CIEM: Brexit và phán quyết đường lưỡi bò là những ẩn số với kinh tế Việt Nam 6 tháng cuối năm
Thay vì khai thác dầu thô, cần tập trung vào những lợi thế, dư địa cho tăng trưởng đang khá tốt và thận trọng theo dõi diễn biến thị trường tài chính thế giới sau sự kiện Brexit cũng như phán quyết của PAC về đường lưỡi bò.
- 14-07-2016Bức tranh của kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm
- 11-07-2016Ổn định tỷ giá để hạ lãi suất
- 07-07-2016"Không nên quá bức xúc về tăng trưởng, 6% là được, 6,3-6,5% là rất tốt"
- 06-07-2016Thêm một chỉ đạo dứt khoát của Thủ tướng để cứu tăng trưởng
- 04-07-2016Brexit có ảnh hưởng lớn đến chính sách tỷ giá của Trung Quốc
- 01-07-2016VAMC sẽ mua 2.000 tỷ đồng nợ xấu theo giá thị trường
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Tú Anh, Trưởng ban Nghiên cứu Kinh tế Vĩ mô, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế trung ương (CIEM) cho rằng bức tranh tăng trưởng thấp nửa đầu năm 2016 mặc dù tác động đến mục tiêu cả năm, nhưng bức tranh chung của nền kinh tế không quá u ám khi đang có nhiều dư địa tốt có thể khai thác để thúc đẩy tăng trưởng.
ông Nguyễn Tú Anh, Trưởng ban Nghiên cứu Kinh tế Vĩ mô, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế trung ương (CIEM)
Thưa ông, nhiều chuyên gia cho rằng mục tiêu tăng trưởng trong năm nay khó đạt được khi 6 tháng đầu năm GDP chỉ đạt mức 5,52%. Quan điểm của ông về vấn đề này?
Tôi cũng đồng ý là tăng trưởng năm nay khó đạt được mục tiêu đề ra là 6,7%. Vì tăng trưởng đầu năm chưa đạt như kỳ vọng, nhưng tôi cho rằng cả năm không đến nỗi quá tệ. Nhìn vào chỉ số về đầu tư cho thấy vốn đầu tư nước ngoài đã tăng trên 13% và đầu tư khu vực tư nhân cũng tăng 14,3%, tức là tăng so với cùng kỳ năm trước.
Công nghiệp dù tăng trưởng âm nhưng công nghiệp chế tạo vẫn tăng tương đương cùng kỳ năm trước. Dịch vụ cũng tăng hơn. Chỉ khu nông nghiệp âm, do nhu cầu thị trường thế giới giảm nên giá giảm nhiều quá, cộng thêm yếu tố thời tiết, môi trường và khí hậu.
Tuy nhiên, tỷ trọng sản xuất nông nghiệp nhỏ, dù có ảnh hưởng nhưng không phải ảnh hưởng lớn. Động cơ chính tăng trưởng nó đang chạy khá tốt, đặc biệt khu vực tư nhân và khu vực nước ngoài.
Ông cho rằng có nhiều dư địa, yếu tố tốt cho tăng trưởng nhưng bên cạnh những yếu tố này Chính phủ đưa ra một vấn đề đó là đẩy mạnh khai thác thêm dầu thô. Ông có nghĩ đây là phương án phù hợp?
Phương án khai thác thêm dầu không phải là vấn đề, nền tảng của quá trình tăng trưởng. Vì yếu tố này chỉ tác động vào ngân sách và khu vực nhà nước nhiều hơn, chứ không tạo được chuỗi sản xuất liên tục của nền kinh tế.
Việc tăng khai thác dầu có thể đạt được con số tăng trưởng đẹp nhưng lại không tạo ra một ý nghĩa quan trọng cho nền kinh tế, là thúc đẩy ngành khác phát triển. Có thể do sức ép nền kinh tế, chi tiêu nhà nước nên nguồn thu của dầu mang lại rất là thích. Nhưng phần chi tiêu đó không phải là yếu tố quan trọng để đảm bảo tăng trưởng bền vững, mà nên khai thác dư địa của nền kinh tế, làm sao thúc đẩy khối lượng doanh nghiệp tăng lên.
Vậy theo ông những dư địa cần tập trung để khai thác nhằm thúc đẩy tăng trưởng là gì?
6 tháng đầu năm tăng trưởng khu vực doanh nghiệp là yếu tố rất là quan trọng. Mặc dù khu vực doanh nghiệp giải thể tăng nhanh, mạnh hơn, nhưng số lượng doanh nghiệp thành lập mới cũng tăng một cách kỷ lục với hơn 54.000 doanh nghiệp.
Như vậy, nếu tính cả doanh nghiệp tạm dừng hoạt động và quay lại là hơn 14.000, thì có khoảng 32.000 doanh nghiệp thành lập mới, hiện hữu đang hoạt động, đó là con số kỷ lục cho thấy thị trường đang hiện rất là tốt. Khi doanh nghiệp thành lập mới, tạo ra việc làm nhiều hơn và người dân có thu nhập tăng lên thì đó là điều cần thúc đẩy hơn, thay vì tập trung vào cung.
Ngoài ra, hiện Chính phủ đang làm, là triển khai Nghị quyết 19 và Nghị quyết 35 để hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, tạo ra xu thế khuyến khích khởi nghiệp, tạo việc làm. Đó là xu hướng đúng, tạo ra cầu về sản xuất cho các ngành sản xuất của Việt Nam. Vấn đề này không thể thức thời để tạo ra tăng trưởng ngay, nhưng ta đi từng bước chậm và chắc để tạo ra nền tảng thì cần thiết hơn.
Thứ hai, một trong những vấn đề của Việt Nam là những ngành của mình rất kém đa dạng, chỉ tập trung trong 5 – 6 ngành thôi, có nhiều ngành gần như không có và phụ thuộc hoàn toàn vào nhập khẩu nước ngoài. Do đó, cùng với việc phát triển khu vực doanh nghiệp thì cần phát triển đa dạng hóa ngành nghề để khai thác tiềm năng trong nước là rất cần thiết.
Thứ ba, cần thúc đẩy cầu trong nước. Một vấn đề căng thẳng lớn nhất với cầu là hiện nay lãi suất cao quá và khiến doanh nghiệp khó tiếp cận vốn. Do lãi suất hiện đang bị treo rất là cao so với lạm phát, nên muốn kích cầu và giảm cầu thì phải hạ lãi suất.
Có thể nói nhiều yếu tố nền tảng trong nước đang khá tốt, nhưng theo ông từ nay đến cuối năm còn yếu tố bất lợi nào đáng chú ý?
Tôi cho rằng cần lưu ý đến yếu tố bên ngoài, đó là sự bất ổn của Brexit khi mà Anh bắt đầu quá trình đàm phán rời khỏi EU thì mới thực sự tác động lên thị trường. Về mặt thương mại và đầu tư sẽ không tác động nhiều lắm, nhưng sẽ tác động kênh tài chính.
Có nghĩa khi dòng vốn đảo chiều trên toàn thế giới, sẽ ảnh hưởng trực tiếp vào Việt Nam. Quan hệ Anh với các đối tác khác sẽ thế nào, vì trước nay Anh quan hệ dưới cái áo của EU, và Việt Nam cũng vậy, chúng ta sẽ phải đàm phán lại.
Ngoài ra, chúng ta cũng chưa lường hết được phản ứng của Trung Quốc sau phán quyết của PAC về đường lưỡi bò. Đây là yếu tố bất định mà mình vẫn chưa lường được hết và cần chờ xem Trung Quốc sẽ phản ứng lại như thế nào.
Nếu Trung Quốc phản ứng hài hòa, đó sẽ là yếu tố tốt cho môi trường Việt Nam nhưng nếu Trung Quốc phản ứng cứng rắn thì sẽ là xấu cho môi trường khu vực.
Nhiều chuyên gia cho rằng chưa nên điều chỉnh tỷ giá thời điểm này và theo dõi sát diễn biến thị trường. Ông nhận định xu hướng của tỷ giá trong thời gian tới như thế nào sau những sự kiện vừa qua?
Tôi đồng ý chưa điều chỉnh tỷ giá và phải rất thận trọng với đồng NDT. Dòng tiền tiếp tục đổ vào Mỹ và Nhật sẽ tăng lên sau sự kiện Brexit, làm cho Mỹ khó nâng lãi suất. Nhưng riêng tác động đó cũng làm đồng USD lên giá, khiến cho Nhật phản ứng bằng cách làm yếu đồng Yên và có khả năng Trung Quốc cũng phải điều chỉnh.
Với tình hình hiện nay, Trung Quốc không thể nào điều chỉnh ở biên độ lớn được, vì điều đó gây sốc cho nền kinh tế và Trung Quốc sẽ không dám rủi ro trong điều chỉnh tỷ giá. Nếu có thể điều chỉnh chỉ ở biên độ 1-2% và nằm trong biên độ cho phép của chúng ta. Như vậy, Ngân hàng Nhà nước có thể điều chỉnh thêm 1%, nếu có biến động thì chỉ điều chỉnh trong 1-2% thôi và trong biên độ cho phép là +/-3%.
Với mức tăng trưởng GDP đang có nhiều thuận lợi như vừa phân tích, ông nhận định thế nào về GDP trong năm nay?
Tăng 6,7% thì khó nhưng mức 6-6,5% thì có thể đạt được. Chúng tôi nghiêng về con số 6,0 – 6,2% là hợp lý hơn vì xu thế này cuối năm tăng nhanh được. Vào mùa xuất khẩu và dự án đầu tư đi vào hoạt động thì đây là động cơ lớn để thúc đẩy tăng trưởng.