Hàng nghìn nhân viên ngân hàng nghỉ việc từ đầu năm đến nay: Nhân sự ngành ngân hàng đang bước vào thời kỳ bị cắt giảm diện rộng?
Nhiều nhận định cho rằng lực lượng lao động ngành ngân hàng sẽ giảm trong những năm tới. Hiện tượng cắt giảm nhân sự ngân hàng tại Việt Nam cũng trở nên đáng chú ý trong thời gian gần đây khi không còn diễn ra lẻ tẻ tại một số ngân hàng nhỏ, ngân hàng yếu kém mà xảy ra tại cả những ngân hàng lớn.
Tại Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam 2019 mới đây, ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng Giám đốc VPBank cho biết, trong 5 năm tới, lực lượng lao động ngành ngân hàng sẽ giảm. Ông Vinh lấy dẫn chứng tại VPBank khi trong 9 tháng đầu năm đã giảm hơn 2.500 người nhờ nhờ tối ưu hóa các hệ thống vận hành, bán hàng. Hơn 30% các khoản vay nhỏ và thẻ được thực hiện trên mạng.
Trước đó, theo thống kê của chúng tôi, trong 6 tháng đầu năm 2019, nhân sự tại ngân hàng VPBank (không bao gồm FE Credit) đã giảm gần 2.000 người. Như vậy, trong 3 tháng của quý 3/2019, VPBank đã tiếp tục cắt giảm thêm 500 người. Con số cụ thể cần chờ thêm vài ngày nữa khi nhà băng này công khai báo cáo tài chính quý 3.
Trên thực tế, không riêng tại VPBank mà có thể nhận thấy được xu hướng cắt giảm nhân sự đã diễn ra tại khá nhiều ngân hàng kể từ đầu năm đến nay.
Trong báo cáo tài chính mới đây của Saigonbank, cuối tháng 9, nhân sự của ngân hàng này chỉ còn 1.409 cán bộ nhân viên, giảm 21 người so với hồi đầu năm 2019. Nhân sự tại Saigonbank cũng đã liên tục giảm trong 3 năm qua, so với thời điểm cuối tháng 9/2016, số nhân viên của ngân hàng này đã giảm 78 người.
Hiện tượng cắt giảm nhân sự trở nên đáng chú ý trong thời gian gần đây khi không còn diễn ra lẻ tẻ tại một số ngân hàng nhỏ, ngân hàng yếu kém mà xảy ra tại cả những ngân hàng lớn. Nhu cầu tuyển dụng của các ngân hàng vẫn còn, nhưng không còn ồ ạt như cách đây 2-3 năm.
Trước đó, tại cuối tháng 6/2019 cho thấy nhiều ngân hàng đã mạnh tay cắt giảm nhân sự trong năm nay. Tại VietinBank, số cán bộ nhân viên tại ngày 30/6 là 22.164 người, giảm 454 nhân viên so với đầu năm. Tương tự, BIDV giảm 108 người, ACB giảm 168 người, BacABank giảm 52 người.
Trong các cuộc khảo sát, kế hoạch tuyển dụng của các ngân hàng cũng có xu hướng dè dặt hơn so với nhưng năm trước. Theo kết quả cuộc điều tra của Vụ Thống kê Dự báo của NHNN, ở thời điểm cuối tháng 9/2019, chỉ 22,55% TCTD cho biết đang thiếu lao động. Tính đến cuối năm 2019 so với cuối năm 2019, 62,8% TCTD cho biết đã hoặc sẽ tuyển thêm lao động (thấp hơn tỷ lệ dự kiến 64,6% đưa ra tại cuộc điều tra tháng 6/2019); 28,4% TCTD dự kiến giữ nguyên số lượng lao động và có 8,8% TCTD dự kiến cắt giảm lao động.
Chia sẻ với chúng tôi dịp gần đây, ông Nguyễn Hưng – CEO ngân hàng TPBank nhận định rằng trong tương lai, nhân sự ngân hàng ở một số bộ phận, đặc biệt ở những khâu giản đơn như nhập liệu sẽ bị thay thế bởi công nghệ. Tuy nhiên, ông cho rằng, ở những khâu quan trọng, đặc biệt là "đội sale" thì máy móc không thể thay thế con người.
Ông Hưng cũng cho biết, trong 2 năm qua ngân hàng hầu như không phải tăng nhân sự là nhờ phát triển công nghệ. Đội ngũ bán hàng, nhân sự công nghệ, nhân sự triển khai Basel II vẫn được tuyển rất nhiều, song đội ngũ back office được cắt giảm, bù trừ lẫn nhau.
Trong bối cảnh này, lao động ngành ngân hàng đang phải đối mặt với khả năng khó tìm việc nhất trong các lĩnh vực vì nguồn cung lao động lớn nhưng nhu cầu tuyển dụng lại thấp.
Theo khảo sát của Vietnamworks, lượng hồ sơ ứng tuyển trong ngành ngân hàng nửa đầu năm 2019 tăng tới 65% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngân hàng cũng là ngành có tỷ lệ người tìm việc cao nhất với hơn 81% người khảo sát trong ngành này có mong muốn tìm việc/ nhảy việc. Trong khi đó, ngành ngân hàng lại không lọt top những ngành nghề dự báo có nhu cầu tuyển dụng cao nhất từ nay đến cuối năm. Theo đó, Vietnamworks xếp Ngân hàng là một trong những ngành khả năng sẽ khó tìm việc và chuyển việc nhất vào nửa cuối năm.
Công nghệ rõ ràng đang có những tác động rất lớn tới ngành ngân hàng, giúp nâng cao chất lượng dịch vụ rõ rệt trong thời gian qua và cả tương lai. Song cũng trong làn sóng đó, nhiều dự báo cho thấy công nghệ sẽ gây ra sự sụt giảm lực lượng lao động ngành ngân hàng mạnh nhất trong lịch sử. Báo cáo của Wells Fargo từng dự báo, có 200.000 nhân viên ngân hàng sẽ mất việc vì robot trong thập kỷ tới. Khối hỗ trợ (back-office), chi nhánh ngân hàng, tổng đài và nhân viên khối khách hàng doanh nghiệp có thể bị cắt 20 - 30% lao động.