Giữa chiến tranh thương mại, các quỹ đầu tư vẫn đặt cược vào nhu cầu tiêu dùng của Trung Quốc
Trung Quốc có thể là lựa chọn "kỳ quặc" để làm nơi trú ẩn an toàn cho các nhà đầu tư, giữa bối cảnh chiến tranh thương mại giữa quốc gia này và Mỹ diễn biến phức tạp.
Thế nhưng các nhà quản lý quỹ tại châu Á lại đang đổ tiền vào các cổ phiếu Trung Quốc, khi kỳ vọng về tiềm năng trong dài hạn của tầng lớp trung lưu đang bùng nổ manh mẽ tại quốc gia đông dân nhất thế giới lấn át những lo ngại về thuế quan.
Đây là động lực khiến Bắc Kinh tự tin hơn trong những chính sách “cứng rắn” nhằm đối phó với những diễn biễn tiêu cực trong mối quan hệ Trung- Mỹ, vốn đã tác động lên nền kinh tế, khiến thị trường tài chính thế giới “chao đảo” và làm dấy lên những lo ngại về một cuộc suy thoái kinh tế trên quy mô toàn cầu.
Sự lo lắng đã buộc các nhà đầu tư phải tính đến các biện pháp an toàn như chuyển sang nắm giữ yên Nhật Bản, vàng hoặc trái phiếu chính phủ Mỹ.
Ảnh: Reuters.
Đối với Trung Quốc, việc Mỹ gia tăng hàng rào thuế quan đem lại cho quốc gia này một lợi thế bởi họ đã triển khai hàng loạt chính sách hỗ trợ nhằm cải thiện tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế, chuyển đổi từ mô hình phát triển dựa nhiều vào đầu tư sang mô hình tăng trưởng dẫn dắt bởi sức mua nội địa và ngành dịch vụ. Tầng lớp trung lưu lên đến 400 triệu người của quốc gia này đang không ngừng tăng lên, được coi là “sức hút” lớn đối với các nhà đầu tư.
“Nắm trong tay cổ phiếu của các công ty hoạt động chủ yếu tại thị trường nội địa của Trung Quốc có thể coi là một thành công trong năm 2019, bất chấp những lùm xùm xung quanh cuộc chiến thương mại, sự yếu kém của nền kinh tế vĩ mô cũng như nhân dân tệ có thể vượt mốc 7 nhân dân tệ đổi 1 USD”, theo Sat Duhra, nhà quản lý danh mục đầu tư chứng khoán châu Á, không gồm Nhật Bản, cho Janus Henderson.
“Những cái tên trong lĩnh vực đồ thể thao và nước giải khát đã có nhiều thành công trong năm qua và chiến tranh thương mại dường như không hề ảnh hưởng đến đến hoạt động của họ. Sức mạnh thương hiệu cũng như lợi nhuận cao là điểm mấu chốt thu hút các nhà đầu tư, những người đang tìm kiếm những cơ hội ít mang tính chu kỳ cũng như ít bị ảnh hưởng bởi tình hình thương mại toàn cầu”, Duhra cho biết.
Sức mua của thị trường nội địa đóng góp hơn 75% vào tốc độ tăng trưởng hàng năm của Trung Quốc.
Trong một nỗ lực nhằm hỗ trợ nền kinh tế trị giá 14.000 tỷ USD, Trung Quốc đã “bơm” tiền vào các ngân hàng, đầu tư vào cơ sở hạ tầng và cắt giảm các khoản thuế trị giá hàng nghìn tỷ nhân dân tệ, với mục đích trợ giúp người tiêu dùng cũng như giới doanh nghiệp. Họ thậm chí còn có thể làm nhiều hơn thế.
Chính quyền các địa phương cũng không đứng ngoài cuộc. Tỉnh Quảng Đông tháng trước đã công bố 29 biện pháp nhằm thúc đẩy tiêu dùng, trong đó bao gồm việc nới lỏng những quy định ban hành trước đó về việc mua sắm xe hơi.
An toàn, không mấy nổi bật và đầy tính phòng vệ
Cổ phiếu ngành tiêu dùng gần như không bị ảnh hưởng cho dù căng thẳng leo thang giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã thổi bay 11% vốn hóa thị trường của sàn chứng khoán Thượng Hải kể từ giữa tháng 4. Tuy nhiên, vốn hóa thị trường vẫn tăng 17% so với cùng kỳ năm trước.
Chỉ số chứng khoán ngành tiêu dùng đã tăng 50% trong năm nay trong khi chỉ số ngành công nghệ thông tin cũng có mức tăng trên 24%, góp phần cho sự tăng trưởng của chỉ số CSI300 Index.
CSI300 đã tăng 22% trong cùng giai đoạn trên, vượt lên trên so với tốc độ tăng trưởng 6% của chỉ số MSCI châu Á, không bao gồm Nhật Bản, và 15% của chỉ số S&P 500.
Giá cổ phiếu của Yihai International, một công ty chuyên sản xuất gia vị lẩu, đã tăng hơn 100% trong năm nay sau khi tăng trưởng thần tốc 155% trong năm 2018. Giá cổ phiếu của Tsingtao Brewery trên sàn chứng khoán Thượng Hải đã tăng trên 30%, và cổ phiếu của Foshan Haitan Flavouring & Food Co tăng 51%.
“Chúng tôi không cho rằng chiến tranh thương mại có nhiều ảnh hưởng đến sức mua của thị trường Trung Quốc”, theo Robert Mann, nhà quản lý danh mục đầu tư cho Nikko Asset Management tại Singapore. Ông đánh giá rất cao cơ hội đến từ phân khúc dịch vụ tại thị trường Trung Quốc.
“Trung Quốc đang làm tất cả để có thể củng cố sức mua của thị trường. Đó chính là nơi chúng ta có thể ẩn náu”.
Ảnh: SCMP.
Khiem Do, trưởng bộ phận đầu tư tại Trung Quốc đại lục của ngân hàng Barings, cũng kỳ vọng về “những cổ phiếu an toàn, không nổi bật, mang đầy tính phòng vệ nhưng lại cho lợi nhuận cao” có thể tiếp tục có sự phát triển tốt tại Trung Quốc.
Pimco, đang quản lý khối tài sản lên đến 1.760 tỷ USD tính đến tháng 3, đánh cược vào trái phiếu chính phủ Mỹ và Australia nhằm bù đắp cho những tổn thất nếu như kinh tế thế giới rơi vào suy thoái. Tuy nhiên, quỹ này cũng đang nhìn thấy những tiềm năng trong trái phiếu chính phủ của Trung Quốc, theo lời của nhà quản lý danh mục đầu tư khu vực châu Á-Thái Bình Dương- Robert Mead.
'Bột chữa cháy'
Không có nhà quản lý quỹ nào cho rằng khủng hoảng sẽ xảy ra, dù phần lớn trong số họ đều thấy được những rủi ro về sự đảo chiều của nền kinh tế cũng như việc Fed có thể nới lỏng chính sách, hành động có thể ảnh hưởng tiêu cực đến USD nhưng lại lợi cho các thị trường châu Á.
Các nhà quản lý quỹ cũng lo nếu như đà giảm tốc của nền kinh tế Trung Quốc diễn biến tệ hơn so với dự kiến cũng như thương mại toàn cầu bị gián đoạn có thể mang đến những rủi ro kinh tế cho toàn khu vực. Đó là lý do vì sao nhiều nhà quản lý quỹ có xu hướng đổ tiền vào các thị trường như Indonesia và Ấn Độ- những quốc gia miễn nhiễm với sự thất thường của tình hình thương mại thế giới.
Đối với Dwyfor Evans - trưởng bộ phận chiến lược kinh tế vĩ mô khu vực châu Á- Thái Bình Dương tại State Street Global Markets, Nam Á là một nơi trú ẩn khá lý tưởng khi tình tình kinh tế toàn cầu không mấy sáng sủa.
“Vấn đề của các quốc gia Bắc Á là họ khá nhạy cảm với các vấn đề toàn cầu. Nhưng đó lại không phải là vấn đề với Ấn Độ hoặc Indonesia vì đây là những nền kinh tế tăng trưởng phụ thuộc nhiều vào lực cầu nội địa”, Evans cho biết.
Cả hai quốc gia kể trên đều vừa tổng tuyển cử nhằm chọn ra một nhà lãnh đạo điều hành nền kinh tế trong thời gian tới, tạo thuận lợi cho những cuộc cải cách kinh tế trong dài hạn. Ấn Độ thậm chí có thể được hưởng lợi trong trường hợp giá dầu xuống thấp do suy thoái kinh tế toàn cầu.
Tuy nhiên, đối với một số thị trường khác, thận trọng là một cách tiếp cận lý tưởng.
“Hãy luôn mang bên mình 'bột chữa cháy' và tỉnh táo đối với những cơ hội có thể coi là chiến lược tốt nhất vào thời điểm này”, theo Mark Schofield, giám đốc chiến lược toàn cầu của Citi Group.
Theo Reuters
Người đồng hành