Giết chết 23 người, "quái vật Irma" có thể thổi bay 200 tỷ USD, đe dọa bãi chất thải hạt nhân thời Chiến tranh Lạnh của Mỹ
Làm chết 23 người khi quét qua các đảo ở Caribbean với cấp độ 5, siêu bão Irma tiếp tục hướng thẳng về Florida với sức tàn phá khủng khiếp, đe dọa các cơ sở hạt nhân của Mỹ.
- 08-09-2017Mỹ dừng hoạt động các nhà máy hạt nhân, dùng siêu du thuyền sơ tán người vì siêu bão Irma
- 08-09-2017Sức tàn phá kinh hoàng của “quái vật Irma” qua những tấm ảnh trước/sau
- 08-09-2017Cày nát Caribbean, giết chết 14 người, siêu bão Irma đe dọa nước Mỹ
- 07-09-2017Video giả mạo về siêu bão Irma hút hàng chục triệu lượt xem trên Facebook
- 07-09-2017Sân bay quốc tế nổi tiếng thế giới tan hoang không nhận ra sau siêu bão Irma
Irma là cơn bão khủng khiếp nhất được hình thành trên Đại Tây Dương từng được ghi nhận. Tới 17 giờ chiều ngày 8/9, số nạn nhân của Irma đã tăng lên 23 người và chưa có dấu hiệu dừng lại. Theo dự kiến, bão sẽ đổ bộ vào Florida, Mỹ vào sáng ngày 10/9 theo giờ địa phương với sức tàn phá đạt cấp 4, thậm chí là cấp 5, những cấp cao nhất trong thang báo bão 5 cấp độ của Mỹ.
Với sức gió 250 km/h, siêu bão Irma sẽ bao trùm gần như toàn bộ bang Florida của Mỹ. Tại những quần đảo Irma quét qua, cơn bão thế kỷ đã đẩy hàng nghìn người vào tình trạng vô gia cư. Cá biệt, có những nơi Irma tàn phá tới 95% diện tích. Các chuyên gia dự đoán, Irma có thể gây tổng thiệt hại lên tới 200 tỷ USD.
Todd Crawford, chuyên gia khí tượng học, nhấn mạnh: “Phần lớn Florida, đặc biệt là nửa phía nam, sẽ có một ngày chủ nhật thực sự dài và khủng khiếp”.
Lo ngại siêu bão, nhà chức trách Florida đã cho sơ tán 650.000 người ở khu vực Miami-Dade trong đợt sơ tán được mô tả là chưa từng có trong lịch sử ở hạt này. Khu nghỉ dưỡng sang trọng Mar-a-Lago của Tổng thống Donald Trump cũng buộc phải sơ tán vì nó nằm ngay sát biển. Trước đó, Tổng thống Trump cũng đã kêu gọi người dân “chuẩn bị cho tình huống xấu nhất”.
Siêu bão Irma còn được coi là cơn ác mộng với ngành công nghiệp bảo hiểm của Mỹ. Sức gió khủng khiếp sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng với các mái nhà, hệ thống lưới điện, hạ tầng mạng…. Nỗ lực khắc phục hậu quả do bão sẽ kéo dài và ngốn những khoản chi phí khổng lồ. Chỉ riêng tại Florida, thiệt hại do bão gây ra cũng dễ dàng vượt ngưỡng 135 tỷ USD. Kết hợp với những tác động khác về kinh tế, tổng thiệt hại có thể chạm tới 200 tỷ USD.
Ngoài thiệt hại về kinh tế, người Mỹ còn lo lắng về nguy cơ rò rỉ phóng xạ khi siêu bão Irma quét qua những khu vực đặt hai nhà máy điện hạt nhân cùng một bãi chứa chất thải phóng xạ từ thời Chiến tranh Lạnh. Nhà chức trách lo ngại, mưa lớn có thể gây ảnh hưởng tới kho chứa Savannah River, nơi có hàng chục triệu gallons chất thải hạt nhân lỏng, được đựng trong các bể chứa bán chìm.
Lượng chất thải khổng lồ ở Savannah River là sản phẩm của quá trình sản xuất vũ khí hạt nhân của quân đội Mỹ, vốn được đẩy mạnh tới cực điểm trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Ngoài ra, một phần trong số đó là sản phẩm của quá trình điều chế plutonium-238 phục vụ các nhiệm vụ chinh phục không gian của NASA.