MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Truy đến cùng hàng gian, hàng lậu

14-01-2016 - 21:52 PM | Thị trường

Các cơ quan chức năng tập trung nhiều nguồn lực để chống hàng giả, hàng gian lận thương mại và kém chất lượng nhưng kết quả vẫn chưa đạt như mong đợi, tại sao?

Hàng giả, hàng kém chất lượng, đặc biệt là các sản phẩm như gas, thuốc chữa bệnh, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón... đã gây bức xúc trong dư luận. Do vậy, năm 2016 chúng tôi sẽ tập trung đấu tranh với sự tham gia của nhiều cơ quan chức năng, kể cả chính quyền địa phương...”.

Ông Trần Hùng - phó chánh văn phòng Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống buôn lậu, gian lận thương mạihàng giả (Ban 389) - đã khẳng định như vậy khi trao đổi với chúng tôi. Ông Hùng nói:

- Năm 2015, các lực lượng chức năng đã kiểm tra, phát hiện nhiều vụ việc nghiêm trọng về sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng. Điển hình tại Hà Nội, quản lý thị trường đã bắt giữ được trên 37.000 sản phẩm mỹ phẩm không hóa đơn, hơn 20 tấn thực phẩm chức năng giả...

Tại Quảng Ninh cũng đã bắt được đối tượng người Trung Quốc với 40kg tem giả. Tuy nhiên, phải thừa nhận tình trạng sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc... vẫn còn khá phức tạp.

* Nhiều năm qua, các cơ quan chức năng đã tập trung nhiều nguồn lực để chống hàng giả, hàng gian lận thương mại và kém chất lượng nhưng kết quả vẫn chưa đạt như mong đợi, thưa ông?

- Với việc tập trung của các cơ quan chức năng, hoạt động chống hàng giả, hàng gian lận thương mại... thời gian qua đã thu được những kết quả nhất định. Chẳng hạn, chỉ trong ba tháng cao điểm năm 2015, lực lượng chức năng đã bắt trên 2.000 vụ vận chuyển và kinh doanh thực phẩm, dược phẩm, thực phẩm chức năng giả, kém chất lượng, trong đó có nhiều đầu nậu, người cầm đầu.

Tương tự, cơ quan chức năng cũng bắt được các đầu nậu sang chiết gas lớn như ở Bến Lức, Long An, chứ không chỉ bắt những vụ nhỏ lẻ. Nhưng phải thừa nhận rằng tình trạng buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại ngày càng diễn biến phức tạp.

Tuy nhiên trong thời gian tới, với việc thay đổi một số cơ chế, chính sách trong xử lý, hoạt động buôn lậu và gian lận thương mại sẽ được kiểm soát tốt hơn.

Ví dụ, trước đây người dân khu vực biên giới được mua hàng trao đổi chợ biên giới với giá trị 2 triệu đồng/ngày, nên nhiều đối tượng lợi dụng vận chuyển, mua bán hàng này với mục đích đưa hàng vào nội địa.

Nhưng tới đây, doanh nghiệp muốn mua gom lại mặt hàng của cư dân biên giới phải nộp thuế. Tất cả hàng hóa lưu thông nội địa mà không có hóa đơn chứng từ đều bị coi là vi phạm, sẽ bị xử lý. Điều này sẽ góp phần chặn đứng hàng không rõ nguồn gốc, các hình thức lách luật.

Và trong năm 2016, chúng tôi sẽ tập trung đánh mạnh vào những đầu nậu, tiếp tục huy động cả chính quyền địa phương vào cuộc, tăng tính phối hợp để tăng hiệu quả...

* Những giải pháp cụ thể là gì thưa ông?

- Chúng tôi đã làm việc với Hiệp hội Gas và hai bên sẽ ký kết quy chế cung cấp thông tin, tăng cường phối hợp để kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm. Trong đó, chính các doanh nghiệp, hiệp hội gas có thể cung cấp thông tin để bắt giữ những cơ sở kinh doanh lậu, tăng hiệu quả việc phòng chống.

Bên cạnh đó, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - trưởng Ban 389 - cũng đã yêu cầu truy đến cùng, gắn trách nhiệm rất cụ thể đối với từng vụ buôn lậu, gian lận thương mại... Chẳng hạn, nếu bắt được một vụ buôn lậu trong nội địa sẽ truy hàng đi từ đâu.

Nếu từ đường mòn lối mở, trách nhiệm bộ đội biên phòng, từ cửa khẩu thì trách nhiệm hải quan... Ngay cấp quận, huyện nếu có bày bán, sản xuất, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, bảo vệ thực vật... cũng sẽ phải chịu trách nhiệm, xử lý cả đơn vị làm ngơ, bao che. Chính quyền địa phương phải quản lý được địa bàn của mình.

* Ông có lo hiệu quả tăng lên sau các đợt cao điểm nhưng sau đó lại chìm dần?

- Việc thành lập Ban 389 với cơ quan thường trực đã bước đầu chứng minh được hiệu quả trên thực tế mà bản thân doanh nghiệp và người dân đã bắt đầu cảm nhận được. Các vụ việc bắt được công khai ngay lập tức trên phương tiện thông tin đại chúng, mà đã công khai rồi ai muốn xin cũng không được.

Đã có nhận định tình hình và chỉ đạo rõ ràng sẽ xử nghiêm những cán bộ vi phạm, bảo kê, tiếp tay buôn lậu. Với cơ chế trách nhiệm đến từng đơn vị, cộng với sự chỉ đạo quyết liệt từ trung ương tôi tin rằng việc chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả sẽ không chìm mà ngày càng hiệu quả.

Tuy nhiên, bản thân các doanh nghiệp cũng cần truyền thông nhiều hơn để người dân có thể nhận biết sản phẩm thật, tác hại sản phẩm giả, nhái. Người dân cũng cần đồng thuận, tìm hiểu và so sánh kỹ hơn khi mua hàng, tránh chỉ quan tâm đến giá cả. Nếu ai cũng chủ động đấu tranh, cả xã hội cùng vào cuộc thì chắc chắn tình trạng sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng gian lận thương mại sẽ giảm.

Theo ông Trần Hùng, có một thực tế là dù được cảnh báo nhưng nhiều người tiêu dùng không quan tâm nên đã mua phải hàng kém chất lượng, hàng giả..., tự nguyện để cho kẻ gian móc túi.

Chẳng hạn mặt hàng tôn thép, doanh nghiệp đã cảnh báo rất nhiều nhưng nhiều người vẫn mua vì giá rẻ. Hay phân bón cũng vậy, nếu chọn những thương hiệu uy tín và yêu cầu nhà cung cấp xuất hóa đơn khi mua hàng, người mua mới có thể tránh mua phải sản phẩm dỏm.

Đặc biệt, người dân nên chủ động thông tin về các cơ sở sản xuất có dấu hiệu làm hàng giả hoặc buôn bán hàng kém chất lượng đến cơ quan chức năng, như quản lý thị trường, công an hoặc đơn giản là thông tin đến cơ quan bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ở các địa phương...

Theo C.V.Kình thực hiện

Tuổi Trẻ

Trở lên trên