MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

[Hàng hóa ngày 27/01]: Tồn kho 339 ngàn tấn đường

27-01-2015 - 22:39 PM | Thị trường

Lượng đường tồn kho tại các nhà máy là 339 ngàn tấn; Giá xăng dầu giảm nhưng nhiều mặt hàng thực phẩm và cước vận tải giảm chưa tương ứng; Hoa Kỳ là thị trường nhập khẩu thủy sản hàng đầu Việt Nam; Xuất khẩu nông, thủy sản tháng 1 đạt gần 2 tỷ USD…

Tóm tắt:

- Tính đến ngày 15/01/2015 các nhà máy đường tồn kho là 339 ngàn tấn

- Giá xăng dầu giảm nhưng nhiều mặt hàng và cước vận tải giảm chưa đáng kể

- Tổng thư ký tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ nhận định khả năng giá dầu có thể phục hồi tới 200 USD/thùng

- Hoa kỳ là thị trường nhập khẩu thủy sản hàng đầu Việt Nam


Đang tồn kho gần 339 ngàn tấn đường

Do lượng đường tồn kho lớn, tiêu thụ khó khăn, giá bán buôn đường kính trắng loại 1 tại nhà máy đường giảm so với tháng trước từ 500 - 1.000 đồng/kg

Theo Cục chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối, tính đến ngày 15/01/2015 toàn bộ các nhà máy đường đã vào sản xuất niên vụ 2014-2015, các nhà máy đã ép được 5.618.900 tấn mía, sản xuất được 505.950 tấn đường. So với cùng kỳ năm trước, lượng mía ép giảm 1.359.100 tấn, lượng đường giảm 97.650 tấn.

Lượng đường tồn kho các nhà máy đến ngày 15/01/2015 là 338.530 tấn, cao hơn cùng kỳ năm trước 12.470 tấn.

Lượng đường các nhà máy bán ra từ 15/12/14 đến 15/01/15 là 158.170 tấn, thấp hơn cùng kỳ năm trước 13.330 tấn.

Giá mua mía 10 CCS tại ruộng hiện vẫn ổn định: Nghệ An: 780.000 – 810.000 đ/T; Cao Bằng, Sơn La: 800.000 - 870.000đ/T; Tuyên Quang, Hòa Bình, Thanh Hóa, Gia Lai, Tây Ninh: 900.000 đ/T; Đồng bằng sông Cửu Long: 750.000 đ/T; Phú Yên: 920.000 đ/T.

Mới đây, trước thông tin Bộ Công Thương đề nghị cho nhập khẩu 50.000 tấn đường từ Lào với mức thuế 0%, Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) đã có công văn gửi Thủ tướng đề nghị tạm thời chưa cho nhập khẩu đường từ Lào

Xăng lên tăng giá ngay, xăng giảm còn chờ… trời

Khi các Bộ nỗ lực rà soát kiểm tra chặt giá cước vận tải, CPI đã âm 3 tháng liên tiếp thì ngoài thị trường, hàng thực phẩm thiết yếu rục rịch tăng giá. Chuyên gia chỉ ra rằng, giá vận tải giảm chưa đáng kể vẫn là "thủ phạm" khiến giá hàng hóa neo ở mức cao.

"Xăng dầu thì giảm mạnh thật đấy, nhưng tôi đi chợ hàng ngày có thấy thực phẩm giảm đâu. Họ giảm ở đâu chứ?", bà Phú, trợ lý bếp nhà hàng bún chả T.N nổi tiếng ở phố Vạn Phúc, Hà Nội chia sẻ.

Bà Phú ví dụ: “Thịt lợn, gà đang tăng thấy rõ. Trước đây, một cân thịt rọi chỉ 70.000-75.000 đồng thì giờ đã tăng lên 85.000 đồng. Thịt gà ta trước chỉ có 95.000 đồng/kg thì nay đã tăng thành 110.000-120.000 đồng/kg".

Gạo tám Thái trước đây là 18.000 đồng/kg, giờ là 20.000 đồng/kg, gạo Bắc Hương cũng tăng từ 15.000 lên thành 17.000 đồng/kg, gạo xi rẻ nhất cũng nhích từ 10.000 lên 12.000 đồng/kg.

Những loại đồ khô thường tích trữ để nấu cỗ ngày Tết cũng tăng thấy rõ, như miến ngon đã từ 35.000 đồng/kg tăng lên 40.000 đồng/kg, bánh đa từ 35.000 đồng/kg lên 37.000 đồng/kg.

Dường như, những nỗ lực giảm giá cước vận tải theo giá xăng dầu của Chính phủ vẫn chưa thực sự ngấm đến hàng hoá ngoài thị trường và bán lẻ truyền thống.

Cập nhật mới nhất từ Bộ Tài chính, giá xăng dầu chiếm khoảng 34-45% giá thành cước vận tải hàng hoá, nhưng đến nay, một số công ty vận tải hàng hoá mới giảm trung bình từ 3-18%.

Theo nhiều chủ buôn hàng thực phẩm, dù giá cước vận tải có giảm, nhưng giá gốc buôn hàng không giảm thì họ sẽ khó giảm giá. Quan trọng hơn, vào dịp Tết, do nhu cầu mua sắm, tích trữ tăng lên mặt hàng thịt lợn, gà, hải sản thường tăng giá.

Hoa kỳ tiếp tục là thị trường nhập khẩu thủy sản hàng đầu Việt Nam

Hoa Kỳ vẫn duy trì được vị trí là thị trường nhập khẩu hàng đầu của thủy sản Việt Nam, chiếm 21,82% tổng giá trị xuất khẩu của mặt hàng này. Xuất khẩu thủy sản sang thị trường này trong năm 2014 đạt 1,709 tỷ USD, tăng 17,29% so với năm 2013.

Năm 2014, xuất khẩu thủy sản sang hầu hết các thị trường khác đều tăng như Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc với mức tăng tương ứng là 7,55%, 27,85% và 11,38%.

Trong tháng 1, giá trị nhập khẩu mặt hàng thủy sản đạt 87 triệu USD, giảm 12,8% so với cùng kỳ năm trước. Hai thị trường nhập khẩu chính là Ấn Độ (chiếm 33,2%) và Đài Loan (chiếm 7,1%).

Tổng sản lượng thuỷ sản tháng 1 ước đạt 409 ngàn tấn, tăng 2,3% so với năm 2014, trong đó sản lượng khai thác ước đạt 223 ngàn tấn, tăng 2,8%; sản lượng nuôi trồng ước đạt 186 ngàn tấn, tăng 1,8% so với năm 2014.

Xuất khẩu nông, thủy sản tháng 1 đạt gần 2 tỷ USD

Theo báo cáo mới nhất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tháng 1/2015, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 1,95 tỷ USD, giảm 13,8% so với cùng kỳ năm trước.

Giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 859 triệu USD, giảm 11,8%; thuỷ sản ước đạt 412 triệu USD, giảm 25,6%; lâm sản chính ước đạt 520 triệu USD, giảm 8,2% so với cùng kỳ năm trước.

Cụ thể, khối lượng gạo xuất khẩu ước đạt 312 nghìn tấn với trị giá 152 triệu USD, giảm 14,5% về lượng và giảm 12,7% về giá trị so với tháng 1 năm 2014.

Tháng 1/2015, xuất khẩu cà phê ước đạt 100 nghìn tấn, với giá trị ước đạt 202 triệu USD, giảm 28,9% về lượng và giảm 23,6% về giá trị so cùng kỳ năm 2014.

Ước tính khối lượng xuất khẩu cao su tháng 1 đạt 109 nghìn tấn, giá trị đạt 112 triệu USD, tăng 70,5% về khối lượng nhưng giảm 15,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014.

Xuất khẩu chè ước đạt 9 nghìn tấn, với giá trị ước đạt 17 triệu USD, tăng 1,4% về lượng và tăng 5,7% về giá trị cùng kỳ năm 2014.

Xuất khẩu hạt điều ước đạt 18 nghìn tấn với giá trị ước đạt 129 triệu USD, tăng 19,9% về khối lượng và tăng 16,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014.

Tổng thư ký OPEC: “ Giá dầu có thể lên đến 200 USD nếu thiếu đầu tư”

Bloomberg trích lời Tổng thư ký Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) nhận định khả năng giá dầu có thể hồi phục và lên tới mức 200 USD/thùng  hoàn toàn có thể xảy ra nếu các nhà sản xuất thất bại trong việc đầu tư vào nguồn cung mới.

“Nếu không đầu tư vào ngành dầu khí, bạn sẽ nhìn thấy mức giá hơn 200 USD/thùng”, ông Abdalla El-Badri nói trong một cuộc phỏng vấn ở London. Sau lời nhận định này, giá dầu WTI tăng lên sau khi giảm khoảng 2,7% trước đó.

Giá dầu thô đã giảm 46% trong năm 2014 với nguyên nhân chủ yếu là do Saudi Arabia và các thành viên khác của OPEC khẳng định họ sẽ không cắt giảm sản lượng để đối phó với tình trạng dư thừa nguồn cung. Tổ chức năng lượng quốc tế IEA hôm 21/1 nói rằng giá giảm sẽ khiến đầu tư vào ngành năng lượng sụt giảm khoảng 15% trong năm nay, tương đương 100 tỷ USD.

 

>>> [Hàng hóa ngày 26/01]: Gần Tết, nhiều mặt hàng tăng giá

Hà Thắm

Hà Thắm

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên