Hà Văn Thắm đề nghị nếu coi chi lãi ngoài là thiệt hại thì người bồi thường phải là khách hàng
Hà Văn Thắm cho rằng, nếu khách hàng không đòi hỏi thì các bị cáo sẽ không chi tiền và không vi phạm. Bởi vậy, nếu coi hành vi chi lãi suất ngoài là vi phạm và gây thiệt hại thì khách hàng cần phải bồi hoàn cho đúng pháp luật và đảm bảo tính răn đe.
- 02-05-2018Hà Văn Thắm xin được chuyển từ tội chiếm đoạt tài sản sang cố ý làm trái
- 02-05-2018Triệu tập bổ sung nguyên Phó TGĐ OceanBank Trần Thanh Quang đến phiên tòa phúc thẩm vụ Hà Văn Thắm
- 24-04-2018Phiên tòa sáng 24/4: Công ty VNT và OceanGroup đòi quyền lợi cổ đông trong vụ Hà Văn Thắm
Tại phiên tòa Phúc thẩm xét xử Hà Văn Thắm và các đồng phạm gây thiệt hại nghìn tỷ xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank – OJB) ngày 2/5, bị cáo Hà Văn Thắm là người đầu tiên được tự bào chữa cho mình.
Bị cáo Thắm xin trình bày 3 vấn đề với Hội đồng xét xử.
Đầu tiên là một hành vi của bị cáo nhưng bị quy kết 3 tội danh.
Theo cựu chủ tịch OceanBank, động cơ của bị cáo đã được làm rõ trong cáo trạng rằng mục đích là để hút tiền gửi từ PVN vào Oceanbank do Hà Văn Thắm là cổ đông chi phối và là chủ tịch HĐQT, nên đã chi lãi suất ngoài hợp đồng cho PVN qua Nguyễn Xuân Sơn. Tuy nhiên hành vi và động cơ này lại bị cáo buộc 3 tội.
Một là gây thiệt hại cho OJB khi chi tiền ngoài hợp đồng cho khách hàng đã mâu thuẫn với động cơ vụ lợi nêu trên. Hà Văn Thắm cho rằng bị cáo làm trái Thông tư 02 là làm lợi cho OJB và chỉ gây thiệt hại phi vật chất cho chính sách của Nhà nước.
Hai là, việc cáo buộc bị cáo đồng phạm, giúp sức với Nguyễn Xuân Sơn tham ô, chiếm đoạt tài sản là số tiền mà bị cáo chỉ đồng ý cho Sơn chi 100% cho PVN cũng mâu thuẫn với động cơ vụ lợi ở trên vì nếu Sơn chiếm đoạt thì sẽ làm hại OJB, gián tiếp làm hại cho bị cáo.
Ba là, việc coi tài sản của OJB có ít nhất 20% là của PVN sẽ gây ra rất nhiều mâu thuẫn trong việc hạch toán giữa các doanh nghiệp có liên quan sở hữu cổ phần lẫn nhau.
Vấn đề thứ hai là chưa có sự công bằng giữa các bị cáo, giữa các khách hàng và các cổ đông.
Bản án đã kết luận Nguyễn Xuân Thắng và Lê Thu Thủy có tham gia giúp sức chuyển tiển cho Sơn nhưng không biết Sơn chiếm đoạt và chỉ biết là chi cho PVN nên chỉ kết tội cố ý làm trái. Bị cáo nói rằng đây là quyết định đúng tuy nhiên bị cáo cũng giống hệt như vậy thì lại bị kết án 20 năm và chung thân là không công bằng.
Hà Văn Thắm cũng cho rằng giữa các khách hàng không có sự công bằng. Có một số khách hàng đã hợp tác, sớm nộp trả tiền cho OJB thì bị thu hồi tiền. Các khách hàng còn lại, tòa sơ thẩm chưa cho đi thu đã kết luận khó/ không thu được và bắt bị cáo phải bồi thường là không công bằng giữa các khách hàng và làm cho việc thu hồi là không khả thi vì toàn bộ tài sản của bị cáo cũng không đủ 10% phần phải đền và bị cáo đang phải chịu án tù cao, không biết ai để đòi tiền cho OJB.
Các cổ đông cũng không được công bằng khi Tòa sơ thẩm chỉ tuyên một cổ đông được hưởng đền bù 49 tỷ là PVN trong khi hơn 1.000 cổ đông còn lại trong đó có những cổ đông nắm 20% giống hệt PVN là rất không công bằng.
Vấn đề thứ 3 bị cáo Thắm trình bày là có khoảng 55.000 khách hàng ở OJB và hàng triệu khách hàng ở các ngân hàng khác tham gia vào hành vi cố ý làm trái gồm có các bị cáo và các khách hàng là người nhận các khoản lợi bất chính (nếu tòa coi chi lãi suất ngoài là vi phạm pháp luật và gây thiệt hại). Tuy nhiên, Tòa sơ thẩm không tuyên người hưởng lợi phải bồi hoàn mà là các bị cáo, điều này dẫn tới hiểu lầm là người dân có thể hưởng lợi bất chính mà không bị thu hồi; các bị cáo sẽ trả thay. Trên thực tế, nếu khách hàng không đòi hỏi thì các bị cáo sẽ không chi tiền và không vi phạm. Bởi vậy, nếu coi hành vi chi lãi suất ngoài là vi phạm và gây thiệt hại thì khách hàng cần phải bồi hoàn cho đúng pháp luật và đảm bảo tính răn đe.
Ở tội danh liên quan đến khoản tiền 69 tỷ và 246 tỷ, ngoài Nguyễn Xuân Sơn, bị cáo và các đồng nghiệp khác đã được hồ sơ vụ án làm rõ là chỉ có sai phạm với thông tư cấm thu phí thêm và thông tư cấm chi lãi suất thêm của NHNN. Các hành vi này không bị xử lý tội cố ý làm trái mà bị xử lý tội chiếm đoạt, tham ô tài sản là không cần thiết vì bị cáo sẽ có sẵn động cơ ngăn cản hành vi chiếm đoạt và tham ô tài sản vì nó làm bản thân bị cáo bị thiệt hại nhiều nhất.
Việc coi tài sản của OJB có 20% tài sản của PVN và chỉ cho PVN được bồi hoàn, các cổ đông khác không được sẽ phát sinh những hậu quả không tốt cho xã hội vì phát sinh quá nhiều quyền lợi không chính đáng của các cổ đông OJB nói riêng và các cổ đông ngân hàng nói chung, nên tiền lệ án này sẽ gây hậu quả không tốt cho nền kinh tế.
Cựu chủ tịch OceanBank nói bị cáo kính mong HĐXX giải quyết vấn đề trên bằng việc chấp nhận đơn kháng cáo của bị cáo.
Đầu tiên là phần hình sự, bị cáo đề nghị được chuyển đổi tội danh 2 tội giúp sức tham ô, chiếm đoạt tài sản sang tội cố ý làm trái. Trong trường hợp HĐXX qua phần tranh luận vẫn thấy có đủ căn cứ quy tội giúp sức, đồng phạm tham ô, chiếm đoạt, đề nghị HĐXX xét 6 tình tiết giảm nhẹ ở trên để giảm nhẹ tội và không kết tội chung thân với bị cáo.
Về dân sự, với bản chất phức tạp và nhiều khoản tiền còn chưa rõ ràng của khoản tiền 1.329 tỷ liên quan đến tội cố ý làm trái, Hà Văn Thắm mong HĐXX xem xét tách phần dân sự ra để giải quyết sau.
Trong trường hợp HĐXX không tách toàn bộ phần dân sự thì đề nghị HĐXX: Tách khoản 256 tỷ tạm ứng để hoàn ứng vì chưa chi ra không phải là thiệt hại; Tách 3 khoản tiền chưa làm rõ ở giai đoạn này và đang điều tra là 105 tỷ do chính Vinashin nhận, 146 tỷ do các cá nhân nhận và chưa xác định là chi lãi suất ngoài hợp đồng và 125 tỷ chi cho 3 công ty thuộc Dầu khí đang khởi tố chưa điều tra xong; Đối với khoản tiền đã xác minh rõ tên địa chỉ khách hàng nhận tiền là 297 tỷ cho hơn 300 khách hàng doanh nghiệp và 66 tỷ chi cho khách hàng cá nhân đề nghị HĐXX tuyên đây không phải là thiệt hại. Thắm nói rằng nếu HĐXX vẫn kết luận đây là thiệt hại thì đề nghị tuyên các khách hàng phải bồi hoàn vì hiện tại không thể kết luận là không thu hồi được.