Hàng Trung Quốc đội lốt “Made in Vietnam” không chỉ có Khaisilk
Sản phẩm Trung Quốc được phù phép thành sản phẩm Việt Nam vẫn chưa được khống chế và phổ biến từ cao cấp đến bình dân.
- 26-10-2017Bán khăn lụa “Made in China” nhưng quảng bá "Made in Vietnam", KhaiSilk vi phạm những quy định gì?
- 26-10-2017Khaisilk - "thần tượng" sụp đổ
- 25-10-2017Thêm người tiêu dùng tố khăn lụa Khaisilk gắn mác "Made in Vietnam", nhưng đã khéo cắt đi mác “Made in China”, vì sao doanh nhân Hoàng Khải vẫn im lặng?
Những ngày qua, câu chuyện “hàng lụa Việt cao cấp made in China” của 1 thương hiệu nổi tiếng trong nước đã khiến dư luận “dậy sóng”. Người tiêu dùng có lẽ bất ngờ, không nghĩ rằng ngay cả 1 thương hiệu Việt nổi tiếng như thế cũng đã dùng “chiêu trò” để qua mắt người tiêu dùng.
Theo như thừa nhận của Chủ tịch Tập đoàn Khaisilk về việc 1 chiếc khăn lụa của tập đoàn này có 2 nhãn mác, trong đó có nhãn mác xuất xứ Trung Quốc, thì hiện sản phẩm khăn lụa nhập khẩu từ Trung Quốc vẫn chiếm 50% sản phẩm khăn lụa đang kinh doanh tại các cửa hàng hệ thống Khaisilk.
Đấy là khi sự việc đã bị phát hiện và vỡ lở vị này mới nói như vậy, nếu không, ai có thể nghĩ rằng Khaisilk – Thương hiệu Việt uy tín nhưng sản phẩm lại được trà trộn bởi sản phẩm lụa có xuất xứ từ Trung Quốc?
Lực lượng chức năng phát hiện và xử lý tình trạng buôn bán hàng giả, nhái thương hiệu. (Ảnh minh họa: KT)
Mặc dù đã khẳng định rằng, chất lượng sản phẩm khăn lụa vẫn đảm bảo và cam kết sẽ thu hồi toàn bộ lô sản phẩm này, đồng thời xây dựng lại việc quản lý sản phẩm và thương hiệu chặt chẽ hơn, nhưng cách làm của doanh nghiệp này vẫn sẽ được hiểu là hành vi lừa đảo người tiêu dùng dẫn đến mất uy tín nghiêm trọng.
Từ câu chuyện của Khaisilk để thấy, việc xây dựng và bảo vệ thương hiệu của doanh nghiệp Việt vẫn chưa thực sự được coi trọng. Xây dựng, thiết lập được thương hiệu riêng đã khó, không thể nào chỉ vì lợi nhuận mà doanh nghiệp bất chấp tất cả để tự chuốc lấy những khó khăn cho chính mình dẫn đến mất thị trường, thậm chí phá sản.
Và sự việc của Khaisilk cũng không phải là hãn hữu, bởi trong thời gian qua, tình trạng sản có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc nhưng được doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân “phù phép” thành sản phẩm của Việt Nam không phải là hiếm. Sản phẩm “đội lốt” này không giới hạn ở bất cứ nhóm hàng hóa nào mà phổ biến từ cao cấp đến bình dân.
Kết quả điều tra người tiêu dùng năm 2016 do Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao (BSA) cho thấy, hàng Trung Quốc “đội lốt” hàng Việt luôn là vấn đề nhức nhối.
Theo lực lượng chức năng của TP Hà Nội, việc mua hàng Trung Quốc dán nhãn mác hàng Việt diễn ra khá phổ biến. Nhiều cá nhân, doanh nghiệp đã sang Trung Quốc đặt sản xuất các loại bếp gas, lò nướng, lò vi sóng…, sau đó dán nhãn mác mang thương hiệu của một số doanh nghiệp Việt Nam sản xuất để tiêu thụ.
Đặc biệt, trong năm 2016, lực lượng quản lý thị trường Hà Nội qua kiểm tra đã phát hiện gần 1.500 vụ sản xuất, buôn bán hàng giả. Trong đó có không ít vụ hàng Trung Quốc nhập lậu nhưng nhái nhãn hiệu hàng của doanh nghiệp Việt Nam, kể cả những thương hiệu chất lượng cao như Bóng đèn Rạng Đông...
Không chỉ có hàng may mặc, hàng tiêu dùng thiết yếu nhập lậu từ Trung Quốc gắn mác hàng Việt để tiêu thụ, một số mặt hàng nông, lâm, thủy sản cũng trong tình trạng tương tự. Tại các chợ đầu mối, một lượng lớn hàng nông, thủy sản do Trung Quốc sản xuất nhưng được gắn mác hàng Việt Nam được bày bán công khai.
Năm 2016, Công an tỉnh Đồng Nai đã phát hiện, bắt giữ hàng trăm sản phẩm quần áo giả nhãn hiệu của Công ty may Việt Tiến tại một số cửa hàng bán quần áo trên địa bàn TP Biên Hòa... Đây không phải là lần đầu tiên, một hãng thời trang của Việt Nam bị làm giả nhãn hiệu.
Trong khi đó, các quy định về hành vi buôn lậu, dán nhãn mác giả... còn chồng chéo nên việc phát hiện xử lý người làm giả xuất xứ hàng hóa đang gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, muốn xử lý đối tượng vi phạm đòi hỏi lực lượng chức năng bắt quả tang nơi sản xuất hàng giả. Nhưng thực tế cho thấy, việc xác định nguồn gốc một lượng lớn hàng nhập lậu "đội lốt" hàng Việt không dễ dàng. Thậm chí, trong quá trình vận chuyển, nếu bị lực lượng chức năng phát hiện, các chủ hàng chấp nhận bỏ của chạy lấy người.
Cũng bàn về tình trạng này, một chuyên gia đề nghị giấu tên thẳng thắn cho rằng, về bản chất, Trung Quốc không thể gian lận được. Câu chuyện hàng sản xuất ở Trung Quốc nhưng nhãn mác ghi "made in Vietnam" chính là gian lận thương mại, nó xảy ra là do các cơ quan quản lý nhà nước Việt Nam kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa nhập khẩu không chặt.
Đặc biệt, bản chất của sự gian lận này là do các nhà kinh doanh Việt Nam chủ động tạo đất để hàng Trung Quốc vào Việt Nam. Đây là do người Việt Nam hại nhau chứ chưa chắc người Trung Quốc đã muốn lừa được.
Vì vậy, để từng bước đẩy lùi hàng giả, tạo môi trường lành mạnh cho hàng Việt phát triển, ngoài nỗ lực của nhà sản xuất, cần hoàn thiện cơ chế phối hợp, bảo đảm huy động sức mạnh tổng hợp của các cấp, ngành. Các nghị định xử phạt hành chính phải thống nhất với Luật Xử phạt vi phạm hành chính để làm cơ sở cho lực lượng chức năng thực hiện tốt việc kiểm soát thị trường.
Tuy nhiên, về lâu dài, chính bản thân các doanh nghiệp phải có biện pháp tự bảo vệ mình bằng cách đăng ký nhãn hiệu sản phẩm, quyền sở hữu trí tuệ, minh bạch các thông tin về tiêu chuẩn, chất lượng, sản phẩm, kênh phân phối… Bên cạnh đó cũng cần đẩy mạnh việc phối hợp với các lực lượng chức năng trong quá trình điều tra hành vi sản xuất, tiêu thụ hàng giả mạo nhãn hiệu Việt./.
VOV