“Ghen tị” với xăng dầu
Với quy định lợi nhuận định mức 300 đồng/lít được tính vào cơ cấu giá xăng, GS.TS Đặng Đình Đào, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và Phát triển (Trường ĐH Kinh tế Quốc dân) cho rằng chưa có ngành nào ngoại trừ xăng dầu được hưởng “ưu ái” phi lý đến thế.
- 20-08-20152 lần giảm giá xăng dầu đã giúp CPI tháng 8 của Tp HCM giảm 0,12% so với tháng trước
- 20-08-2015Xăng dầu giảm giá mạnh, giá thực phẩm rục rịch giảm theo
- 20-08-2015Quỹ bình ổn giá xăng dầu: Không nên níu kéo!
- 19-08-2015Petrolimex công bố quỹ bình ổn giá xăng dầu còn dư 1.530 tỷ đồng
- 19-08-2015Quỹ bình ổn giá xăng dầu: Có cần thiết?
6 lần giảm chưa bằng 4 lần tăng
Từ đầu tháng 7/2015 đến nay, giá xăng RON 92 đã liên tục được điều chỉnh giảm tới 4 lần liên tiếp, theo đó kể từ đầu năm giá xăng đã giảm 6 lần với tổng giảm là 4.390 đồng/lít. Trong đó, mức giảm cao nhất là 1.900 đồng/lít vào ngày 21/1 và mức giảm thấp nhất là 260 đồng/lít vào ngày 20/7.
Tuy nhiên, 6 lần giảm giá trên số tiền giảm không bằng 4 lần tăng giá kể từ đầu năm tổng tăng là 5.040 đồng/lít, với 3 lần giá tăng từ 1.200-1.950 đồng/lít và chỉ 1 lần tăng mức 280 đồng/lít.
Đặc biệt, trong lần điều chỉnh vào ngày 5/5 với mức điều chỉnh tăng 1.950 đồng/lít, tương đương 10-11% so với kỳ trước đó, đại diện Bộ Tài chính từng cho biết, quyết định này được Liên Bộ Công thương – Tài chính đưa ra sau nhiều lần "nhấc lên hạ xuống" và đáng ra giá xăng bán lẻ phải tăng hơn 3.300 đồng/lít.
Đợt điều chỉnh giá xăng dầu này diễn ra vào trong bối cảnh Thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu được điều chỉnh tăng từ 1.000 đồng/lít lên 3.000 đồng/lít vào ngày 1/5 do đó dư luận cho rằng giá bán lẻ tăng vì điều chỉnh thuế môi trường. Song, lãnh đạo Bộ Tài chính khẳng định, giá xăng không ảnh hưởng bởi Thuế bảo vệ môi trường do thuế nhập khẩu đã giảm ở mức tương ứng.
Điểm đáng lưu ý nữa, lần điều chỉnh xăng dầu gần đây nhất (ngày 19/8) đã đưa giá xăng RON 92 xuống mức 18.536 đồng/lít trong khi giá dầu Brent biển Bắc thời điểm tương đương trên sàn giao dịch điện tử Singapore niêm yết ở mức 48,81 USD/thùng.
Trong khi thời điểm tháng 1/2015, lần điều chỉnh giá vào 21/1 giá dầu Bren biển Bắc trên sàn Singapore là 48,69 USD/thùng giá bán lẻ xăng trong nước chỉ ở mức 15.670 đồng/lít, thấp hơn mức hiện tại đến 2.866 đồng/lít.
Không ngành nào như xăng dầu
Theo công thức tính giá cơ sở với mặt hàng xăng dầu hiện tại, chi phí định mức mỗi lít xăng RON 92 là 1.050 đồng/lít trong khi trước đây là 860 đồng/lít, dầu diesel là 950 đồng/lít, dầu madut chi phí kinh doanh ở mức tối đa là 600 đồng/lít. Bên cạnh đó, với mức lợi nhuận định mức là 300 đồng/lít xăng và thuế môi trường cố định 3.000 đồng/lít, cộng thuế nhập khẩu xăng dầu 20%, riêng các khoản thuế phí này đã ở mức trên 5.000 đồng/lít.
GS.TS Đặng Đình Đào, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và Phát triển cho biết, lợi nhuận định mức 300 đồng/lít được tính vào cơ cấu giá xăng là ưu ái phi lý mà không ngành nào được hưởng.
"Theo nguyên tắc doanh nghiệp phải đối mặt với cả lãi lẫn lỗ. Nếu làm khéo được lãi, không sẽ lỗ thậm chí phá sản hoặc có lúc lãi cao, lãi thấp, hoà vốn không thể ấn định mức lãi nhất định là 300 đồng/lít xăng như hiện nay", ông Đào nêu quan điểm.
Đồng quan điểm, một chuyên gia kinh tế khác cũng cho biết, với lợi nhuận định mức xăng dầu không thể hoạt động theo cơ chế thị trường vì Nhà nước đã định sẵn lợi ích cho doanh nghiệp. Vị này cũng cho biết với mức 300 đồng/lít là ngưỡng siêu lợi nhuận cho doanh nghiệp chiếm lĩnh thị trường lớn, vô hình chung hỗ trợ cho doanh nghiệp lớn, hỗ trợ độc quyền hoá.
Cũng theo vị này, điều đáng lo ngại nhất là việc định sẵn lợi nhuận định mức có thể ảnh hưởng lớn đến cấu trúc thị trường bởi khó khuyến khích doanh nghiệp nhỏ cạnh tranh với doanh nghiệp lớn với mức lơi nhuận trên.
Mới đây, Tập đoàn xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cũng đã công bố báo cáo tài chính Quý II/2015 cho thấy, doanh thu thuần của Tập đoàn đạt 43.565 tỷ đồng, giảm 22% so với cùng kỳ 2014. Lợi nhuận sau thuế quý II/2015 của Petrolimex vẫn tăng lên 1.125 tỷ đồng, tương ứng gấp 2,7 lần lợi nhuận cùng kỳ.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, mặc dù tập đoàn chỉ đạt 81.502 tỷ đồng doanh thu thuần, tương ứng giảm 23% so với cùng kỳ nhưng lợi nhuận sau thuế vẫn tăng 137%, đạt 1.586 tỷ đồng.
Một trong những lý do được ông Trần Ngọc Năm, Phó tổng Petrolimex đưa ra nhằm lý giải số lãi lớn so với cùng kỳ của doanh nghiệp là do việc điều hành giá bán xăng dầu trong nước, chi phí kinh doanh định mức và việc trích, sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu được Bộ Công Thương thực hiện đúng theo Nghị định 83 và Thông tư số 39 của Bộ Tài Chính quy định về phương pháp tính giá cơ sở, cơ chế hình thành, quản lý, sử dụng quỹ bình ổn giá và điều hành xăng dầu có hiệu lực từ tháng 11/2014.
BizLIVE