Trong 3 ngày đã có 7 ngân hàng nhập cuộc giảm lãi suất cho vay và ưu đãi tín dụng
Làn sóng giảm lãi suất cho vay đang lan rộng ra các ngân hàng, từ ngân hàng lớn đến ngân hàng nhỏ.
- 19-11-2019Thêm BIDV giảm lãi suất huy động và lãi suất cho vay
- 19-11-2019MB tung gói lãi suất cho vay ưu đãi quy mô 2.500 tỷ đồng
- 19-11-2019Giảm lãi suất: Nới lỏng chính sách tiền tệ nhưng phải đảm bảo tiền chảy vào sản xuất, không phải đầu cơ bất động sản
Chiều ngày 18/11, Ngân hàng Vietcombank bất ngờ thông báo hạ lãi suất cho vay 0,5% đối với tất cả các doanh nghiệp. Theo tính toán của nhà băng này, phần dư nợ được hưởng lãi suất giảm nói trên lên tới 320.000 tỷ đồng – bằng tổng dư nợ của cả một ngân hàng cổ phần top đầu. Và với mức cắt giảm này, ngân hàng ước tính phải giảm đi lợi nhuận khoảng 250 tỷ đồng trong 2 tháng cuối năm.
Ngay sau động thái của Vietcombank đến một ngân hàng cổ phần khác là Ngân hàng Hàng Hải (MSB). Vốn là một ngân hàng không thường xuyên thuộc nhóm các nhà băng dẫn dắt xu hướng giảm lãi suất nhưng lần này MSB lại là ngân hàng cổ phần tư nhân đưa ra hành động sớm từ chiều ngày 18/11. Thông báo của ngân hàng cho biết sẽ giảm tới 2% lãi suất cho vay ngắn hạn đối với khách hàng doanh nghiệp và chủ hộ kinh doanh; giảm tới 3,6% lãi suất phục vụ mục đích sản xuất, chăn nuôi… nông nghiệp.
Cụ thể, MSB giảm đến 2% áp dụng cho các khách hàng mới và tới 1% cho các khách hàng hiện hữu có nhu cầu vay ngắn hạn, trung dài hạn để bổ sung vốn kinh doanh, đầu tư mua trang thiết bị, nhà xưởng, kho hàng, phương tiện vận chuyển…Theo đó, lãi suất cho vay khách hàng doanh nghiệp SME tối thiểu áp dụng cho kỳ hạn từ 3 tháng là 6,99%, kỳ hạn từ 6 tháng là 7,49% dành cho khách hàng vay lần đầu. Còn với khách hàng có nhu cầu vay vốn sử dụng vốn phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, MSB cũng áp dụng mức giảm lãi suất siêu hấp dẫn 3,6% áp dụng trong 3 tháng đầu với khoản vay kỳ hạn từ 6 tháng.
Tiếp đến là BIDV. Tối muộn ngày 19/11 ngân hàng này phát đi thông báo giảm lãi suất huy động 0,2% ở tất cả các kỳ hạn, trong đó kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng thấp hơn mức trần của Ngân hàng Nhà nước. Trên cơ sở giảm lãi suất huy động, ngân hàng giảm lãi suất cho vay thêm 0,2%- 0,5%/năm so với lãi suất hiện hành và duy trì chính sách cho vay đối tượng ưu tiên tối đa 5,5%/năm (thấp so với quy định mới điều chỉnh của NHNN 0,5%/năm) đối với các lĩnh vực ưu tiên.
VietinBank và Agribank chưa có thông báo giảm lãi suất đối với các lĩnh vực khác nhưng lĩnh vực ưu tiên thì cũng đã giảm 0,5% kể từ ngày 19/11 theo quy định của NHNN. Theo đó lãi suất ưu tiên của VietinBank còn 6%/năm của Agribank là 5,5%/năm – tương đương mức của BIDV.
Như vậy trong nhóm ngân hàng thương mại Nhà nước đến thời điểm hiện tại đã đồng loạt giảm lãi suất với các lĩnh vực ưu tiên. Trong năm nay, đây là lần thứ 3 liên tiếp các nhà băng này giảm lãi suất cho vay, tổng cộng 1,5%. Hiện Agribank, Vietcombank, BIDV và VietinBank chiếm trên nửa tổng dư nợ của toàn hệ thống, trong đó riêng Agribank chiếm đến 70% thị phần cho vay nông nghiệp, nông thôn.
Một ngân hàng khác là MB dù không có động thái giảm lãi suất cụ thể song đã triển khai gói tín dụng 2.500 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi 6,25%/năm cho doanh nghiệp vừa và nhỏ vay, áp dụng với các khoản vay từ 13/11. Lãi suất ưu đãi cho các nhóm ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ cũng được giảm theo quyết định của Ngân hàng Nhà nước.
Một ngân hàng nhỏ hơn là Kienlongbank cũng nhập cuộc ưu đãi tín dụng đợt này với việc tung ra gói tín dụng trị giá 600 tỷ đồng để cho các khách hàng doanh nghiệp lẫn cá nhân vay vốn. Theo đó khách hàng cá nhân có thể vay từ 50 triệu đồng đến 10 tỷ đồng, thời hạn lên đến 84 tháng còn khách hàng doanh nghiệp, khoản vay được áp dụng tối thiểu từ 200 triệu đồng trong thời hạn 12 tháng. Lãi suất cho vay trong gói tín dụng này không được ngân hàng nêu cụ thể song cam kết cạnh tranh so với thị trường, thủ tục hồ sơ đơn giản, giải ngân nhanh chóng.
Các ngân hàng đều cho biết, mặc dù quyết định giảm lãi suất cho vay và đưa ra các gói tín dụng ưu đãi vào thời điểm còn gần 2 tháng nữa là hết năm song sẽ không ảnh hưởng đến kết quả lợi nhuận cổ đông đã giao.
Còn nhận xét từ giới chuyên gia và các nhà phân tích thì cho thấy, việc các ngân hàng giảm lãi suất ngay thời điểm này, nhất là sự vào cuộc của các ngân hàng lớn, sẽ giúp lan tỏa làn sóng hạ lãi suất đến toàn hệ thống. Hơn nữa, quyết định giảm 0,5% trần lãi suất huy động với các kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng của Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ giúp các ngân hàng giảm bớt chi phí đầu vào, qua đó kéo mặt bằng lãi suất cho vay đi xuống theo đúng chủ trương của Chính phủ và chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước. Chuyên gia kỳ vọng cả lãi suất huy động và cho vay sẽ thiết lập một mặt bằng mới rõ ràng hơn, thấp hơn vào đầu năm 2019.