MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

GS-TS. Nguyễn Quang Thái: “Nỗi lo chưa giàu đã già không phải là nguy cơ"

Nguy cơ nền kinh tế ngày càng tụt hậu xa hơn và đang trở nên "lạc điệu" sẽ là thách thức lớn, đặt ra cho kinh tế Việt Nam trên con đường vươn tới khát vọng trở thành con hổ châu Á.

Trao đổi với chúng tôi, GS. TS – Nguyễn Quang Thái, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Kinh tế Việt Nam cho rằng sẽ còn rất nhiều khó khăn để kinh tế Việt Nam có thể vươn lên trở thành con hổ châu Á như nhận định của nhiều tờ báo kinh tế uy tín thế giới.

Một số báo kinh tế uy tín của thế giới nhận định Việt Nam có tiềm năng để trở thành con hổ của châu Á. Điều đó có thể thành hiện thực?

Quá trình phấn đấu của Việt Nam còn dài dài, chưa thể có chuyện hổ báo đâu, cũng không vội vàng như vậy, bởi còn bao nhiêu chuyện khó khăn kinh tế, tụt hậu… Hổ thì đó là lời khen bốc quá, chứ mình phải khiêm tốn, nhìn mặt trái, khiếm khuyết của mình. Không đơn giản để biến thành hổ với một lời khen.

Rõ ràng, kinh tế VIệt Nam đang có cơ hội mới nhưng cũng có nhiều thách thức to lớn. Đó là thách thức và khó khăn tác động từ cả trong và ngoài nước mà mình chưa giải quyết được tốt.

Nghị quyết về cơ cấu lại nền kinh tế, xây dựng mô hình tăng trưởng được đề ra ở Đại hội Đảng XII và XIII nhưng chưa có hành động đầy đủ. Do đó, mình phải bình tĩnh để có kế hoạch hành động căn cơ, phù hợp với từng bước, vượt qua thách thức, tận dụng cơ hội vươn lên.

Có rất nhiều chuyên gia kinh tế đã phân tích và chỉ ra 2 nguy cơ của Việt Nam là chưa giàu đã già và tụt hậu xa hơn về kinh tế. Ông có đồng tình như vậy?

Tôi không lo dân chưa giàu đã già, đó không phải là nguy cơ vì đất nước nào cũng chỉ có khoảng 25 – 30 năm dân số vàng thôi, đó là quy luật rồi. Cần tranh thủ thời cơ để phát triển, chứ không phải hết dân số vàng rồi thì không còn cơ hội.

Vấn đề là đào tạo nguồn nhân lực, làm sao có năng suất lao động cao nhất, đó mới là quan trọng để bố trí việc làm. Tỷ trọng đóng góp GDP của nông nghiệp không thay đổi bao nhiêu, vì không chuyển được lao động từ năng suất thấp sang vùng năng suất cao, không đào tạo tay nghề.

Chỉ 20% lao động có bằng cấp thực sự thì làm sao mà công nghiệp hóa được? Bản chất là chất lượng lao động, trình độ tay nghề còn hạn chế, nên phải chất lượng nguồn lao động, đào tạo nguồn lao động thích ứng điều kiện mới.

Còn nguy cơ thứ hai là cực kỳ lo ngại. Kinh tế tụt hậu vì mô hình, cách thức tăng trưởng của mình là học theo, thấy hay thì làm theo chứ không đi vào bản chất, không có chính sách phát triển căn cơ. Mặc dù đạt được những thành tích quan trọng nhưng sự tụt hậu, mà tôi nói là “lạc điệu” là thấy rõ.

Ai lại công nghiệp hóa mà dựa vào yếu tố bên ngoài, nền kinh tế thừa thép nhưng vẫn cho nhà máy thép vào. Hay phát triển gì khi toàn những công nghệ thấp? Bao nhiêu công nghệ cao không đưa vào, đưa thép vào nhưng có chuyển giao công nghệ được đâu.

Vậy theo ông đâu là nguyên nhân khiến cho nền kinh tế đang trở nên “lạc điệu” như ông nói và đứng trước nguy cơ tụt hậu xa hơn?

Có rất nhiều yếu tố, mà chủ yếu là do cách thức tăng trưởng với hiệu quả năng suất cao chưa đi vào căn cơ. Chúng ta cũng nói nhiều nhưng mà hành động các cấp, các ngành đều khác. Nhiều cải cách đưa ra, như ba đột phá chiến lược chưa làm được bao nhiêu. Chủ trương của Đảng rất đúng nhưng từ Nghị quyết đến hành động là còn quá xa.

Vấn đề khắc phục tụt hậu không phải kêu than mà là hành động, tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng để thích ứng với giai đoạn mới, với cuộc cách mạng công nghệ. Phải phát động toàn dân, hành động căn cơ quyết liệt, cả bộ máy cùng hành động, tăng cường vai trò người đứng đầu và giám sát của người dân.

Bộ máy Chính phủ với các thành viên mới vừa được kiện toàn và người đứng đầu là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đưa ra những thông điệp hành động mới. Ông có kỳ vọng đây sẽ là nền tảng, động lực giúp Việt Nam có thể khát vọng để trở thành con hổ châu Á?

Hy vọng lời cam kết của Chính phủ và Thủ tướng trước Quốc hội sẽ thực hiện tốt đẹp, tôi ủng hộ hành động của Thủ tướng mới. Đặc biệt là ba định hướng tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, tái cơ cấu thu chi ngân sách; hỗ trợ tối đa phát triển của doanh nghiệp để tạo việc làm và thu nhập, làm cơ sở cho ổn định vĩ mô.

Tôi cũng cho rằng cần tuyên truyền đầy đủ kịp thời, minh bạch tới người dân, bên cạnh sự tăng cường giám sát với cơ quan nhà nước. Doanh nghiệp, Nhà nước và nhân dân phải có vai trò gắn kết với nhau để từ đó có cải cách, đổi mới, giúp người dân tham gia giám sát Nhà nước với doanh nghiệp.

Song mấy năm nữa tình hình mới có chuyển biến cơ bản, chứ trước mắt chưa thể thay đổi được. Nhưng tình hình chung rất khó khăn, kỳ vọng Thủ tướng dẫn dắt đất nước phát triển. Song tôi lưu ý là không nên định hướng phát triển nhanh và bền vững. Không thể phát triển nhanh được, mà nên là phát triển tối đa, phát huy nội lực, tận dụng thời cơ để phát triển, đạt được mục tiêu cao nhất cho giai đoạn 2016 – 2020.

An Ngọc (thực hiện)

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên