Quá lệ thuộc thị trường gạo Trung Quốc
Trung Quốc đang chiếm trên 50% lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam nhưng việc giảm phụ thuộc vào thị trường này là không hề dễ
- 22-02-2016Xuất khẩu gạo bứt phá
- 20-02-2016Triển vọng tốt từ xuất khẩu gạo
- 20-02-2016Vì sao xuất khẩu gạo sang Chi Lê giảm?
Thông tin trên được đưa ra tại hội nghị phát triển thị trường xuất khẩu gạo diễn ra vào chiều 22-2 tại TP HCM dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cùng sự tham gia của các tham tán thương mại Việt Nam tại các nước, doanh nghiệp (DN) xuất khẩu gạo, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) và các địa phương.
Trung Quốc nhập gạo ngày càng nhiều
Theo ông Huỳnh Minh Huệ, Tổng Thư ký VFA, từ năm 2012, cơ cấu thị trường xuất khẩu của gạo Việt Nam có sự thay đổi khi thêm thị trường tiểu ngạch đi Trung Quốc. Do vậy, trên thống kê chính thức, Trung Quốc chiếm hơn 35% thị phần nhưng thực tế lên đến trên 50% do còn khoảng 1,6 triệu tấn xuất tiểu ngạch.
Ông Bùi Huy Hoàng, Tham tán Thương mại tại Trung Quốc, cho biết nước này nhập khẩu gạo ngày càng nhiều, năm 2015 lên đến 3,35 triệu tấn, tăng mạnh so với 2,2 triệu tấn vào năm 2012. “Việt Nam đang là nước xuất khẩu gạo lớn nhất vào Trung Quốc với 54% thị phần. Tuy nhiên, khảo sát tại các siêu thị ở Trung Quốc, vẫn chưa thấy gạo xuất xứ Việt Nam. Do vậy, các DN cần nhanh chóng xây dựng hình ảnh, thương hiệu gạo Việt Nam tại nước này, nếu chậm chân Campuchia sẽ qua mặt” - ông Hoàng cảnh báo.
Theo ông Hoàng, sản lượng gạo của Trung Quốc hiện ở mức 208 triệu tấn và nước này tiếp tục áp dụng chính sách tạm trữ và mua theo giá sàn. Điều này dẫn đến giá gạo nội địa của Trung Quốc cao hơn nhiều so với gạo nhập khẩu nên nhu cầu từ thị trường này vẫn rất lớn.
Trước vấn đề này, ông Huỳnh Thế Năng, Chủ tịch VFA, nhận định Trung Quốc là thị trường dễ nhưng khó, các DN lớn như Vinafood 1, Vinafood 2 cũng không dám bán hàng do rủi ro cao. Theo ông Năng, thương nhân Trung Quốc mua gạo theo tên giống, khi mua về còn chế biến lại rồi trộn với gạo của họ mới bán ra. Riêng gạo ST 20-21 của ta tương đồng với một loại gạo của họ nên chỉ cần đóng bao. “Gạo Việt Nam đã có trong siêu thị Trung Quốc nhưng mang tên của họ. Chúng tôi đang kết nối để tổ chức sản xuất gạo ST cho thị trường Trung Quốc mang thương hiệu Việt Nam nhưng phải làm từng bước, nếu yêu cầu phải có tên ngay là rất khó” - ông Năng nhìn nhận.
Thời cơ và thách thức từ thị trường mới
Đối với những thị trường mới, đặc biệt là các nước tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), ông Năng cho biết phải vượt qua rất nhiều rào cản mới có thể bán hàng được. Với Mỹ là vấn đề an toàn thực phẩm, kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), trong khi Việt Nam có hàng trăm loại thuốc BVTV có chứa 7 hoạt chất mà Mỹ đang cấm. Do đó, VFA đã có kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm thay thế các hoạt chất này trong thuốc BVTV.
Với Hàn Quốc, thị trường Việt Nam mới ký hiệp định thương mại tự do thì đang có nhiều thay đổi chính sách nhập khẩu gạo có lợi cho ta. Ông Chu Thắng Trung, Tham tán Thương mại tại Hàn Quốc, cho biết nước này áp dụng quản lý nhập khẩu theo hạn ngạch (thuế nhập khẩu 5% trong hạn ngạch, 51,3% nhập ngoài hạn ngạch) với 408.000 tấn/năm. Những thay đổi có lợi cho Việt Nam như không phân biệt mục đích gạo nhập khẩu để ăn hay chế biến, tổ chức đấu thầu công khai cho các nước, bỏ việc ưu tiên 50% hạn ngạch cho Trung Quốc, Mỹ, Thái Lan và Úc như trước đây.
Đối với thị trường EU, ông Nguyễn Bảo, Tham tán công sứ tại Campuchia, cho biết không như thông tin trong nước, gạo Campuchia đang rất “sợ” gạo Việt. Theo ông Bảo, 2/3 lượng gạo Campuchia xuất khẩu là sang EU nhưng theo hiệp định thương mại Việt Nam vừa ký với EU thì mỗi năm Việt Nam được hạn ngạch 70.000 tấn nhập vào đây với thuế 0%. Campuchia đang lo không cạnh tranh nổi gạo Việt Nam ở thị trường này.
Việc của tham tán, còn đề nghị ai?
Tại hội nghị, tham tán thương mại tại Hàn Quốc đề nghị Bộ Công Thương kết nối 8 DN đầu mối nhập khẩu gạo tại Hàn Quốc đang làm ăn ở Việt Nam trong việc thúc đẩy xuất khẩu gạo. Trước đề nghị này, Thứ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng: “Đây là việc của các đồng chí, còn đề nghị ai nữa”.
Theo ông Trần Tuấn Anh, để xuất khẩu gạo thành công, việc biết rõ thị trường là hết sức quan trọng. Ông yêu cầu VFA chủ động xây dựng chương trình xúc tiến thương mại để phối hợp với Bộ Công Thương thực hiện.
Người lao động