MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giao dịch gian lận, lừa đảo qua dịch vụ thẻ, tài khoản... diễn ra hàng ngày, hàng giờ, 3 tháng qua tăng rất nhanh, với số tiền rất lớn

05-12-2023 - 08:16 AM | Tài chính - ngân hàng

Nếu như trước đây đối tượng lừa đảo thường dùng tiền lừa đảo được mua những hàng hóa như kim cương, vàng, đồng hồ đắt tiền thì hiện nay, đối tượng lừa đảo thường dùng nguồn tiền lừa đảo được để mua thẻ cào nạp tiền bán cho người khác hoặc mua tiền ảo, tiến số ở nước ngoài khiến ngân hàng không thể truy vết.

Ngày 4/12, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) đã có buổi làm việc với đại diện các tổ chức tín dụng (TCTD) về cơ chế phối hợp trong xử lý giao dịch lừa đảo, gian lận.

Giao dịch gian lận, lừa đảo qua dịch vụ thẻ, tài khoản... diễn ra hàng ngày, hàng giờ, 3 tháng qua tăng rất nhanh, với số tiền rất lớn - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VNBA cho biết, tình trạng gian lận, lừa đảo, nhầm lẫn trong hoạt động thanh toán đang ngày càng gia tăng, diễn ra trên diện rộng và phức tạp. “Số lượng giao dịch và người dân bị lừa đảo cần hỗ trợ giữa các ngân hàng ngày càng tăng. Do vậy, buổi làm việc nhằm tìm ra quy trình thống nhất giữa TCTD giúp giảm thiểu tình trạng này, hạn chế tối đa rủi ro cho khách hàng”, ông Nguyễn Quốc Hùng nhấn mạnh đồng thời khẳng định: "Đổi mới công nghệ phải đi đôi với củng cố niềm tin của khách hàng".

Đồng tình với việc cần xây dựng quy chế phối hợp để xử lý gian lận, lừa đảo hiện nay, ông Nguyễn Ngọc Quý, Trưởng Tiểu ban Quản lý rủi ro Chi hội Thẻ, thuộc Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, hiện giao dịch gian lận, lừa đảo (qua dịch vụ thẻ, tài khoản...) diễn ra hàng ngày, hàng giờ, đặc biệt trong 3 tháng vừa qua gia tăng rất nhanh, với số tiền rất lớn. Theo thống kê, các hình thức lừa đảo, gian lận qua trung gian thanh toán phần lớn là thanh toán trực tuyến qua các ví điện tử….

Để ngăn ngừa gian lận, lừa đảo, Trưởng Tiểu ban Quản lý rủi ro Chi hội Thẻ cho biết, thời gian qua, Tiểu ban đã tổ chức họp giữa Thường trực Tiểu ban - Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) - đơn vị trung gian giữa các ngân hàng - ngân hàng, nêu ra các tình huống, phối kết hợp đồng bộ giữa các ngân hàng để cùng tìm ra giải pháp chung, bảo vệ kịp thời quyền lợi của khách hàng.

Ông Nguyễn Ngọc Quý đề nghị NAPAS xây dựng ngưỡng và hệ thống cảnh báo ngăn chặn hoặc giảm thiểu rủi ro; có các tiêu chuẩn về mặt kỹ thuật để nhận diện các tài khoản có tỷ lệ gian lận lừa đảo cao; bổ sung quy định phạt không tuân thủ các tiêu chuẩn kỹ thuật trong việc cung cấp các thông tin gồm IP, tên sub merchant, loại hình giao dịch... để công tác phòng ngừa, ngăn chặn nhanh và tốt hơn.

Trước đề nghị trên, ông Nguyễn Hoàng Long - Phó Tổng Giám đốc NAPAS cho rằng: Việc đồng thuận cần có cơ chế phối hợp trong xử lý giao dịch lừa đảo, gian lận là cần thiết, nhưng để việc phối hợp có hiệu quả cao cần cái nhìn tổng thể để phân tích 3 yếu tố gồm: Đầu nguồn là ngân hàng phát hành - dòng tiền đi qua ngân hàng - đích đến là những ngân hàng nhận.

Ông Nguyễn Hoàng Long đưa ra hình ảnh ví von: "Nếu nhìn luồng tiền giao dịch lừa đảo qua mạng như dòng suối chảy từ đỉnh núi xuống, nguồn là từ ngân hàng phát hành; dòng tiền từ trên núi xuống và đi qua nhiều chỗ là những ngân hàng trung gian từ ngân hàng này sang ngân hàng kia; chân núi là đầu ngân hàng nhận".

Từ cách nhìn này sẽ phải xây dựng quy trình và có biện pháp ngăn chặn phù hợp từ đầu nguồn tới xây đập ngăn chặn trên đường đi và phản ứng nhanh để có quy trình ngân hàng thông tin cho nhau và cuối cùng chặn những điểm nóng là đầu ngân hàng có nhiều giao dịch lừa đảo.

Ông Nguyễn Hoàng Long cũng chỉ rõ, nếu như trước đây đối tượng lừa đảo thường dùng tiền lừa đảo được mua những hàng hóa như kim cương, vàng, đồng hồ đắt tiền thì hiện nay, đối tượng lừa đảo thường dùng nguồn tiền lừa đảo được để mua thẻ cào nạp tiền bán cho người khác hoặc mua tiền ảo, tiến số ở nước ngoài khiến ngân hàng không thể truy vết.

"Với các ngân hàng giao dịch qua NAPAS, NAPAS sẽ xây dựng quy chế, quy trình xử lý; còn đối với những giao dịch không qua NAPAS thì cần có đơn vị chịu trách nhiệm”, ông Nguyễn Hoàng Long cho biết.

Thanh Bình (tổng hợp)

An ninh Tiền tệ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên