MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hàng Việt Nam xuất khẩu tăng cao nhất trong 1 năm

Theo Bộ Công Thương, trong tháng 8, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam ước đạt 32,4 tỷ USD, tăng 7,7% so với tháng trước. Đây cũng là tháng có kim ngạch xuất khẩu cao nhất trong một năm trở lại đây và đánh dấu tháng tăng trưởng thứ tư liên tiếp.

Đóng góp cho sự tăng trưởng nhóm hàng công nghiệp chế biến tiếp tục là động lực chính khi đạt 27,7 tỷ USD, tăng 7,1% so với tháng trước. Trong đó, các mặt hàng chủ lực như máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng, dệt may, máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng, giày dép, gỗ và sản phẩm gỗ, điện thoại các loại và linh kiện...đều tăng trưởng tốt.

Xuất khẩu các mặt hàng nông, thủy sản trong tháng ước đạt 2,76 tỷ USD, tăng 6,5% so với tháng trước, chủ yếu do xuất khẩu gạo, hạt tiêu, chè, sắn và sản phẩm từ sắn tăng mạnh. Đặc biệt, nhóm hàng nhiên liệu khoáng sản và dầu thô tăng trưởng mạnh nhất.

Điểm sáng trong xuất khẩu hàng hóa tháng 8 là khu vực kinh tế trong nước (tăng 8,7%) cao hơn khu vực FDI (tăng 7,3%).

"Điều này cho thấy sự nỗ lực của các doanh nghiệp trong nước so với khu vực FDI, nhưng mặt khác cũng cho thấy sự khó khăn của các doanh nghiệp nói chung, kể cả doanh nghiệp FDI vốn được xem là khu vực có thị trường và chuỗi cung ứng ổn định hơn", Bộ Công Thương nhận định.

Hàng Việt Nam xuất khẩu tăng cao nhất trong 1 năm - Ảnh 1.

Sau nhiều tháng, xuất khẩu các mặt hàng điện tử, linh kiện, điện thoại có sự tăng trưởng trở lại.

Tính chung 8 tháng, xuất khẩu hàng hóa ước đạt 227,7 tỷ USD, giảm 10% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, có 30 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD.

Về thị trường, Bộ Công Thương cho biết, Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, tiếp đến Trung Quốc, châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản...

Ở chiều ngược lại, nhập khẩu hàng hoá ước đạt 207,52 tỷ USD, giảm 16,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo Bộ Công Thương, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu vẫn còn nhiều bất ổn, để duy trì hoạt động xuất khẩu, bộ này sẽ tiếp tục đẩy mạnh đàm phán, ký kết các hiệp định, liên kết thương mại mới; trong đó có hoàn tất đưa vào thực thi Hiệp định FTA với Israel, ký kết các hiệp định thương mại với các đối tác khác còn nhiều tiềm năng (UAE, cộng đồng thị trường Nam Mỹ...) để đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng.

Cùng với đó, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đàm phán với Trung Quốc mở cửa thêm thị trường xuất khẩu cho các mặt hàng rau quả khác của Việt Nam như bưởi da xanh, dừa tươi, bơ, dứa, vú sữa, chanh, dưa lưới… thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm thủy sản.

Theo Dương Hưng

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên