Giảm lãi suất vay không thể “một sớm, một chiều”
Yêu cầu được Chính phủ đặt ra cho Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam phấn đấu tiếp tục giảm 0,5% lãi suất cho vay từ nay đến cuối năm 2017. Tuy nhiên, dường như mọi thứ khó thực hiện được trong bối cảnh các ngân hàng đang “chạy đua” bước vào vụ kinh doanh mùa cao điểm, cũng như là chuẩn bị cho những yêu cầu đảm bảo thanh khoản theo quy định mới trong thời gian tới.
- 18-12-2017Giảm lãi suất cần điều kiện nào?
- 04-12-2017Giảm lãi suất vẫn là bài toán khó
- 16-10-2017Thủ tướng: Yêu cầu ngân hàng giảm lãi suất cho vay để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận tín dụng
“Sóng” lãi suất huy động
Báo cáo tình hình kinh tế vĩ mô 11 tháng năm 2017 của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho biết, lãi suất huy động trên thị trường tăng nhẹ so với tháng trước khi một số ngân hàng thương mại lớn có tỷ trọng tiền gửi lớn điều chỉnh tăng lãi suất ở các kỳ hạn ngắn. Tiêu biểu, theo biểu lãi suất mới của BIDV, các khoản tiền gửi kỳ hạn 1 tháng và 2 tháng sẽ được hưởng lãi suất 4,8%/năm, tăng 0,5% so với mức lãi suất cũ. Khoản tiền gửi kỳ hạn 3 tháng được nâng từ 4,8% lên 5,2%/năm – tương đương với kỳ hạn 6 tháng… Tại VietinBank, lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 6 đến dưới 9 tháng đã tăng từ mức 5,5- 5,7% lên 5,8%/năm; lãi suất tiền gửi kỳ hạn từ 12 tháng đến dưới 13 tháng tăng từ 6,5% lên 6,8%/năm.
Tuy nhiên, đến tuần cuối tháng 11, lãi suất huy động của một số ngân hàng lại quay đầu về mức cũ, thậm chí thấp hơn so với trước khi tăng. Đơn cử, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 6-9 tháng của VietinBank còn ở mức 5,5%/năm thay vì mức 5,8%-6% như trước. Trên thị trường liên ngân hàng, nếu đầu tháng 11 lãi suất bình quân liên ngân hàng đồng VND kỳ hạn qua đêm có lúc ở mức hơn 1,5%/năm thì đến hết ngày 29.11, giảm xuống còn 0,7%/năm…
Và rồi trong những ngày gần đây, một số ngân hàng thương mại cổ phần tại tiếp tục tăng lãi suất huy động. Đơn cử, VPBank nâng lãi suất ở tất cả các kỳ hạn thêm ít nhất là 0,3 điểm phần trăm và nhiều nhất là 0,6 điểm phần trăm và các mức lãi suất khác nhau tùy thuộc số tiền gửi của khách hàng, áp dụng từ ngày 8.12.
Còn tại Sacombank, ngân hàng này cũng vừa điều chỉnh lãi suất từ ngày 12.12, trong đó kỳ hạn 1 tháng giữ nguyên, kỳ hạn 2 tháng tăng thêm 0,2 điểm phần trăm từ 5,1% lên 5,3%/năm, kỳ hạn 3 tháng tăng thêm 0,1 điểm lên 5,5% - ngang với kỳ hạn 4 tháng và 5 tháng. Tiền gửi kỳ hạn từ 6 tháng đến 8 tháng ở Sacombank tăng từ 6% lên 6,2% trong khi các kỳ hạn dài hơn đến dưới 12 tháng là 6,4%, tăng 0,4 điểm phần trăm. Các kỳ hạn 1 năm trở lên được áp dụng lãi suất cao từ 7,05% đến 7,4%/năm, đặc biệt nếu khách hàng có 500 tỷ trở lên gửi kỳ hạn 13 tháng thì lãi suất là 7,6%/năm. Một số ngân hàng khác cũng điều chỉnh tăng nhưng với mức tăng nhẹ hơn.
Bài toán khó giảm lãi vay
Theo báo cáo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, thanh khoản của hệ thống ngân hàng nhìn chung ổn định nhờ được hỗ trợ lớn từ việc NHNN mua được lượng lớn ngoại tệ và cung ứng tiền ròng khoảng gần 124 nghìn tỷ đồng từ đầu năm đến nay. Tỷ lệ tín dụng/huy động (LDR) bình quân của hệ thống đạt khoảng 86,9%, tăng nhẹ so với mức 85,6% cuối năm 2016. Chính vì vậy theo đánh giá của một số chuyên gia tài chính, việc tăng lãi suất huy động giai đoạn này để hút vốn không chỉ phục vụ đầu ra mà còn đảm bảo các chỉ số thanh khoản đáp ứng quy định tại Thông tư 36 của NHNN bắt đầu áp dụng từ đầu năm 2018.
Theo quy định tại Thông tư 36, hệ số sử dụng vốn của ngân hàng trong năm tới chỉ còn là 80% thay vì 90% như hiện tại. Như vậy, đồng nghĩa với việc chi phí vốn ngân hàng phải trả tăng lên khi huy động 10 đồng chỉ được sử dụng 8 đồng chứ không được 9 đồng như trước kia nữa. Chi phí đầu vào cũng sẽ tăng lên nếu các ngân hàng không căn chỉnh được nguồn vốn tốt có thể dẫn đến câu chuyện đầu ra tăng lên. Bên cạnh đó, chỉ số sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn được điều chỉnh xuống còn 45%. Ngân hàng nào chưa đáp ứng được chỉ số này thì có hai lựa chọn, một là giảm cho vay trung dài hạn và hai là phải tăng huy động vốn nhất là vốn trung dài hạn.
Phân tích kỹ về câu chuyện hạ lãi suất, theo chuyên gia tài chính – ngân hàng, TS. Cấn Văn Lực, có 4 nguyên nhân để hệ thống ngân hàng khó giảm lãi suất.
Thứ nhất là lạm phát năm nay kiểm soát tốt nhưng nếu không cẩn thận thì sang năm có thể tăng nhanh trong bối cảnh lượng cung tiền ra khá lớn, đồng thời với việc Chính phủ đồng ý tăng giá cả một số loại hàng hóa cơ bản, trong đó có giá điện. Theo nghiên cứu của TS. Lực thì giá cả hàng hóa thế giới trong năm 2017 tương đối ổn định, nhưng năm 2018 có thể tăng do nhu cầu và sự phục hồi tốt của kinh tế thế giới.
Thứ hai là vấn đề nợ xấu. Mặc dù Nghị quyết 42 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng giúp nợ xấu xử lý được nhanh hơn, nhưng đây vẫn là một quá trình không phải trong ngày một ngày hai; nợ xấu nếu chưa được xử lý nhanh hơn hiệu quả hơn thì sẽ khó giảm lãi suất.
Thứ ba là chênh lệch đầu ra đầu vào của Việt Nam ở mức tương đối thấp so với khu vực, chỉ 2,2-2,4%, trong khi mức này tại Trung Quốc khoảng 3%, Philippines, Indonesia khoảng 2,8-3%...; như vậy nghĩa là Việt Nam có cùng mức rủi ro nhưng chênh lệch lại thấp hơn.
Thứ tư là do nhu cầu nguồn vốn, đặc biệt là nhu cầu tăng trưởng tín dụng ở mức 18-20% theo yêu cầu Chính phủ đặt ra. Ngoài ra, các ngân hàng phải đáp ứng các yêu cầu về pháp lý, như Thông tư 06 của NHNN về yêu cầu giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn cũng khiến các nhà băng phải tăng cường huy động vốn cuối năm. Điều này khiến lãi suất đầu vào không thể giảm, kéo theo lãi suất đầu ra cũng không thể giảm.
Bản thân lãnh đạo NHNN cũng thừa nhận mặc dù mục tiêu giảm lãi suất là mục tiêu hướng tới nhưng lãi suất ở Việt Nam cũng phụ thuộc vào nhiều yếu tố như quan hệ cung cầu vốn ở trên thị trường và tình hình diễn biến kinh tế vĩ mô và các yếu tố khác có liên quan như chính sách điều hành tỷ giá, tình hình an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng nhưng quan điểm xuyên suốt của Chính phủ và của Ngân hàng nhà nước là kiên định mục tiêu ổn định vĩ mô và kiểm soát được lạm phát, giữ được lạm phát ở mức thấp.
Lao động