MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hành trình của thương hiệu Việt tiến vào chuỗi giá trị Samsung, Mitsubishi vì... tự ái

Câu chuyện khởi nghiệp của cái tên đang nổi trong ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam ẩn chứa nhiều điều thú vị...

"Câu nói "Việt Nam không sản xuất nổi chiếc ốc vít" một thời quả thực rất nhức nhối với nhiều người Việt. Nhưng quả thực, cũng chính nhờ "tự ái" vì câu nói này mà chúng tôi mới lại có Minh Nguyên ngày nay", Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Công nghiệp hỗ trợ Minh Nguyên, ông Châu Bá Long bộc bạch với VnEconomy.

Từ con số 0, chỉ sau 3 năm thành lập, Minh Nguyên hiện là một trong những nhà cung cấp linh kiện nhựa chủ chốt cho Samsung Việt Nam, thiết bị thông gió máy lạnh cho Mitsubishi và hàng chục doanh nghiệp khác.

Câu chuyện khởi nghiệp của cái tên đang nổi trong ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam ẩn chứa nhiều điều thú vị.

Khó nhất là vốn

Còn nhớ khoảng thời gian năm 2014 - 2015, câu chuyện không một công ty nội địa nào có thể cung cấp một con ốc đạt chuẩn cho Samsung thời gian đó đã làm dậy sóng dư luận về sự yếu kém của doanh nghiệp nội địa trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Minh Nguyên cũng được thành lập năm 2015, và sau 3 năm đã trở thành nhà cung cấp cấp 1 của Samsung. Ông nghĩ gì về sự trùng hợp này?

Câu nói "Việt Nam không sản xuất nổi chiếc ốc vít" một thời quả thực rất nhức nhối với nhiều người Việt. Nhưng quả thực, cũng chính nhờ "tự ái" vì câu nói này mà chúng tôi mới lại có Minh Nguyên ngày nay.

Hiện tại, đã có nhiều doanh nghiệp Việt tham gia vào các chuỗi giá trị, cung ứng linh kiện điện tử cho doanh nghiệp FDI, và câu chuyện đó đã không còn đúng với thực tế.

Samsung Việt Nam hiện nay không chỉ là nhà máy tập lắp ráp linh kiện điện tử mà còn là nơi trực tiếp sản xuất những linh kiện điện tử quan trọng. Nhờ việc trực tiếp sản xuất những linh kiện điện tử trọng tâm của điện thoại thông minh như: kính 3D, camera, khung kim loại, màn hình, pin… mà tỷ lệ nội địa hóa của Samsung Việt Nam đã tăng lên 58%.

Trong số này, nhiều công ty Việt Nam, trong đó có Minh Nguyên chúng tôi, đã tham gia ở nhiều hạng mục.

Ngoài ra, chúng tôi còn đang sản xuất sản phẩm linh kiện nhựa và khuôn mẫu chất lượng cao, cung ứng cho nhiều ngành công nghiệp: hàng gia dụng kỹ thuật số, linh kiện điện tử, phụ tùng xe hơi cho một số nhãn hàng nổi tiếng.

Nhiều doanh nghiệp FDI lớn vào Việt Nam mở ra cơ hội lớn cho công nghiệp hỗ trợ, nhưng thực tế đã cho thấy, không phải dễ đáp ứng các tiêu chí khắt khe để trở thành công ty vệ tinh cho các tập đoàn đa quốc gia. Với các ông thì hành trình đó có điều gì đặc biệt?

Tiềm năng của doanh nghiệp Việt Nam trong công nghiệp hỗ trợ là rất lớn. Nhiều tập đoàn đa quốc gia khi đến Việt Nam tìm hiểu cơ hội đầu tư đều phải xem xét nguồn nhân lực, nhà cung cấp tại chỗ thế nào, vì họ muốn tận dụng các nguồn cung cấp tại chỗ.

Tuy vậy, một điểm yếu cố hữu của công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam là nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động khá rời rạc, không liên kết với nhau.

Năm 2015, chúng tôi dồn tâm huyết và tài chính để đầu tư thành lập Minh Nguyên. Việc khởi sự này với chúng tôi cực kỳ tốn kém và mạo hiểm, nhất là trong giai đoạn đầu. Bởi với công nghiệp hỗ trợ, thiếu một hai món thì không tạo ra dây chuyền, mà không có dây chuyền thì không nói chuyện sản xuất được.

Chúng tôi phải tự đào tạo và tìm kiếm mọi sự trợ giúp từ các tập đoàn, cơ quan quản lý để phát triển doanh nghiệp ngày một tốt hơn.

Thực ra, cái khó nhất cho doanh nghiệp là vốn. Đó là một trong điều kiện tiên quyết. Chẳng hạn, trong trường hợp nhận được đơn hàng ổn định song sản lượng đối tác yêu cầu tăng đột biến, doanh nghiệp sẽ phải làm gì? Phải có nguồn lực và quy mô sản xuất chuẩn bị rất sẵn, không thể để đơn hàng "ra đi" được, vì mất đơn hàng là "tặng" ngay thị phần cho đối thủ.

Doanh nghiệp cũng bắt buộc phải đầu tư thật nghiêm túc từ đầu vào đến đầu ra, để đón đợi mọi tình huống. Nếu bạn chuẩn bị thật kỹ, đào tạo và đào tạo lại, chuẩn hóa các công đoạn, kể cả sửa lỗi, thì việc trở thành nhà cung ứng cấp một hay cấp hai, ba cho các tập đoàn là điều có thể làm được, cho dù bạn chưa phải là doanh nghiệp lớn.

Mơ hệ sinh thái

Với hiệp định CPTPP vừa có hiệu lực và hàng loạt FTA khác, ông đánh giá như thế nào về thuận lợi và khó khăn cho công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, khi nền kinh tế đã có độ mở lớn như vậy?

Các hiệp định thương mại có lộ trình giảm và xoá bỏ thuế. Vấn đề mấu chốt là, liệu doanh nghiệp trong nước có tự tin cạnh tranh được với các linh kiện, phụ tùng được sản xuất tại Thái Lan, Trung Quốc... khi thuế về 0% không?

Cùng với lợi thế về giá nhân công, nếu doanh nghiệp kiểm soát được nguồn nguyên vật liệu vật tư đầu vào, thì chắc chắn giá thành có thể cạnh tranh được với các nước trong khu vực.

Không chỉ Minh Nguyên, tôi nghĩ các doanh nghiệp cần tận dụng thời điểm này để cân bằng lại nguồn đầu vào, giá thành, quản lý vận hành tốt, quy trình sản xuất gắt gao..., để không làm đội chi phí.

Sang Australia học tập từ nhỏ, việc được đào tạo và lớn lên trong môi trường nước ngoài ảnh hưởng đến cách điều hành doanh nghiệp của ông ra sao?

Sống ở nước ngoài từ nhỏ đã giúp tôi hình thành một tính cách khá đặc biệt, đó là tinh thần học hỏi, cái gì mình không biết thì sẽ tìm hiểu tận cùng, đọc nhiều để dung nạp kiến thức.

Thế giới biến đổi không ngừng, nếu không nắm bắt được thì sớm muộn cũng tụt hậu. Do đó, phải có một chiến lược rõ ràng, để dù thế giới phát triển tới 4.0 hay 5.0 thì mình cũng phải có sự chuẩn bị để cùng bước theo.

Có bao giờ các ông nghĩ, 3 năm vừa qua là một hành trình "thần tốc"? Mong ước lớn nhất của các ông hiện tại là gì?

Nói "thần tốc" thì chúng tôi chưa đạt được tới mức đó đâu. Minh Nguyên đang cố gắng hoàn thiện hơn trong quy trình sản xuất, quy trình quản lý.

Muốn phát triển hơn nữa, phải làm tốt từ những cái hiện tại mình đang có. Nguồn nhân lực trong công nghiệp hỗ trợ rất quan trọng, phải có sự chuẩn bị kỹ càng mới có thể tăng trưởng được, có thể làm thêm được những sản phẩm ngành nghề khác.

Ngoài ra, Minh Nguyên cũng có một mong muốn, là giúp kết nối các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam để tạo thành hệ sinh thái riêng. Sự kết nối sẽ tạo nên sức mạnh cộng hưởng.

Khi đã thành một hệ nhóm, nếu mình nhận được một đơn hàng này, mình có thể chia sẻ tới các doanh nghiệp còn lại, người làm công đoạn đầu, người làm công đoạn cuối.

Theo Bạch Huệ

Vneconomy

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên