Ts. Cấn Văn Lực: Cho vay DNNVV còn khiêm tốn, giảm lãi suất không “gãi đúng chỗ ngứa”
Kết nối trong mối quan hệ tín dụng giữa ngân hàng và doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) là vấn đề không mới nhưng chưa bao giờ cũ. Hàng loạt các cản trở dòng vốn tín dụng tiếp cận đối tượng này đến từ cả hai phía.
- 05-10-2017TS. Lê Xuân Nghĩa: 4 rủi ro cho doanh nghiệp vay vốn, cán bộ tín dụng ngân hàng cần quan tâm
- 05-10-2017Vì sao doanh nghiệp vẫn phàn nàn kêu khó tiếp cận vốn còn ngân hàng than khó mở rộng tín dụng?
Chiều ngày 5/10, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Ngân hàng Nhà nước tổ chức Hội thảo “Giải pháp tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa” năm 2017.
Theo số liệu của NHNN, tính đến ngày 31/8/2017, dư nợ tín dụng đối với DNNVV đạt 1.292.182 tỷ đồng, tăng 7,49% so với cuối năm 2016 và cao hơn mức tăng của cùng kỳ năm 2016. Tỷ trọng cho vay nhóm DNNVV chiếm 21,14% tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế.
Trong khi đó, lượng DNNVV chiếm tỷ trọng khoảng 97% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam và đóng góp khoảng 45% vào GDP, 31% vào tổng số thu ngân sách.
Một vấn đề không phải mới nhưng không bao giờ cũ mà Hội thảo tập trung chính là mối quan hệ tín dụng giữa ngân hàng và DNVVN. Thực tế hiện nay phía doanh nghiệp phàn nàn kêu khó tiếp cận nguồn vốn, trong khi ngân hàng thương mại kêu khó mở rộng tín dụng cho DNNVV.
Vì sao chưa thể gặp được nhau?
Chỉ ra các thực trạng và nguyên nhân của những khó khăn trong việc tiếp cận vốn ngân hàng của DNNVV, Ts Cấn Văn Lực cho rằng giảm lãi suất không phải là cách “gãi đúng chỗ ngứa”.
Các kênh tiếp cận vốn của DNNVV thực tế không chỉ có nguồn vốn tín dụng ngân hàng. Cụ thể, bên cạnh nguồn vốn tín dụng, bảo lãnh, chiết khấu, thuê tài chính, DNVVN còn có thể tiếp cận vốn từ ngân sách Nhà nước thông qua trợ cấp, bảo lãnh, bảo hiểm, ưu đãi, giảm thuế…; nguồn vốn nước ngoài; huy động từ thị trường vốn (chứng khoán, trái phiếu); đối tác (trả chậm, tín dụng thương mại…) và bản thân vốn tự có, vốn góp.
Thống kê từ WorldBank năm 2015 cho thấy có khoảng 50% các DNVVN không thể tiếp cận nguồn vốn chính thức trên. Tại Việt Nam, tỷ trọng dư nợ cho vay DNVVN trên tổng dư nợ đạt gần 22% cao hơn khá nhiều nước nhưng vẫn khiêm tốn hơn Trung Quốc, Hàn Quốc hay Thái Lan. Lãi suất cho vay ở mức trung bình, cao hơn khá nhiều nước trong khu vực. Tuy nhiên, theo Ts. Cấn Văn Lực, khi so sánh với quốc tế, cần tính cả chi phí lạm phát, lãi suất thực Việt Nam vẫn thấp hơn Thái Lan, Singapore, Indonesia,…
Thực tế, nguyên nhân khiến cho hai bên không thể “tìm” thấy nhau đến từ cả phía doanh nghiệp lẫn ngân hàng cũng như môi trường chung.
Cụ thể, tín dụng DNNVV còn chưa cao một phần do chịu ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thời gian qua. Cùng đó, nguồn lực ngân sách Nhà nước rất hạn chế; một số chương trình, gói hỗ trợ chưa phát huy. Việc thiếu thông tin/tổ chức cung cấp thông tin về DNNVV; và qui định minh bạch hóa thông tin đối với DNNVV cũng là nguyên nhân khiến các ngân hàng phải dè chừng. Thứ tư, bảo lãnh DNNVV vay vốn chưa được đẩy mạnh. Nợ xấu cũng cần có thời gian để xử lý triệt để và nhanh hơn, đặc biệt là sau Nghị quyết 42 của Quốc hội.
Từ phía các doanh nghiệp, bản thân họ cũng thiếu các dịch vụ hỗ trợ DN: đào tạo, tư vấn, thông tin…. Quỹ hỗ trợ DNNVV đã đi vào hoạt động nhưng chưa làm được nhiều. Hay các kênh huy động vốn khác như thị trường vốn (cổ phiếu, trái phiếu, quỹ đầu tư, tài chính vi mô) còn nhỏ bé, chưa phát triển. Cùng đó, môi trường kinh doanh có cải thiện, nhưng còn phức tạp, chi phí không chính thức còn cao.
Bên cạnh các nguyên nhân kể trên, ông Lực cho rằng còn có nguyên nhân đến từ các tổ chức tín dụng (TCTD). Theo đó, một số TCTD chưa thực sự “mặn mà” đối với khách hàng DNNVV, một phần do quy mô và hiệu quả tín dụng không cao, trong khi rủi ro và chi phí hoạt động cao. Các TCTD chưa có các sản phẩm - dịch vụ chuyên biệt cho nhóm khách hàng DNNVV, các sản phẩm chưa đa dạng, linh hoạt. Đặc biệt, thủ tục tín dụng còn rườm rà, phức tạp cũng là một trong những “rào cản” khiến TCTD chưa thể giải ngân.
Ngoài ra, ông Lực cũng cho rằng có một nguyên nhân nữa đến từ chính các DNNVV, đó là DNNVV có trình độ quản lý yếu kém, công nghệ lạc hậu; trình độ lao động thấp; thông tin kém minh bạch, khả năng đáp ứng đủ điều kiện hồ sơ vay vốn ngân hàng còn hạn chế. Nhiều DNNVV thiếu chiến lược kinh doanh, phương án kinh doanh chưa khả thi; sản phẩm thiếu tính cạnh tranh, chưa tạo vị thế, thương hiệu trên thị trường; chủ yếu thanh toán tiền mặt nên ngân hàng khó kiểm soát dòng tiền. Đặc biệt, DNNNV thường thiếu tài sản đảm bảo, chưa có thói quen mua bảo hiểm rủi ro, thiếu hiểu biết về cơ chế, chính sách, sản phẩm – dịch vụ và các gói của các định chế tài chính, các chương trình bảo lãnh, hỗ trợ của Chính phủ/hiệp hội…
Về phía các TCTD, ông Lực cho rằng các TCTD gặp nhiều khó khăn thách thức khi cho DNNVV vay vốn bởi DN thiếu tài sản đảm bảo, thông tin kém minh bạch, khả năng đáp ứng đủ điều kiện hồ sơ vay vốn còn hạn chế (thiếu phương án kinh doanh khả thi...), khó cho vay dựa trên dòng tiền. Bên cạnh đó, DN thường ngại hoàn thiện thủ tục vay vốn (do thói quen, do thiếu thông tin, thiếu cán bộ hiểu biết về tài chính, về thủ tục vay vốn...).