hút dòng vốn này.
Bên cạnh đó, việc tạo thuận lợi cho hàng hoá Việt Nam gia nhập Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Châu Âu (EVFTA) ngoài việc cạnh tranh về giá, doanh nghiệp cũng cần nguồn vốn vay trung dài hạn giá rẻ để nhập khẩu máy móc, cải tiến công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm để cạnh tranh hiệu quả và đáp ứng các tiêu chuẩn hàng hoá của Châu Âu...
Trong bối cảnh đó, tín hiệu giảm lãi suất có vẻ đã rõ nét hơn và tiếp tục chờ hiệu ứng lan tỏa.
BizLive